Đánh giá bằng nhận xét: Sớm bùng phát “bệnh hình thức”?
(Dân trí) - Từ sổ sách bên trên áp xuống cho đến cách thức thực hiện Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học đang đi theo hướng… đổi mới về hình thức.
Sổ sách hình thức
Sổ theo dõi chất lượng dạy học và học bạ là hai cuốn nổi cộm nhất đi kèm việc thực hiện Thông tư 30 vào trường học mà giáo viên (GV) mới được tiếp nhận qua file và những buổi tập huấn. Chỉ có thể nói hai từ “hình thức” đối với những cuốn sổ này từ vẻ ngoài cho đến bên trong ruột.
Về hình thức, khác với trường đây in đen trắng thì giờ cả hai cuốn sổ này đều được in màu rực rỡ. Sổ học bạ được in bằng nhiều màu, cứ mỗi năm (gồm 4 trang) lại được in màu khác như lớp 1 màu vàng, lớp 2 màu hồng…
Tối thứ sáu ngày 24/10/2014 vào lúc 22h30, trên VTV1 sẽ phát chương trình Chuyện Đương Thời bàn về Thông tư 30 về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Ông Phạm Ngọc Định (Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học) và bà Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) sẽ chia sẻ những thắc mắc của đội ngũ giáo viên, phụ huynh về Thông tư 30. |
Nếu như trước đây, cuốn sổ điểm của GV giá là 8.000 đồng thì với việc “đổi mới hình thức” này đã đẩy chi phí cao gấp nhiều lần, các trường tiểu học ở TPHCM phải đăng ký mua với giá 28.000 đồng/cuốn.
Nhiều hiệu trưởng cũng tiết lộ, khi họ chưa biết cuốn sổ sử dụng thế nào, mỗi lớp, mỗi GV cần bao nhiêu cuốn thì ở trên đã yêu cầu nhà trường đăng ký mua là không hợp lý.
Tính tích hợp giữa các loại sổ không cao, gần như cuốn sổ nào cũng bắt ghi đi ghi lại danh sách HS.Về số trang, nội dung, yêu cầu của các loại sổ cũng đều “phát phì” theo cách cải tiến lùi làm GV “ngợp” khi tiếp nhận. Còn nội dung bên trong đặt ra những yêu cầu hoàn thành sổ sách mà GV khó mà thực hiện nổi nếu không dùng đến biện pháp đối phó.
Có thể nói chính sổ sách nặng nề, hình thức đã tác động đến nhiều GV, làm họ quay lưng lại Thông tư 30 đồng nghĩa với việc quay lưng với những lợi ích, tiến bộ của chủ trương đổi mới này.
Nhận xét sáo rỗng!
Sau hơn một tuần Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT chính thức có hiệu lực đã xuất hiện những "chiêu" nhận xét đáng ngại của GV khi họ thực hiện một cách đối phó, hình thức chưa đặt lợi ích của HS lên đầu.
Những câu nhận xét ngắn gọn, lời khen vô thưởng vô phạt đang được GV tận dụng tối đa, thậm chí ở một số nơi đã có tình trạng GV sử dụng dấu mộc in sẵn lời nhận xét để “cộp” vào vở HS. Tuy nhiên, những việc này hoàn toàn không bất ngờ, đã được cảnh báo từ trước khi GV phải gánh thêm khối lượng công việc khổng lồ.
Ở TPHCM, GV nhiều trường còn lên tiếng đề nghị được dùng câu lệnh, câu khiến để nhận xét. Hiển nhiên yêu cầu này không được chấp nhận vì nhận xét đòi hỏi đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ.
Việc GV nhận xét một cách đối phó đang diễn ra, trước hết xuất phát từ việc họ phải đối phó với hồ sơ sổ sách. Ngoài ra, một điều cần đề cập là khi bắt tay vào thực hiện nhiều GV vẫn chưa hiểu được hết những lợi ích của việc nhận xét thay cho điểm số, còn rất mơ hồ về cách làm.
Một khi còn “lưu luyến” phương pháp cũ thì tâm lý GV rất ngại đổi mới, ngại nghĩ đến các biện pháp tích cực ngoài việc thực hiện cho xong mà ít chú tâm đến hiệu quả. Việc tổ chức thực hiện Thông tư lẽ ra cần phải từng bước giúp GV tiếp nhận, hưởng ứng thì lại “dội” xuống một cách vội vàng, áp đặt và nặng hình thức làm GV cảm thấy họ bị rơi vào thế bị ép buộc.
Ngay cả trong việc lấy ý kiến đóng góp của GV về Thông tư trong thời gian ngắn ngủi nhiều GV cho rằng cũng chỉ mang tính hình thức. Trên đã áp sẵn là sẽ thực hiện trong năm 2014, liệu những ý kiến của GV đưa ra đã thật sự được ghi nhận?
Và với những gì đang diễn ra xung quanh việc thực hiện thông tư 30 nhiều ý kiến lo ngại rằng những thay đổi sẽ chỉ mang tính hình thức không phải không có cơ sở. TS Nguyễn Hữu Hợp, ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ bản thân ông là người rất nhiệt thành ủng hộ, vui mừng với mục đích của Thông tư 30 nhưng giờ lại đang trăn trở vì nó có thể đe dọa chất lượng giáo dục.
Hoài Nam