Giáo viên Kon Tum chia sẻ kinh nghiệm đánh giá học sinh bằng nhận xét
(Dân trí) - Việc đánh giá học sinh tiểu học theo tinh thần Thông tư 30 thật sự không quá khó khăn và thể hiện được tính nhân văn sâu sắc. Thực hiện đúng Thông tư 30 sẽ giúp cho giáo viên tiến thêm một bước nữa trên con đường đổi mới cách dạy và học.
Đó là những chia sẻ của cô giáo Đặng Thị Kim Loan - Hiệu phó Trường tiểu học Ngô Quyền, thành phố Kon Tum khi đề cập đến việc triển khai Thông tư 30 (TT 30).
“Được sự chỉ đạo của Bộ GD-DT, trong những năm gần đây các trường tiểu học đã thực hiện đánh giá thường xuyên qua các hình thức: ghi điểm kết hợp với đánh giá bằng nhận xét, đánh giá thường xuyên bằng nhận xét theo công văn 5737 đối với các trường theo mô hình học mới, không cho điểm mà chỉ ghi nhận xét đối với học sinh (HS) lớp 1. Quá trình đó giúp giáo viên (GV) tiếp cận TT 30/2014/TT của Bộ GD-ĐT một cách tương đối dễ dàng. Tuy nhiên GV vẫn còn một số lúng túng nhất định” - cô Kim Loan chia sẻ.
Để giải quyết những lúng túng này, cô Kim Loan đã đưa ra một số kinh nghiệm đánh giá thường xuyên theo Thông tư 30. Dân trí xin giới thiệu tới bạn đọc kinh nghiệm của cô:
Tôi mạnh dạn chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc đánh giá thường xuyên theo TT 30. Thứ nhất, thay đổi quan điểm đánh giá, chủ động tiếp cận TT 30 qua đó GV hiểu được mục đích, nội dung, nguyên tắc và cách thức đánh giá. GV cần nắm được tính mới, tính mở của TT 30.
Thứ hai, nắm vững được các kĩ thuật đánh giá thường xuyên, GV xác định được căn cứ nhận xét, cấu trúc, nội dung, hình thức của lời nhận xét; phân biệt rõ được sự khác nhau giữa nội dung nhận xét tháng và nhận xét tuần.
Thứ ba, lập kế hoạch đánh giá, tùy theo từng môn học, đối tượng HS. GV lập kế hoạch đánh giá thường xuyên theo năm, tháng, tuần, bài, từng hoạt động, từng mạch kiến thức… Đối với GV chủ nhiệm thực hiện việc đánh giá theo TT 30 tương đối dễ dàng và thuận lợi tuy nhiên đối với GV bộ môn còn gặp khó khăn trong vấn đề về thời gian.
Sắp xếp ghi nhận xét vào vở, sản phẩm HS một cách khoa học, tránh áp lực, đối phó, quá tải. Cần căn cứ vào chủ đề, mạch kiến thức để ghi ngay nhận xét vào sổ bộ môn, không đợi đến cuối tháng. Không nhất thiết hết 1 tháng, GV phải ghi đủ nhận xét cho 100% HS vào sổ bộ môn. Tùy theo giai đoạn kiến thức để GV ghi nhận xét cho phù hợp. Vì quyển sổ này dành cho chính GV bộ môn, quá trình đánh giá thường xuyên kéo dài đến hết 1 học kì mới kết thúc một giai đoạn.
Tích hợp trong cách ghi nhận xét giúp GV sẽ tiết kiệm được thời gian, câu từ ngắn gọn hơn. Khi nhận xét vào vở HS nên tích hợp ghi nội dung tồn tại, nhược điểm của HS vào biện pháp, ví dụ: Nếu em viết đúng độ cao của chữ hoa thì bài viết của em sẽ đẹp hơn... Biết cách tích hợp giữa nhận xét bằng lời và viết: Ví dụ: Đối với HS chưa hoàn thành nhiều kiến thức thì nên thường xuyên nhận xét bằng lời kết hợp lựa chọn ghi vào vở những nội dung cơ bản nhất để giúp các em tiến bộ, nếu ghi nhiều nội dung, các em rất dễ bị rối và gặp khó khăn khi đọc lời nhận xét của GV.
Thứ tư, phân biệt cách nhận xét tuần và nhận xét tháng giúp GV có cách ghi cụ thể. Thông thường nhận xét trong tuần, GV thường sử dụng 2 hình thức bằng lời và viết. Khi viết vào vở ghi, bài kiểm tra hoặc sản phẩm của HS thì GV thường sử dụng các đại từ xưng hô để thể hiện sự gần gũi với HS. Tuy nhiên khi nhận xét tháng, ngoài nhận xét thông báo bằng lời đến với các đối tượng thì bắt buộc GV phải ghi vào sổ theo dõi nên GV lựa chọn câu từ thể hiện được mức độ học tập cơ bản nhất của đối tượng HS đó: ưu, nhược, biện pháp thật ngắn gọn để lưu ý với chính bản thân mình, không ghi thêm các đại từ xưng hô vào.
Thứ năm, không tự ép buộc bản thân mình ghi nhận xét vào vở mấy lần trên tháng vì như thế không đúng tinh thần của TT 30 mà tạo ra áp lực nặng nề cho GV. GV sử dụng các hình thức, nội dung nhận xét linh hoạt sao cho mục đích cuối cùng là HS tiến bộ so với chính bản thân em đó. Chủ động kịp thời đến từng em HS, số lượt nhận xét của mỗi đối tượng khác nhau sẽ khác nhau. Hãy sử dụng thời gian đánh giá hợp lí trong lớp học, các tiết nghỉ để đánh giá HS. GV nâng cao trách nhiệm và lương tâm nhà giáo khi tiến hành đánh giá và nhận xét HS.
Cô giáo Đặng Thị Kim Loan