Đánh giá bằng nhận xét: Quan trọng nhất là cách triển khai thực hiện
(Dân trí) - Thông tư 30 đánh giá bằng nhận xét ”được lòng” nhiều chuyên gia giáo dục bởi tính nhân văn, vì học sinh. Điều quan trọng nhất là cách triển khai thực hiện.
Bỏ chấm điểm vì học sinh
Từ năm học 2012 - 2013, để giảm áp lực cho thày trò cũng như bất hợp lý “chưa biết chữ đã lo điểm số”, Sở GD-ĐT TPHCM đưa ra quy định không cho điểm với học sinh (HS) lớp 1 trong hai tháng đầu. Năm 2013 - 2014, thành phố đã thực hiện bỏ cho điểm, chuyển sang đánh giá bằng nhận xét đối với HS lớp 1.
Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT cho hay lượng hóa kiến thức qua điểm số là một cuộc cách mạng khoa học đo lường khả năng tiếp nhận của người học qua điểm số.
Nhưng thực tiễn người ta nhận ra việc lượng hóa kiến thức dẫn đến người học chỉ tập trung học tri thức, học để có điểm cao chứ không chú trọng đến nhân cách, năng lực phẩm chất không được chú trọng.
Ở tiểu học là “tập”, tập đọc, tập viết và là giai đoạn quan trọng hình thành nhân cách, thái độ và kỹ năng nên không lý do gì lại chấm điểm, xếp loại các em. Theo ông Điệp, đánh giá bằng nhận xét không cho điểm là một bước tiến bộ cực kỳ nhân văn mà nhiều nước đã thực hiện. HS không bị xếp loại, mỗi em đều có khả năng về năng lực, phẩm chất riêng.
Ủng hộ Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT một cách nhiệt tình, TS. Nguyễn Hữu Hợp (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng bỏ chấm điểm là một xu thế trên thế giới nếu không làm ngay thì giáo dục nước nhà ngày càng lạc hậu.
Ông Hợp phân tích trong rất nhiều trường hợp, điểm số không nói lên được khả năng của HS. Đáng ngại nhất là qua điểm số, rất ít HS và cả phụ huynh nhận thức được vì sao mình được chừng ấy điểm hay tự phát hiện ra những lỗ hổng kiến thức của mình.
Khi chấm điểm, đối với giáo viên (GV), cho điểm bài làm HS là “xong”, ít người lưu tâm đến các em hổng kiến thức nào, cần khắc phục ra sao, làm sao để phát triển năng lực cá nhân của từng HS… Chưa kể điểm số dễ “đánh lừa” HS, cho điểm dễ gây ra những tiêu cực trong quan hệ giữa HS với nhau hay GV cho điểm vì “sức ép”.
TS. Nguyễn Hữu Hợp bày tỏ, đánh giá không phải để xác định xếp loại HS mà là xác định được trình độ HS và từ đó, GV có biện pháp thích hợp để giúp từng HS tiến bộ. Chỉ khi biết được trình độ, năng lực của các nhân HS thì GV mới tác động đến em đó một cách phù hợp.
Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT chia sẻ khi cho điểm, chúng ta chỉ tập trung đánh giá kết quả cuối cùng “bao nhiêu điểm”. Đánh giá bằng nhận xét sẽ chú trọng đến quá trình học tập của các em. Người thầy cần nắm rõ HS đạt kết quả đó như thế nào, hạn chế gì để hỗ trợ các em đạt được chất lượng học tập cao nhất.
Không đổi mới nào mà không khó khăn
Nhiều GV và phụ huynh phản ứng bỏ cho điểm HS xuất phát từ lo ngại các em mất động lực để học tập. Lo lắng hoàn toàn chính đáng nhưng theo TS. Nguyễn Hữu Hợp, đây là quan niệm sai lầm xuất phát từ việc chúng ta đã quen đưa điểm ra làm “mồi nhử” HS, các em bị mê hoặc bởi những con điểm, bị nhầm tưởng điểm cao lúc nào cũng tốt.
Ngược lại, TS. Nguyễn Hữu Hợp cho rằng, đánh giá bằng nhận xét rất nhân văn, giúp HS tự tin trong học tập (nhờ HS học tập tiến bộ), phát triển được năng lực, năng khiếu cá nhân (HS có năng lực tốt được phát huy), tập thể lớp thêm đoàn kết (không bị phân biệt bởi điểm số)...
Với tinh thần nhân văn, xuất phát từ lợi ích của người học và từ thực trạng “điểm số ăn mòn nhận thức” bao lâu ngay, Thông tư 30 tuy gặp phải nhiều phản đối của dư luận nhưng lại "được lòng” không ít nhà giáo dục.
Càng ủng hộ họ càng băn khoăn về cách thực hiện vì một chủ trương hay, tiến bộ nhưng khi đưa vào thực tế lại phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Tổ chức thực hiện không tốt thì chắng những vấn đề cũ không được giải quyết mà còn có thể nảy sinh nhiều bất cập mới.
Ông Lê Ngọc Điệp cho rằng, chúng ta cần một cách nhìn tích cực hơn về chủ trương bỏ chấm điểm, chuyển sang nhận xét để cùng đưa ra các giải pháp hiệu quả.
Ban đầu, GV kêu khó là đúng vì không công cuộc đổi mới nào dễ dàng, hoàn thiện ngay mà cần một quá trình điều chỉnh. GV hãy chấp nhận sự thử thách của đổi mới, rộng rãi trong tiếp nhận cái mới. Bản thân người thầy hãy tìm hiểu kỹ về Thông tư để giải thích cho phụ huynh hiểu cùng hợp tác vì lợi ích của con trẻ.
Ngoài ra, ông Điệp cho rằng nhà quản lý cần nhận biết, chia sẻ những vướng mắc mà GV gặp phải để tháo gỡ bằng những điều chỉnh phù hợp. Mọi người cùng chung tay, cùng giúp đỡ nhau thì khó khăn của công cuộc đối mới sẽ giải quyết được.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TPHCM bày tỏ, đông đảo GV đồng tình với chủ trương đánh giá không cho điểm khi hiểu rõ những lợi ích đối với HS. Mối lo của họ cũng xuất phát từ tấm lòng người thầy hoặc có một số thầy cô chưa thật sự tự tin mình có thể làm tốt việc đổi mới khi GV còn rất nhiều gánh nặng về công việc ngoài chuyên môn, về sổ sách.
Song song với các biện pháp trước mắt để Thông tư đi vào trường học, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần từng bước giải quyết những vấn đề cốt lõi như thu nhập GV, giảm áp lực sĩ số lớp học, thay đổi chương trình… thì đổi mới đánh giá mới đạt được mục tiêu như kỳ vọng.
Hoài Nam