Yên Phong - Bắc Ninh: Thêm tình tiết bất ngờ trong tuyển dụng giáo viên

(Dân trí) - Trong quá trình điều tra vụ việc ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh), PV <i>Dân trí</i> tiếp tục nhận được những bằng chứng xác đáng để tăng thêm sự nghi vấn tiêu cực trong khâu tuyển dụng giáo viên.

Ngay sau khi Dân trí đăng tải bài viết “Yên Phong - Bắc Ninh: Nhiều “nghi vấn” ở kỳ tuyển dụng giáo viên”, đã có nhiều giáo viên gọi điện trực tiếp cho phóng viên cung cấp thêm bằng chứng để mở rộng nghi vấn trong việc tuyển dụng giáo viên ở huyện Yên Phong.

Theo điều tra của phóng viên Dân trí, ngày 6/9/2013 UBND huyện Yên Phong có văn bản số 523/KH-UBND về kế hoạch xét tuyển 612 viên chức ngành Giáo dục - Đào tạo (dự kiến kéo dài từ ngày 26/11/2013 đến 14/12/2013). Bản kế hoạch gồm 10 nội dung lớn này nêu lên khá chi tiết, từ mục đích yêu cầu, nguyên tắc, số lượng, cơ cấu tuyển dụng, ưu tiên trong tuyển dụng... cho tới các bước tổ chức thực hiện. Trong bản kế hoạch này yêu cầu việc xét tuyển nghiêm túc, khách quan, dân chủ, công bằng và đúng quy chế tuyển viên chức do Bộ Nội vụ.

Tuy nhiên, trong quá trình tuyển dụng đã có một sự thay đổi “quan trọng” trong bản kế hoạch đã công bố. Đây là tiền đề để phát sinh tiêu cực khiến việc tuyển dụng mất sự khách quan, công bằng.

Cụ thể, tại mục 10 của bản kế hoạch nêu các bước tổ chức thực hiện yêu cầu: từ ngày 7/11/2013 đến ngày 6/12/2013 gửi thông báo phỏng vấn đến các thí sinh đủ điều kiện dự tuyển; Tổ chức kiểm tra, sát hạch thông qua phỏng vấn về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển; Tổng hợp kết quả phỏng vấn.

Bản kế hoạch xét tuyển viên chức của huyện Yên Phong
Bản kế hoạch xét tuyển viên chức của huyện Yên Phong (Bắc Ninh).

Từ ngày 7/12/2013 đến ngày 18/12/2013, thí sinh nộp bản sao bảng điểm hoặc học bạ của cả khóa học chuyên môn, nghiệp vụ có tính riêng điểm học tập và điểm tốt nghiệp hoặc quy đổi kết quả học tập theo tín chỉ sang tháng điểm 10; Tổng hợp điểm và hội đồng xét duyệt.

Theo quy trình này có nghĩa kết quả phỏng vấn sẽ được công bố sau đó mới nộp bảng điểm để đảm bảo sự khách quan. Tuy nhiên chẳng hiểu sao trong ngày các ứng viên dự thi phỏng vấn thì Hội đồng xét tuyển viên chức của huyện Yên Phong lại yêu cầu nộp bảng điểm ngay.

Điều này được thể hiện trong giấy báo kiêm thẻ dự phỏng vấn xét tuyển viên chức ngành Giáo dục - đào tạo huyện Yên Phong do Trưởng phòng Nội vụ Lê Kim Trường ký có dòng lưu ý: Thí sinh khi đi thi phỏng vấn mang theo bảng điểm photo đã được tách riêng điểm trung bình học tập và điểm trung bình tốt nghiệp hoặc đã được quy đổi ra thang điểm 10 (đào tạo tín chỉ) có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền để nộp cho Tổ thư ký.

Lưu ý đáng ngờ trong giấy báo kiêm thẻ dự phỏng vấn.
Lưu ý "đáng ngờ" trong giấy báo kiêm thẻ dự phỏng vấn.

Theo một lãnh đạo của Sở GD-ĐT Bắc Ninh, đơn vị cũng tổ chức tuyển dụng viên chức vừa qua thì việc nộp bảng điểm sau khi có kết quả phỏng vấn mới đảm bảo sự khách quan và tránh được tiêu cực xảy ra.

Không khó để chúng ta nhận thấy, nếu nộp bảng điểm trước thì phỏng vấn thì việc “dàn xếp” kết quả không khó. Đối với những người có bảng điểm đẹp thì chỉ cần hạ thấp điểm phỏng vấn là trượt và ngược lại những người có bảng điểm thấp chỉ cần điểm phỏng vấn cao là đỗ.

Rà bảng thông báo kết quả phỏng vấn của huyện Yên Phong có thể thấy, nhiều ứng viên có bảng điểm ở mức Khá trở lên, có thâm niên giảng dạy nhưng điểm phỏng vấn lại khá thấp. Trong khi đó có những ứng viên bảng điểm thuộc diện Trung bình, mới tốt nghiệp thì điểm phỏng vấn lại cao…

Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, hiện chưa có quy định nào phân định rạch ròi vấn đề này. Tuy nhiên, trách nhiệm của đơn vị tuyển dụng là phải có phương án đảm bảo việc tuyển dụng phải minh bạch, không có tiêu cực.

Chưa xét đến việc có tiêu cực ở kỳ thi phỏng vấn hay không nhưng với thay đổi “bất thường” mà chúng tôi nếu ở trên đáng để phải xem xét lại toàn bộ vấn đề.
 
Nguyễn Hùng