1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Thiếu hơn 113.000 giáo viên tiếng Anh, tin học... vì lương thấp?

Hoàng Hồng Mỹ Hà

(Dân trí) - Hiện cả nước thiếu 113.491 giáo viên, tập trung nhiều ở các môn học như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng nêu vấn đề thiếu giáo viên cục bộ ở hầu hết các địa phương.

Tình trạng này đã diễn ra từ khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng chậm khắc phục.

Trong đó, thiếu hụt nghiêm trọng nhất nằm ở các môn học như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật. 

Thiếu hơn 113.000 giáo viên tiếng Anh, tin học... vì lương thấp? - 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 (Ảnh: MOET).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng nhận định, đây là vấn đề chung của các tỉnh vùng cao với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn như Điện Biên. 

Ông Bằng cho biết, địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp trong bối cảnh thiếu thốn nguồn tuyển như đưa con em tại địa phương đi học cử tuyển các ngành đào tạo sư phạm. Tuy vậy, số lượng cử tuyển tương đối hạn chế. 

Hiện tỉnh chỉ có khoảng 45 sinh viên cử tuyển ngành sư phạm ngoại ngữ. 

Một phần vì chính sách cử tuyển chưa hấp dẫn, chưa có cơ chế đặc thù cho việc tuyển dụng giáo viên hệ cử tuyển vào làm việc tại các cơ sở giáo dục.

Tại TPHCM, dù điều kiện kinh tế xã hội phát triển, nguồn tuyển không thiếu nhưng vẫn thiếu giáo viên.

Bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, vấn đề nằm ở lương.

Bà Thúy kiến nghị Bộ GD&ĐT tháo gỡ khó khăn về cơ chế tài chính để các địa phương có thể tuyển dụng được giáo viên tiếng Anh, tin học, âm nhạc.

"Với mặt bằng lương hiện nay thì không thể tuyển được giáo viên các bộ môn này", bà Thúy nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 4/2024, cả nước  còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông.  

Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học và giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.

Chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Đồng thời, tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định của Bộ GD&ĐT.  

Bộ lý giải 5 nguyên nhân chủ yếu: sức hút vào ngành còn hạn chế, tình trạng giáo  viên nghỉ việc còn cao, nguồn tuyển các môn đặc thù còn  thiếu, việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm và số học sinh tăng trong khi công tác quy hoạch dự báo chưa theo kịp thực tế.

Bộ cho biết, hiện còn khoảng 72.000  biên chế giáo viên được giao chưa tuyển dụng.

Thiếu hơn 113.000 giáo viên tiếng Anh, tin học... vì lương thấp? - 2

Giáo viên làm công tác coi thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: Hoàng Hồng).

Năm học 2023-2024, các địa phương mới tuyển dụng được 19.474 giáo viên trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung.

Trong đó, cấp mầm non tuyển dụng được 5.592 giáo viên, cấp tiểu học tuyển dụng được 7.737 giáo viên, cấp THCS tuyển  dụng được 4.609 giáo viên, cấp THPT tuyển dụng được 1.536 giáo viên. 

Trước đó, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập trong tuyển dụng  giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ  GD&ĐT đã xây dựng và Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học mới.

Về chế độ tiền lương với giáo viên, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng quy định thang bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp  ưu đãi theo nghề, trong đó có đội ngũ giáo viên  phổ thông, mầm non.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đang triển khai nghiên cứu chế độ phụ cấp ưu đãi viên chức ngành giáo dục, thực hiện rà soát, nghiên cứu đề xuất chính sách về chế độ tiền lương đối với viên chức các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú ở khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.