Thí sinh sẽ trượt ngay nguyện vọng 1 nếu không “tỉnh táo”

(Dân trí) - Năm nay, Bộ GD-ĐT cho thí sinh có tới 4 nguyện vọng xét tuyển nên để tránh thí sinh “ảo”, tránh rủi ro, mỗi trường ĐH,CĐ đưa ra phương thức xét tuyển khác nhau. Do vậy, thí sinh cần hết sức tỉnh táo để tránh bị trượt ngay trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1.

 

Không theo dõi sát sao tình hình nhận hồ sơ của từng trường, thí sinh sẽ khó có cơ hội vào ngành học mình thích
Không theo dõi sát sao tình hình nhận hồ sơ của từng trường, thí sinh sẽ khó có cơ hội vào ngành học mình thích

Lựa chọn ngành học phù hợp với điểm thi

Ngày 28-7, Bộ GD-ĐT sẽ họp và công bố điểm sàn xét tuyển vào ĐH,CĐ 2015. Đây là ngưỡng điểm để các trường căn cứ vào đó để đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào trường. Như vậy, sau khi nhận được Giấy chứng nhận kết quả thi, căn cứ vào kết quả đạt được, thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng I vào trường mà mình có nguyện vọng học trong thời gian từ 1/8 đến hết ngày 20/8.

Chia sẻ với thí sinh, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí, Bộ GD-ĐT cho biết: “Với phổ điểm tập trung từ 5 đến 7 điểm, thí sinh muốn trúng tuyển đại học phải đạt ít nhất từ  5 điểm 1 môn trở lên, vì điểm sàn xét tuyển năm nay có thể cao hơn kỳ tuyển sinh năm ngoái. Đặc biệt, với các trường top đầu, hoặc những ngành nghề được nhiều thí sinh lựa chọn thì điểm nhận hồ sơ xét tuyển chắc chắn sẽ tăng”.

Theo ông Nghĩa, từ trước đến nay, quy luật chung là ngành nào điểm đầu vào cao thì vẫn cao (tầm từ 23 đến 24 điểm), điểm mức khá là từ 19 đến 22 điểm và thấp hơn từ 15 đến 17 điểm.

Quy chiếu với mức điểm chuẩn năm ngoái, nếu em nào có mức điểm vượt hẳn trên 2 điểm so với điểm hằng năm thì hoàn toàn yên tâm nộp đơn vào.

Bà Nguyễn Thị Thuỷ, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Ngoại thương cho biết, với phổ điểm và cách xét tuyển năm nay, trường ĐH Ngoại thương dự kiến sẽ tăng mức điểm chuẩn ít nhất là 0,5 điểm.

Bà Thủy cho hay, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn năm ngoái và cần chú ý thêm lượng đầu vào của từng ngành để cân đối nguyện vọng một cách hợp lý. Trong đợt xét tuyển đầu tiên khi chọn tối đa 4 nguyện vọng thì không nên chỉ tập trung chọn toàn ngành hót. Nên theo dõi cập nhật thông tin trên trang web của các trường. Các thí sinh ở xa Hà Nội có thể nhờ người quen ở Hà Nội nộp hoặc rút hồ sơ hộ cho kịp thời gian, đặc biệt là những ngày cuối hạn nộp hồ sơ.

PGS.TS Lê Hữu Lập – Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho rằng: “Với phổ điểm thi năm nay, điểm sàn dự kiến sẽ cao hơn năm trước  tối đa khoảng 2 điểm.  Do đó, thí sinh phải chú ý đến việc đăng ký nguyện vọng 1 của mình. Khi nộp hồ sơ phải theo dõi thông tin từ trường đăng ký. Nếu xem xét thấy khả năng không đỗ nguyện vọng 1 phải rút, chuyển hồ sơ sang trường khác ngay”.

PGS. Hoàng Minh Sơn, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, ngoài chuyện điểm cao hay thấp, các em cần chọn những trường, ngành, phù hợp với mình. Ngay cả trường top cao cũng có nhiều ngành khác nhau với điểm khác nhau, rất nhiều.

Chọn thí sinh vào đợt 1 là chủ yếu

Theo Quy chế tuyển sinh 2015, thí sinh được phép đăng ký tối đa bốn nguyện vọng ngành theo thứ tự ưu tiên, được quyền đăng ký một số tổ hợp môn xét tuyển quy định cho một nhóm ngành và được quyền thay đổi nguyện vọng ngành hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác trong thời gian xét tuyển.

Theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí, Bộ GD-ĐT, thí sinh khi nộp hồ sơ vào một trường, trường sẽ xét ưu tiên ngành đăng ký đầu tiên trước. Đậu ngành đầu tiên thì bắt buộc thí sinh phải học, nếu trượt thì trường sẽ xét tiếp các ngành thí sinh đăng ký tiếp theo. Bộ yêu cầu các trường công bố công khai điều kiện xét tuyển, trong đó có tổ hợp các môn xét tuyển, chỉ tiêu từng khối và mức điểm xét tuyển giữa các tổ hợp môn có bằng nhau hay chênh lệch điểm.Tùy theo đó mà thí sinh chọn tổ hợp môn có lợi cho mình nhất để nộp hồ sơ dự tuyển”.

Chính vì vậy, nhiều trường đại học đã tính toán kỹ để đưa ra cách xét tuyển của mình vừa đỡ tốn công sức, vừa tránh thí sinh “ảo”.

Năm nay trường ĐH Bách khoa Hà Nội xây dựng tổ hợp môn xét tuyển được chọn trên cơ sở các khối thi truyền thống của Trường trước đây (A, A1, D1) và bổ sung thêm các tổ hợp ba môn khác (Toán-Hóa-Anh, Toán-Hóa-Sinh). Môn Toán có mặt trong tất cả các tổ hợp môn xét tuyển và là môn thi tự luận.

Trường phòng đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điền cho biết, kết quả thi môn Toán sẽ là thước đo tin cậy về năng lực tư duy logic của thí sinh, vốn rất cần thiết khi theo học các ngành kỹ thuật tại Trường. Do đó, Toán được chọn là môn thi chính (hệ số 2) khi xét tuyển vào một số ngành đào tạo.

Ông Điền cho hay, năm nay, Trường sẽ hoàn thành về cơ bản công tác xét tuyển đại học ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên (20 ngày đầu của tháng 8/2015) và chỉ tiếp tục xét tuyển cho một số ít các nhóm ngành trong đợt 2 theo chỉ tiêu tuyển sinh đã đăng ký.

Còn trường ĐH Thương Mại xét tuyển theo điểm sàn của Trường theo từng tổ hợp môn xét tuyển và theo từng ngành/chuyên ngành đào tạo. Thí sinh đạt điểm sàn của Trường nhưng không trúng tuyển vào ngành/chuyên ngành đào tạo đã đăng ký, được đăng ký chuyển sang ngành/chuyên ngành đào tạo khác (cùng tổ hợp môn xét tuyển) còn chỉ tiêu khi nhập học.

Học viện Ngân hàng năm nay dành 90% chỉ tiêu hàng năm để xét tuyển đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT, có điểm tổng của tổ hợp các môn thi thuộc kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đạt yêu cầu của Học viện Ngân hàng về một trong các phương án tổ hợp, cụ thể như sau: Môn Toán, môn Ngữ văn và môn Ngoại ngữ (tiếng Anh); Môn Toán, môn Vật lý và môn Ngoại ngữ (tiếng Anh); Môn Toán, môn Hóa học và môn Ngoại ngữ (tiếng Anh); môn Toán, môn Vật lý và môn Hóa học. Dự kiến mức điểm xét tuyển của Học viện cao hơn năm trước.

Xét tuyển ĐH,CĐ 2015, Bộ quy định, sau khi có kết quả thi, mỗi thí sinh có đăng ký thi với mục đích xét tuyển sinh ĐH, CĐ được cấp 4 Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường ĐH chủ trì cụm thi.

Thí sinh chỉ được sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển nguyện vọng I để đăng kí vào 1 trường ĐH hoặc CĐ. Mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.

Trong thời hạn 20 ngày xét tuyển nguyện vọng I, nếu cần thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng kí ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng kí sang trường khác. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng I không được đăng kí ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Nếu không trúng tuyển vào ĐH, CĐ ở lần xét tuyển nguyện vọng I, thí sinh có thể dùng đồng thời 3 Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng ký tối đa vào 3 trường; trong mỗi trường, thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.

Thí sinh đặc biệt chú ý, trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển, thí sinh mới được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo.

Theo quy định, cứ 3 ngày/1 lần các trường phải công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường số lượng thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Căn cứ số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển so với số chỉ tiêu cần tuyển, thí sinh có quyết định kịp thời, phù hợp.

Những lần xét tuyển bổ sung các nguyện vọng tiếp theo, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo đúng thời gian đã thông báo, vào những trường phù hợp với tổ hợp các môn thi, còn có chỉ tiêu.

Hồng Hạnh

(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm