Thí sinh phấn khởi vì "trúng tủ" đề Địa hỏi về biển đảo
(Dân trí) - Mới hết 2/3 thời gian làm bài thi môn Địa lý nhưng đã có nhiều thí sinh rời phòng thi với khuôn mặt rạng rỡ bởi "trúng tủ" đề Địa có câu hỏi về biển đảo. Theo nhận định của giáo viên: Đề thi năm nay tương đối dễ. Nội dung các câu hỏi nằm hoàn toàn trong chương trình SGK, chỉ cần HS ôn luyện chăm chỉ thì bài làm sẽ đạt trên 70%.
Thí sinh tên Đạt dự thi cho biết: "Em đăng ký xét tuyển khối D nên đã hoàn thành môn thi vào ngày hôm qua. Môn Địa lý em đăng ký là môn tự chọn để xét tốt nghiệp nên chủ yếu làm để tránh điểm liệt. Em chỉ làm khoảng 40% là nộp bài ra về. Ngay trong chiều nay em sẽ về quê".
Giải thích về việc có 2.000 thí sinh về quê sớm, Ban chỉ đạo thi cho biết: Khi sắp xếp thí sinh về các điểm thi thì nhà trường đã sàng lọc theo môn để thuận tiện cho việc di chuyển của thí sinh. Tại điểm thi của ĐH Khoa học Tự nhiên đều là những thí sinh chỉ dự thi 4 môn gồm Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và Vật Lý. Trong số này có nhiều em là học sinh lớp 12 đăng ký môn tự chọn là Vật lý.
Vừa kết thúc 2/3 giờ thi, thí sinh tại điểm thi Trung tâm GDTX đã rải rác ra về, qua trao đổi nhanh cùng PV các thí sinh đều trong tâm trạng vui mừng, phấn khởi cho rằng đề thi vừa sức, dễ đạt điểm 7 trở lên.
Thí sinh Nguyễn Ngọc Thức (THPT Gia Nghĩa, Đắk Nông), cho biết: “So với đề của các năm trước, em thấy đề năm nay tương đối dễ, em làm được gần hết tất cả các câu hỏi. Trong đó câu em thấy hay và ý nghĩa nhất là về phát triển kinh tế biển đảo của nước ta, đây là vấn đề thời sự nên em rất thích”.
Thí sinh Hồ Mỹ Linh (THPT Đông Du, Đắk Lắk), vui vẻ cho rằng: “Em thấy đề thi cũng tương đối, so với đề thi của trường em ra thì có phần dễ hơn, em làm được 90% bài và hi vọng điểm số môn này sẽ cao”.
Có khá nhiều thí sinh thích thú với câu vẽ biểu đồ và xem đây là câu hỏi dễ “ăn điểm” trong bài, thí sinh Đỗ Thị Nương (THPT Phan Chu Trinh, huyện Krông Năng) tâm sự : “Em hài lòng với nhất với câu vẽ biểu đồ, câu là phần em ôn tập kỹ nên em hoàn thành rất nhanh, bài thi em chắc đúng khoảng 70 – 80%”
Thí sinh Đoàn Văn Phong (Tuy An, Phú Yên) dự thi THPT quốc gia tại điểm thi 3 – trường ĐH Nha Trang cho biết nhiều thí sinh cùng phòng làm rất tốt môn Địa lý và nộp bài ra sớm. Theo Phong, đề Địa lý không khó, tương đối vừa sức, học sinh trung bình có thể đạt 5-6 điểm.
Là thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi, em Nguyễn Hoàng Văn, học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên ĐH Công Nghiệp TPHCM vui vẻ: “Đề thi năm nay không khó đối với em vì các câu hỏi nằm chủ yếu trong sách giáo khoa”. Văn cho biết: “Em khá ấn tượng về đề thi năm nay, khi hỏi về ý nghĩa phát triển biển đảo trong thời kỳ hội nhập kinh tế hiện nay, với đề nay em tự tin với 80% yêu cầu của đề”.
Còn thí sinh Nguyễn Quốc Hưng, học sinh Trường thiếu sinh quân, huyện Củ Chi thì cho biết khá tự tin với bài làm của mình. Hưng nhận định đề: “Mặc dù em đăng ký thi khối D nhưng địa là môn tự chọn của em. Dù không có thế mạnh nhưng em thích nghiên cứu địa từ nhỏ nên em dành không ít thời gian đầu tư cho môn này, em học hết những gì thầy cô cho ôn luyện. Đúng như em dự đoán đề sẽ có nói về biển Đông, chắc em sẽ được điểm 7 môn Địa lý trong kỳ thi năm nay”.
Thí sinh Nguyễn Hữu Hiền, một quân nhân thi xong vẻ mặt tươi cười chia sẻ: “Đề thi thì dài, nhưng mà dễ, trong những năm gần đây luôn đề cập tới biển đảo, vấn đề sống còn đối với đất nước. Em cũng chú trọng học kinh tế vùng và biển đảo nên câu này em làm rất tốt, hoàn thành bài thi khi mới kết thúc một nửa thời gian nhưng em không tự tin 100% nhưng chắc chắn sẽ hơn 80%”.
Tương tự, thí sinh Nguyễn Hân, học sinh Trường THPT Gò Vấp nói: “Thế mạnh của em không phải môn địa lý, em học cũng không chắc lắm, cứ theo sách giáo khoa cũng như thầy cô cho học gì thì em học nấy. Nên đề thi em chỉ đạt được ở mức học thuộc thôi, chắc hơn 50%, câu hỏi biển đảo thì khá hay nhưng không hẳn là khó, bởi nhiều thí sinh đã đoán được đề sẽ ra về vấn đè này”.
Đề thi môn Địa Lý THPT quốc gia năm nay được nhiều thí sinh đánh giá là “dễ thở” hơn. Chính vì vậy, các thí sinh hy vọng sẽ đạt điểm trên trung bình. Khác với tâm trạng căng thẳng của những buổi thi trước đó, các thí sinh đều tự tin vì đề thi Địa lý phù hợp với khả năng.
Thí sinh Nguyễn Thị Thu Nguyệt, trường THPT Phan Chu Trinh cho biết, đề ra bám sát với nội dung các em đã học nên hoàn thành bài không mấy khó khăn. Với đề thi này em tự tin mình làm được trên 60% bài thi.
Trong khi đó, thí sinh Lê Thị Quỳnh Hương chia sẻ: Đề thi môn Địa lý thú vị nhất là câu hỏi về ý nghĩa của việc phát triển kinh tế biển, đảo. Đề ra cũng không quá khó nên những thí sinh có lực học trung bình cũng sẽ làm được khoảng hơn 50%. Hương cho biết, trong phòng thi khá nghiêm túc, không hề có tình trạng trao đổi bài, quay cóp.
Em Trương Công Trình cũng tỏ ra khá phấn khởi vì làm được bài. Trình cho biết, đề thi bám sát các nội dung đã học nên không mấy khó khăn. Những môn trước đó em đều làm được bài nên hoàn thành xong môn Địa lý nữa cũng thấy an tâm. Em nghĩ mình đã làm được khoảng trên 60% bài thi.
Thí sinh Trương Văn Bách (Lý Nhân) nhận định: “Em hoàn thành 100% bài thi của mình, về câu hỏi biển đảo em và bạn bè đã ôn rất kỹ. Theo nhận định của em thì đề không khó, kiếm điểm 7 không phải là quá khó”.
Trong khi đó, tại nhiều điểm thi như tại trường THPT Phủ Lý A, THPT Kim Bảng B…nhiều thí sinh cũng hoàn thành phần thi của mình sớm hơn thời gian 180 phút.
Thí sinh Nguyễn Hường cho biết: “Em hoàn thành bài thi này trong vòng 120 phút, đề năm nay nằm trong chương trình ôn tập của thầy cô và em cũng ôn khá kỹ nên không quá khó khăn. Hi vọng em sẽ lấy được điểm 8”.
Ghi nhận tại hội đồng thi Nông Cống 1, mặc dù còn 30 phút mới hết thời gian nhưng đã có một số thí sinh ra về do đã hoàn thành bài thi. Nhiều thí sinh cho biết thích thú với câu hỏi liên quan đến biển đảo và chỉ có một câu cuối là hơi khó và có tính phân loại học sinh.
Em Nguyễn Khắc Chiến, thí sinh thi tại hội đồng thi này cho biết: “Với loại đề này, học sinh trung bình cũng có thể làm được 60-70%. Thời gian cũng khá dài nên em làm xong và soát bài khá thoải mái”.
Tại hội đồng thi trường ĐH Hồng Đức (cơ sở 2) và hội đồng thi trường THPT Lý Tự Trọng, cũng bắt đầu có thí sinh hoàn thành bài thi và ra trước thời gian khoảng 15 phút.
Theo thí sinh Trần Thị Hạnh (ở Duy Xuyên, Quảng Nam) dự thi tại điểm trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), với đề thi năm nay, các bạn có học lực trung bình cũng có thể có được trên 5 điểm nhẹ nhàng nếu học phần kiến thức cơ bản. “Em làm được hết cả 4 câu; trong đó em thích nhất câu cuối cùng về kinh tế biển vì một phần đây là kiến thức em quan tâm và cả tập trung ôn tập. Em chọn các môn thi khối C để dự tuyển vào Đại học nên Địa lý là môn học em rất tập trung. Với đề thi sáng nay, em làm chắc được hơn 80%. Theo em thì các bạn học trung bình cũng có thể được trên 5 điểm môn Địa nhẹ nhàng nếu học phần căn bản” - thí sinh Hạnh nói
Thí sinh Phạm Trương Nhật Linh tuy chỉ thi môn Địa lý để lấy điểm xét tốt nghiệp THPT nhưng cũng phấn khởi chia sẻ: “Theo em, đề Địa lý năm nay “dễ thở” hơn các năm trước. Trong đó, câu hỏi về kinh tế biển là phần kiến thức khi ôn tập, thầy cô cũng có lưu ý chúng em nên em khá tự tin khi đọc câu đề này”.
Tại cụm thi liên tỉnh Bình Định, nhiều cụm thi không có thí sinh dự thi môn Địa Lý, một số điểm thi khoảng vài chục thí sinh. Đánh giá chung về đề Địa Lý, các thí sinh đều nhận định đề ra tương đối dễ, không đánh đố thí sinh. Đặc biệt, đề thi có câu về biển đảo khá hay.
Tại điểm thi Trường THCS Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn), vừa hết 2/3 thời gian làm bài, nhiều thí sinh đã nộp bài ra về với gương mặt phấn khởi. Thí sinh Nguyễn Thị Nhung học sinh Trường THPT Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ, Bình Định) cho biết: “Em học khối C nên đề này khá dễ. Chỉ cần nắm vài kiến thức cơ bản sách giáo khoa là làm tốt. Chỉ có câu về biển đảo thì vừa kiến thức cơ bản vừa phải vận dụng kiến thức thực tế, khả năng am hiểu của mỗi người”.
Thí sinh Kiều Bá Hoàng học sinh Trường THPT An Nhơn 2 (thị xã An Nhơn, Bình Định) cũng nhận định đề Địa quá dễ và hay. Dễ ở chỗ là vận dụng kiến thức SGK. Có chăng khó là câu về biển đảo đòi hỏi thí sinh ngoài vốn kiến thức cơ bản thì phải nắm bắt thời sự rồi kết hợp làm bài tốt. Câu này rất hay bởi góp phần giáo dục thế hệ trẻ phải biết yêu, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trong khi đó, tại điểm trường THPT Quốc học Quy Nhơn, mới hết 2/3 thời gian làm bài thi nhiều thí sinh nộp bài ra về. Tuy nhiên, các thí sinh này không được về mà bị “nhốt” đến hết giờ mới cho về. Tại điểm thi này, nhiều thí sinh lại đi xe máy đi thi nhưng không được bất kỳ sự nhắc nhở của hội đồng thi.
Thí sinh Châu Thị Thùy Hương (THPT Trần Hưng Đạo, TP Huế) thi ở điểm thi THPT Quốc Học thuộc cụm thi 33 do Sở GD-ĐT tỉnh tổ chức cho biết em làm được hết tất cả các câu. “Kiến thức bên ngoài cũng không cần phải vận dụng, động não nhiều quá, chủ yếu có câu cuối về thủy hải sản, biển đảo là em có lấy thêm các ý ở ngoài. Còn lại đề ra sát với kiến thức đã được học”.
Còn thí sinh Nguyễn Văn Gia (trường Trung cấp Phật học Thừa Thiên Huế, tu tại chùa Thiên Mụ, TP Huế) cũng tại điểm thi Quốc Học đánh giá là khá thú vị ở câu hỏi về biển đảo, thủy hải sản vì nó liên hệ đến những gì đang xảy ra thời gian qua. Nhiều ý tưởng từ thực tế được em đưa vào bài nên rất sinh động.
Video:
Ghi nhận tại điểm thi Phan Đình Phùng (TP Đồng Hới), nhìn chung kì thi diễn ra khá nghiêm túc. Theo một số thí sinh tan thi sớm cho biết, đề Địa Lí năm nay không quá khó, với những thí sinh chỉ đăng kí dự thi để lấy kết quả tốt nghiệp THPT thì đề này dễ dàng làm được khoảng 5 điểm.
Theo thí sinh Nguyễn Thị Vân Anh (hội đồng thi trường THPT Phan Đình Phùng) chia sẻ: “Theo em đánh giá của em thì đề thi năm nay khó hơn đề thi những năm trước vì đề này dành cho những bạn dự thi Đại học nữa, nhưng nếu chỉ thi để lấy đủ điểm tốt nghiệp thì đề này đa phần các bạn đều làm được từ khoảng 50 – 60% số điểm”.
Bên cạnh đó, theo một số thí sinh, đề này nếu nhìn chung thì đều nằm trong phần cơ bản, nếu chỉ cần khoảng 5 điểm thì không quá khó. Với đề thi này, gần như các thí sinh lại làm bài một cách lộn xộn, đang làm câu này lại nhảy qua câu kia, bởi trong những câu hỏi lớn lại có một câu dễ và một câu khó. Để tránh mất điểm vì bỏ sót câu thì nhiều thí sinh làm câu dễ trước, sau đó nếu còn thời gian lại tiếp tục làm những câu khác.
Trao đổi với PV Dân trí, thí sinh Đỗ Thị Hồng Thắm - học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Khải (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết: “Đề thi môn địa lí cũng vừa sức, tuy nhiên từ câu số 4 đòi hỏi thí sinh có nhiều kỹ năng tư duy vận dụng kiến thức mới làm tốt được. Riêng em chỉ làm bài được khoảng 7 điểm.
Tại cụm thi Đà Lạt: Theo nhận định của nhiều thí sinh, đề thi môn Địa lý khá dễ so với những đề thi trước. Hầu hết thí sinh đã hoàn thành bài thi và ra khỏi phòng thi khi mới hết 2/3 thời gian làm bài. Đề thi môn Địa lý sáng nay tiếp tục khai thác chủ đề biển đảo khi có hai câu hỏi về vấn đề kinh tế biển.
Thí sinh Nguyễn Thị Thúy Hằng (Ninh Thuận) cho biết: “Em khá tự tin với môn thi này vì đề bám sát phần được ôn tập chủ yếu trong sách giáo khoa. Hiện nay vấn đề biển đảo đang được cả nước quan tâm nên chúng em cũng chú trọng hơn những câu này em chắc mình làm tốt”.
Thí sinh Nguyễn Văn Nam (Đức Trọng, Lâm Đồng) cười chia sẻ: “Dề khá dễ và hay em hoàn thành hết khi mới 2/3 thời gian, nhưng chỉ tự tin chắc chắn 80% thôi”.