Thí sinh nhận định đề Địa và GDCD dễ, đề Sử khó
(Dân trí) - Sáng nay, các thí sinh vừa kết thúc buổi thi cuối của kỳ thi THPT quốc gia 2019 với bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân). Dự kiến các Sở GD-ĐT sẽ công bố kết quả thi THPT quốc gia vào ngày 14/7.
* Sáng nay 27/6, hơn 3.000 thí sinh của tỉnh Đắk Nông đã hoàn tất kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 bằng tổ hợp Khoa học xã hội. Ghi nhận tại điểm thi THPT Chu Văn An (TX. Gia Nghĩa), tâm trạng của các thí sinh khá tốt, nhiều em nhận định đề thi năm nay hay và không quá khó.
Thí sinh Hoàng Thị Bé (Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Đắk Nông) cho biết, em dự thi hai môn trong tổ hợp KHXH là Lịch sử và Địa lý. Trong hai môn này, môn Lịch sử có độ khó cao nhất, tuy nhiên mặt bằng chung là đề khá phù hợp với trình độ của các thí sinh, không đánh đố nhưng đòi hỏi sự tư duy.
“Em thi mã đề 320, trong đó đề Lịch sử có kiến thức nằm ở cả lớp 11. Do em tập trung ôn lớp 12 nên những câu lớp 11 này em không chắc chắn lắm. Riêng câu hỏi Địa lý, thí sinh không phải tính toán nhiều mà khai thác triệt để những nội dung trong Atlat Địa lý”, nữ sinh chia sẻ.
Tương tự, thí sinh Nguyễn Thị Thu Hiền (Trường THPT Chu Văn An) cho biết, khá bất ngờ với đề thi năm nay vì quá dễ. “Em ấn tượng nhất là những câu hỏi thực tế trong đề thi Giáo dục công dân. Những câu này rất hay, thí sinh tư duy một chút là ra”, Hiền cho hay.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, không có trường hợp thí sinh và giám thị nào vi phạm quy chế.
* Tại TPHCM, thí sinh nhận định đề Địa và GDCD dễ, đề Sử khó.
Thí sinh tại điểm thi THPT Trưng Vương, TPHCM ra về sau buổi thi cuối. (Ảnh: Lê Phương)
* Sáng nay 27/6, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hàng ngàn thí sinh làm bài thi tổ hợp KHXH. Nhiều thí sinh đánh giá năm nay đề dễ, những câu hỏi cơ bản nằm trong SGK. Chính vì vậy, những em nào nắm vững đều có thể làm bài từ mức khá trở lên.
Trao đổi với chúng tôi, em Lê Thị Như Quỳnh (Điểm thi Trường THPT Lê Hoàn, huyện Đức Cơ, Gia Lai) cho biết: “Em thấy năm nay đề hết sức cơ bản và bám vào chương trình SGK năm lớp 12. Khó nhất có lẽ là môn Lịch sử bởi lượng kiến thức dài, ngày tháng dễ nhầm lẫn. Tuy vậy, các bài thi của em vẫn ở mức khá…”.
Niềm vui của phụ huynh và học sinh khi hoàn thành công môn thi cuối cùng. (Ảnh: Phạm Hoàng)
* Sáng nay, dù đánh giá đề thi Lịch sử không quá khó nhưng nhiều thí sinh tại Hà Tĩnh cho rằng các dữ kiện khá đánh đố và dễ gây nhầm lẫn.
Dù hoàn thành hết bài thi sớm hơn thời gian quy định nhưng thí sinh Như Trang (hội đồng thi trường THPT Phan Đình Phùng) vẫn cho rằng: "Đề thi Lịch sử em thấy kiến thức về sử Việt Nam dàn trải khá rộng chứ không co cụm. Chính vì vậy mà thí sinh rất dễ nhầm lẫn dù đã được ôn luyện. Còn phần Lịch sử thế giới em thấy không quá khó và dễ lấy điểm".
Thí sinh Hương Thảo cũng hội đồng thi này nhận xét: "Đề thi Sử em tự tin giành được điểm 7, có nhiều câu em sợ mình bị nhầm mốc thời gian. Còn phần Địa lý, có 7 câu hoàn toàn nằm trong Atlat. Trong 3 môn thì Giáo dục công dân là dễ thở nhất, em hoàn thành khá sớm ở bài thi này".
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, trong ngày thi hôm nay, môn Lịch Sử có 27 thí sinh vắng; Địa Lý vắng 18 thí sinh và môn Giáo dục công dân vắng 10. Tất cả các thí sinh đều không có lý do.
Thí sinh vui mừng sau khi kết thúc buổi thi cuối. (Ảnh: Phượng Vũ)
* Sáng nay, nhiều thí sinh dự thi THPT quốc gia tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) nhận định đề Lịch sử, Địa lý nhìn chung vừa sức, học sinh trung bình khá có thể đạt từ 5-6 điểm.
Thí sinh TP Nha Trang, Khánh Hòa ra về sau tổ hợp xã hội, trưa 27/6 (Ảnh: Viết Hảo)
Ghi nhận tại điểm thi trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, TP Nha Trang, nhiều thí sính ra sớm, tâm trạng phấn khởi, thoải mái vì làm được bài thi. Thí sinh Trọng Đạt dự thi tại điểm thi trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, TP Nha Trang cho biết, đề Lịch sử và Địa lý có 40 câu, trong đó có khoảng 5 câu tương đối khó, nhằm phân loại thí sinh.
“Em nghĩ với đề Lịch sử thì học sinh trung bình có thể đạt được 5-6 điểm, còn thí sinh nào ôn luyện kỹ thì có thể đạt 7-8 điểm. Còn đề Địa lý nhìn chung dễ hơn, điểm phổ biến có thể đạt từ 6-7 điểm. Với đề Sử và Địa thì em làm cũng được từ 70-75% của đề. Trong phòng nhìn chung các thí sinh khác cũng làm được bài”, thí sinh Trọng Đạt.
Nhiều thí sinh khác cũng cho biết, trong 3 môn tổ hợp Khoa học xã hội sáng nay, môn Địa là dễ thở nhất. Đề Lịch sử, Địa lý nhìn chung bám sát chương trình sách giáo khoa, có tính phân loại thí sinh.
* Sáng nay, ghi nhận tại điểm thi THPT Lê Quý Đôn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, các thí sinh rời phòng thi trong tâm trạng hết sức thoải mái. Nhiều em nhận xét đề thi không khó và rất tự tin về bài làm của mình.
“Với em, đề thi 3 môn đều mở mức vừa, không quá khó, môn Lịch sử do nhiều mốc thời gian nên một số câu em bị nhầm lẫn. Tuy nhiên em hài lòng với bài làm của mình ở tổ hợp môn này”, em Phan Thanh Tùng chia sẻ.
“Ở tổ hợp Khoa học xã hội, em chỉ thi 2 môn là Lịch sử và Địa lý. Em thấy rằng với những môn này chỉ cần nắm kỹ kiến thức là làm bài tốt. Riêng môn Địa lý bọn em được sử dụng Atlat nên có thể tư duy để có được đáp án đúng cho các câu hỏi. Em nghĩ 2 môn này em đều đạt trên 7 điểm”, thí sinh Nguyễn Thái Hùng cho hay.
Tại tổ hợp môn Khoa học xã hội, Quảng Bình có 77 lượt thí sinh bỏ thi, kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại địa phương này diễn ra nghiêm túc và không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi.
* Ghi nhận của PV tại điểm trường THPT Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) sau khi kết thúc môn thi tổng hợp KHXH các thí sinh hầu hết cho biết đề Sử khá khó, kiến thức rộng. Riêng môn GDCD và Địa có thể dễ đạt điểm khá.
Thí sinh H’Chini Bkrông (trường THPT Dân tộc Nội trú Nơ Trang Lơng) cho biết, môn Địa lý kiến thức chủ yếu nằm trong Atlat nên thí sinh có thể vận dụng vào bài thi, riêng môn Sử được xem là môn khó nhất.
“Đề Sử năm nay tương đối dài, kiến thức dàn trải, cá nhân em chỉ làm được khoảng 60% bài thi. Riêng môn GDCD em rất thích thú vì trong đề thi em có thể dễ dàng vận dụng kiến thức thực tế để làm bài và trong đề có rất nhiều câu hỏi hay, ý nghĩa”, em H’Chini chia sẻ.
Còn em Lê Văn Tuấn Anh (THPT Lê Quý Đôn), cho rằng đề thi tổ hợp môn KHXH không khó để đạt được điểm khá. “Em thấy đề thi có kiến thức chủ yếu ở chương trình lớp 12 nên thí sinh học kỹ sẽ làm được trên 60%. Em thấy đề Địa là dễ nhất, sau đó đến GDCD và khó nhất vẫn là môn Sử. Em mong mình đạt được điểm số cao để có thể trúng tuyển vào đại học”, em Tuấn Anh cho hay.
Trưa 27/6, bà Thái Thị Mỹ Bình - Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Đắk Lắk, cho biết, trong buổi thi tổ hợp môn KHXH sáng nay có 1 thí sinh đã vi phạm quy chế mang điện thoại vào phòng thi. Thí sinh này là em T.V.K dự thi tại điểm thi THPT Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn). Ngay khi bị giám thị phát hiện mang điện thoại vào phòng thi, thí sinh đã bị lập biên bản và đình chỉ thi.
Trước đó, cũng tại Đắk Lắk, trong buổi thi môn Ngoại ngữ có 1 thí sinh tại điểm thi THPT Nguyễn Tất Thành (huyện M’Đrắk) cũng bị đình chỉ do mang điện thoại vào phòng thi.
Sáng nay, tổng số lượt thí sinh đăng ký dự thi bài thi KHXH tại Đắk Lắk là 13.016, vắng 241 thí sinh.
* Sáng nay, hơn 5.000 thí sinh Hà Nam đã hoàn thành bài thi tổ hợp KHXH, môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đánh giá chung của các thí sinh, đề Sử năm nay “khó nhằn”, Địa lý vừa sức, ở môn Giáo dục công dân rất dễ kiếm điểm khá.
Theo nhận định chung của các thí sinh Hà Nam, đề môn tổ hợp KHXH nhìn chung bám sát chương trình học và ôn tập. Trong 3 đề, thì theo nhận định của các thí sinh môn Sử là “khó nhằn” nhất, đề có tính phân hóa cao, lấy được điểm khá ở môn Sử không phải dễ. Còn ở môn Địa lý, nếu thí sinh biết vận dụng kiến thức kết hợp với Atlat Địa lý thì kiếm được điểm trung bình cũng không phải khó. Đề môn Giáo dục công dân thì nhận định của thí sinh sẽ rất dễ kiếm được điểm khá nhất.
Các thí sinh Hà Nam hoàn thành môn cuối cùng kỳ thi THPT quốc gia 2019
Theo thí sinh Lê Văn Hoàng cho biết: “Trong 3 đề thi, em làm đề Giáo dục công dân nhanh nhất và tự tin nhất với môn này, môn Địa lý thì em khả năng được điểm 7 trở lên, còn không chắc chắn với môn Lịch sử. Không chỉ em, mà các bạn trong phòng thi cũng đánh giá đề Sử khá khó”.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam, trong môn thi tổ hợp KHXH số thi sinh đăng ký dự thi môn Sử là 5.756 thí sinh, số thí sinh dự thi là 5.739, vắng thi: 17 thí sinh; Số thi sinh đăng ký dự thi môn Địa lí: 5.605, số thí sinh dự thi: 5.59, vắng thi: 13 thí sinh; Số thi sinh đăng ký dự thi môn Giáo dục công dân: 4.973, số thí sinh dự thi: 4.965, vắng thi: 8 thí sinh.
Ngày thi cuối cùng, tại Hà Nam không có thí sinh, cán bộ coi thi nào vi phạm quy chế thi.
* Sáng nay, 21.666 thí sinh Nghệ An đã hoàn thành bài thi cuối cùng kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 - bài thi tổ hợp KHXH (Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân). Trong đó, môn Lịch sử có 23.486 thí sinh, môn Địa lý có 23.339 thí sinh và môn GDCD có 21.775 thí sinh dự thi.
Thí sinh Nguyễn Khánh Linh (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) nhận định: “Cá nhân em thấy đề Lịch sử và Địa lý hơi dài nhưng không khó, còn đề thi Giáo dục công dân vừa sức. Đối với với môn Địa lý, 5 câu cuối cùng có những đáp án tương tự nhau, nếu thí sinh không “tỉnh” dễ bị mất điểm. Còn môn Giáo dục công dân có những tình huống đặt ra rất hay và sát, tạo hứng thú cho thí sinh khi làm bài”.
Theo thí sinh này, đề thi Sử và Địa tính phân hóa chưa cao nên các thí sinh đăng kí xét tuyển đại học khối C sẽ gặp nhiều bất lợi bởi với đề thi này, học sinh có học lực khá cũng có thể đạt điểm cao, do đó, việc cạnh tranh 1 suất vào các trường đại học cũng sẽ khó hơn.
Một nữ sinh tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu rạng rỡ khi hoàn thành bài thi tổ hợp KHXH. (Ảnh: Hoàng Lam)
Đăng ký bài thi tổ hợp để lấy điểm xét tốt nghiệp nên thí sinh Nguyễn Khánh Huyền (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An) chỉ cần đủ điểm trung bình là đạt yêu cầu. "Em thấy đề Lịch sử, Địa lý và GDCD không quá khó. Các bạn có học lực trung bình cũng có thể kiếm đủ điểm để xét tốt nghiệp. Em cũng làm được khoảng gần 60% yêu cầu bài thi. Nói chung là em hài lòng với kết quả bài làm của mình".
* Tại Phú Yên, kết thúc bài thi tổ hợp các môn Khoa học xã hội, nhiều thí sinh nhận định đề GDCD và Địa dễ, đề Sử thì khá khó.
Nhiều thí sinh ở Phú Yên nhận định đề Sử khá khó
Thi sính Trần Văn Tài, điểm thi THPT Nguyễn Huệ cho biết: “Đề môn GDCD thì khá dễ, các thí sinh chỉ cần tư duy một chút là có thể kiếm được điểm 7-8, về môn Địa lý thí sinh chỉ cần khai thác triệt để những nội dung trong Atlat Địa lý thì có thể làm được điểm cao. Riêng môn Lịch Sử thì hơi khó hơn, bởi lượng kiến thức dài, ngày tháng dễ nhầm lẫn…”.
Cùng chung quan điểm, thí sinh Nguyễn Đình Quang cũng cho rằng đề thi 3 môn Khoa học xã hội về cơ bản là dễ, không khó. Các thí sinh ôn kỹ thì có thể làm bài trên 7 điểm.
Theo số liệu từ Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên, trong buổi thi 3 môn Khoa học xã hội có 110 thí sinh vắng thi, trong đó Lịch Sử vắng 39, Địa Lý vắng 37 và GDCD vắng 34.
* Sáng nay thí sinh ở Thanh Hóa hoàn thành tổ hợp Khoa học xã hội. Hầu hết thí sinh đánh giá đề thi môn Lịch sử và Địa lý không dễ ăn điểm cao.
Dù là thí sinh thuộc lớp chuyên Sử của Trường THPT Chuyên Lam Sơn tuy nhiên thí sinh Vũ Thị Xuyến vẫn đánh giá dạng đề Sử này thí sinh không dễ dàng để có được điểm cao.
“Đề Lịch sử thì không quá khó nhưng chi tiết quá, có nhiều đáp án dễ khiến thí sinh phân vân. Đề Địa lý thì tương đối khó. Cả hai môn, nếu học sinh có lực học khá, giỏi cũng may ra mới được điểm 7” - Xuyến cho biết.
Thí sinh vẫn còn băn khoăn nhiều câu hỏi trong hai môn Lịch sử và Địa lý. (Ảnh: Nguyễn Thùy).
Cùng quan điểm với Xuyến, thí sinh Nguyễn Thị Hà, Trường THPT Chuyên Lam Sơn chia sẻ: “Đề Lịch sử chi tiết quá. Môn Sử cũng như môn Địa để đủ điểm đậu tốt nghiệp thì được còn đậu Đại học thì không phải đơn giản”.
Thí sinh đánh giá đề Giáo dục công dân hay và có phần "dễ thở" (Ảnh: Nguyễn Thùy)
Riêng môn Giáo dục công dân, nhiều thí sinh ở Thanh Hóa đánh giá đề năm nay hay và có phần “dễ thở”.
Thông tin từ Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, kết thúc buổi thi cuối, tại Thanh Hóa có 427 lượt thí sinh vắng thi (môn Lịch sử 155 thí sinh, Địa lý 149 thí sinh và Giáo dục công dân 123 thí sinh), tỷ lệ thí sinh dự thi môn cuối đạt trên 99,4%.
Cũng ở buổi thi cuối, tại cụm thi Thanh Hóa có 3 thí sinh vi phạm quy chế, trong đó có 2 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi và 1 thí sinh mang tài liệu vào phòng thi.
Kết thúc 3 ngày thi, tại 70 điểm thi của cụm thi số 27 tỉnh Thanh Hóa có 12 thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó, có 3 thí sinh bị đình chỉ do mang tài liệu trong phòng thi và 9 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi; không có giám thị vi phạm quy chế thi; tỷ lệ thí sinh tham dự thi ở các môn đạt trên 99%.
Các thí sinh tại cụm thi Thanh Hóa làm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. (Ảnh: Duy Tuyên)
* Kết thúc buổi thi tổ hợp môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) sáng nay 27/6, nhiều thí sinh tại Đà Nẵng cùng chia sẻ đề thi các môn đều không quá khó; tuy nhiên, nếu không chắc kiến thức, thí sinh dễ chọn nhầm đáp án.
Các thí sinh tại Đà Nẵng vừa hoàn tất kỳ thi THPT quốc gia 2019
Theo thí sinh Thuận An (dự thi tại điểm trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng), đề thi cả 3 môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đều nằm trong chương trình học phổ thông, tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12. Trong 3 môn thi KHXH thì đề thi môn Lịch sử khó và dài nhất, song nếu thi để lấy điểm xét tốt nghiệp THPT thôi thì vẫn dễ dàng có được điểm 5. Môn Địa lý, nếu thí sinh có kỹ năng sử dụng Atlat, khai thác kiến thức sẵn có ở đây thì dễ dàng hoàn tất bài thi. Môn Giáo dục Công dân nếu không nắm chắc kiến thức thì dễ chọn nhầm đáp án cho các tình huống đề ra.
Thí sinh Đà Nẵng trao đổi sau buổi thi tổ hợp môn Khoa học xã hội. (Ảnh: Khánh Hiền)
Thí sinh Huy Lịch cũng dự thi cả 3 môn ở điểm trường trên cùng chia sẻ, ở tất cả các môn, trong phần đáp án, dễ dàng loại 2 đáp án, còn lại 2 đáp án buộc thí sinh phải nắm chắc kiến thức, tư duy logic mới chọn được chính xác đáp án. “Rất nhiều câu khiến em mất thời gian phân vân giữa hai đáp án. Phần khó nhất vẫn tập trung ở các câu cuối như cấu trúc đề của các môn thi trắc nghiệm” - thí sinh Huy Lịch nói.
* Tại tỉnh Bình Định, kết thúc các bài thi môn tổ học Khoa học xã hội, thí sinh nhận định đề thi các môn này nhẹ nhàng hơn so với năm ngoái. Nhiều thí sinh cho rằng, trong 3 môn tổ hợp KHXH thì môn Lịch sử có phần khó hơn, còn môn Địa lý thì tương đối dễ. Riêng môn Giáo dục công dân nhiều thí sinh lại ấn tượng với đề thi vì nó gắn liền với thực tế cuộc trong cuộc sống hàng ngày.
Đánh giá về đề thi 3 môn tổ hợp KHXH, em Nguyễn Thái Quỳnh Như, học sinh trường THPT Quốc học Quy Nhơn, cho rằng đề thi các môn này vừa sức thí sinh. Đối với môn Lịch sử, Quỳnh Như cho rằng đề Lịch sử hơi khó, tuy nhiên bản thân lịch sử Việt Nam đã quá hay nên việc ra đề năm nay rất hay và logic, giúp thí sinh hiểu rõ về lịch sử của nước nhà.
Môn Giáo dục công dân năm nào cũng vậy, áp dụng thực tế rất nhiều, bởi tình huống trong đời sống hàng ngày. Giáo dục công dân mục đích là hướng con người đến chân - thiện - mĩ nên em cảm thấy tất cả các câu hỏi môn này rất hay và thú vị.
Quỳnh Như cũng cho rằng, đề Địa lý rất dễ vì có nhiều câu hỏi sử dụng Alat là có thể làm bài, nếu dành cho thí sinh cho các bạn xét tốt nghiệp thì đề rất ổn.
* Kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia 2019, thí sinh Lê Thị Mai, trường THPT Đoàn Kết (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, em làm được khoảng 60% câu hỏi, trong đó phần dễ kiếm điểm nhất là lịch sử thế giới; riêng phần lịch sử Việt Nam tập trung vào giai đoạn 1945-1975. Với thời gian 50 phút để làm 40 câu là không đủ. Thí sinh nào học bám sát theo sách giáo khoa thì có thể kiếm điểm trên trung bình, khó giành điểm cao tuyệt đối.
Đề thi bám sát chương trình, với môn Địa lý đề thi tương đối dài, một số câu mở rộng, đòi hỏi thí sinh có kiến thức sâu và thực sự hiểu các vùng kinh tế, tự nhiên. Có nhiều câu rất hay, nói về biển đảo, biên giới và phát triển du lịch, vấn đề thời sự hấp dẫn và cũng dễ kiếm điểm. Đặc biệt năm nay việc vận dùng từ Alat được thí sinh sử dụng triệt để, nhiều câu chỉ cần nhìn vào đó là ra đáp án, giúp thí sinh dễ dàng giành được điểm cao.
Đề thi Giáo dục công dân khá hay và dễ, 70% kiến thức lớp 12 trong đó hơn 2/3 là tình huống vận dụng từ đời sống vào bài, đúng như kỳ vọng đây là môn thi cứu cánh cho tất cả các thí sinh thi tổ hợp môn KHXH.
Tương tự, thí sinh Trần Văn Quân, trường THPT Thăng Long (Hà Nội) vui vẻ cho hay, em làm bài thi tốt hợp tốt, khó nhất vẫn là môn Lịch sử. Đề năm nay có nhiều câu hỏi về ý nghĩa, mốc thời gian các trận đánh trong phần lịch sử Việt Nam, đáp án “na ná” gần giống nhau nên rất dễ dàng bị đánh lừa nhầm lẫn, nói chung hơi khó nhằn. Chắc em chỉ làm được khoảng 60% bài thi, còn lại là khoanh bừa. Em nghĩ phổ điểm chung cho môn này là 6 điểm.
Riêng đề Giáo dục công dân cực dễ, hỏi về các vấn đề điều chỉnh pháp luật, quyền công dân… đều nằm chọn trong sạchs giáo khoa lớp 12 và đề tham khảo, dù hơi dài có những câu 4-5 dòng chữ và khoảng 10 câu kiến thức lớp 11 nhưng nhìn chung tất cả vẫn rất tổt và khả quan.
* Sau khi kết thúc buổi thi cuối cùng tổ hợp khoa học xã hội, các thí sinh Quảng Nam đều nhận xét đề năm nay không quá khó, nếu ôn tập kỹ có thể đạt được điểm trung bình trở lên. Các thí sinh thở phào nhẹ nhõm sau nhiều ngày thi căng thẳng.
Đối với đề Sử yêu cầu chủ yếu liên quan đến kiến thức vận dụng, cũng có nhiều câu kiến thức lớp 11. Đề Địa năm nay không phải tính toán nhiều, chủ yếu dựa vào Atlat là chủ yếu. Theo thí sinh, đề Địa và Giáo dục công dân “dễ nuốt” hơn, đề Sử khó hơn vì đề dài.
Thí sinh thở phào nhẹ nhõm sau buổi thi cuối cùng
Thí sinh Lê Ngọc Minh (Trường THPT Nguyễn Trãi - Hội An) chia sẻ: “Đề Địa năm nay không quá nhiều câu tính toán, chủ yếu dựa vào Atlat để làm bài. Đề Sử thì khó hơn vì câu hỏi dài, mã đề của em chủ yếu là các câu hỏi lịch sử vận dụng, so sánh giữa Cách mạng Tháng 10 Nga và Cách mạng Tháng 8 của Việt Nam. Trong các đề thì em tự tin đề Địa lý và Giáo dục công dân, còn đề Sử nhiều câu em chọn câu nào dài mà chéo thôi”.
Thí sinh Dương Thị Hương (Trường THPT Lương Thế Vinh, thị xã Điện Bàn) chia sẻ: “Em ấn tượng với các câu hỏi của môn Giáo dục công dân, nhiều câu vận dụng kiến thức cuộc sống khá hay. Với tổ hợp xã hội này em cũng khá tự tin, hy vọng điểm sẽ đúng như mong đợi”.
* Kết thúc buổi thi tổ hợp môn Khoa học xã hội, nhiều thí sinh tại cụm thi Đồng Tháp cho biết, đề thi môn Sử năm nay khó. Môn Địa có nhiều câu trả lời gần giống nhau nên thí sinh mất nhiều thời gian để làm bài.
Nhiều thí sinh ở điểm thi Trung tâm giáo dục thường xuyên và kỹ thuật hướng nghiệp Đồng Tháp tỏ rõ niềm vui khi đã hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia 2019. Tuy nhiên, nhiều thí sinh tỏ ra không vui khi đề thi môn Sử năm nay khó hơn mọi năm.
Em Nguyễn Ngọc Quyên và nhiều thí sinh khác cùng nhận định đề thi môn Sử năm nay khó lòng lấy điểm 7-8
Em Nguyễn Ngọc Quyên - trường THPT TP Cao Lãnh, cho biết đề thi năm nay tương đối khó nhưng khó nhất là môn Sử. Ở để thi môn địa, có nhiều câu đáp án bị "nhiễu" (đáp án gần giống nhau) nên thí sinh mất nhiều thời gian để làm bài.
Các thí sinh trường THPT TP Cao Lãnh tươi cười sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2019
Em Phạm Nguyễn Kim Ngân - trường THPT TP Cao Lãnh cho biết: Nếu để đủ điểm tốt nghiệp 12 thì tương đối dễ, còn để lấy điểm xét tuyển đại học thì khó lấy điểm 7-8. Riêng đề thi môn Giáo dục công dân thì tương đối dễ làm vì kiến thức trong chương trình học.
Hội đồng thi tỉnh Kiên Giang, cho biết, có 15.522 thí sinh đăng ký dự thi, vắng 52 thí sinh; 1 thí sinh vi phạm quy chế thi.
Tại An Giang, có trên 8.000 thí sinh đăng ký dự thi tổ hợp môn khoa học xã hội, vắng 44 thí sinh. Không có thí sinh vi phạm quy chế thi.
Còn tại Đồng Tháp, các thí sinh đăng ký dự thi môn Khoa học xã hội đều đạt trên 99,5%, không có thí sinh vi phạm quy chế thi.
* Kết thúc buổi thi cuối cùng, các thí sinh ở Cần Thơ bước ra khỏi địa điểm thi với tâm trạng thoải mái, vui vẻ.
Nhiều thí sinh ở Cần Thơ cho biết: Trong tổ hợp các môn thi sáng nay, môn Giáo dục Công dân dễ “kiếm” điểm 9, 10 bởi hầu hết kiến thức đều trọng tâm mà các em được ôn tập. Trong đó môn Lịch sử được cho là dài khó nhất và phải học sâu, hiểu rõ vấn đề mới làm được.
Thí sinh Trần Ngọc Dương - trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, cho biết đề sử khá dài. "Đề cho khá dài, em không thể nhớ hết, không thể làm hết nên có những câu em khoanh đại".
Về môn Địa, các thí sinh ở điểm thi trường Châu Văn Liêm cho biết, cấu trúc đề khoa học, rõ ràng và nhiều điểm thú vị. Tuy nhiên, những câu cuối vẫn là câu khó để phân loại thí sinh xét tốt nghiệp và vào đại học.
* Sáng nay, các thí sinh tại Quảng Trị rời phòng thi với tâm trạng thoải mái. Thí sinh đánh giá, đề thi Địa lý không khó, đề Lịch sử khá “hóc búa”, nhưng vẫn có thể đạt điểm trung bình.
Thí sinh Lê Thị Phương đánh giá, để Sử năm nay dễ hơn, đề ít câu hỏi xoáy và đủ khả năng để các bạn đạt điểm trung bình.
Thí sinh Quảng Trị phấn khởi rời trường thi. (Ảnh: Đ. Đức)
Thí sinh Nguyễn Đình Thiên cho rằng, với đề này rất nhiều bạn có thể đạt điểm cao, môn dễ nhất là Giáo dục công dân, khó nhất là môn Lịch sử. Môn Sử hơi “hóc búa” với các mốc thời gian, dữ kiện lịch sử. Đề Địa vừa sức, không khó lắm.
Theo báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, trong ngày thi tổ hợp môn Xã hội có 5.497 thí sinh đăng ký dự thi, vắng 100 thí sinh, đạt tỷ lệ 99,38%.
Kết thúc 3 ngày thi, tại Quảng Trị không ghi nhận trường hợp cán bộ coi thi vi phạm nội quy, cũng như không có thí sinh nào bị kỷ luật, đình chỉ do vi phạm quy chế.
* Tại Huế, trong buổi thi tổ hợp Khoa học xã hội sáng nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử là 8.009, trong đó số thí sinh dự thi là 7.959, thí sinh vắng 50, tỷ lệ dự thi 99,38 %. Ở môn Địa lý, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 7.936, số thí sinh dự thi là 7.887, thí sinh vắng là 49, tỷ lệ dự thi là 99,38%. Môn GDCD, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 7.579, số thí sinh dự thi là 7.546, thí sinh vắng 33, tỷ lệ dự thi là 99,56%.