Thầy trò vị giáo sư Nhật mê văn hóa Việt

Ít ai biết rằng, vị giáo sư có tên tuổi trong làng kiến trúc xứ sở hoa anh đào này đã có đến vài chục lần đi về giữa Việt Nam - Nhật Bản, chỉ vì đã trót mê văn hóa, kiến trúc của đất nước Việt Nam.

Và ông cùng người học trò thân cận của mình đã biến niềm đam mê ấy thành một công trình nghiên cứu khoa học “độc nhất vô nhị”, mà trước đó chưa một ai từng bỏ công tìm hiểu về kiến trúc của miền Bắc nước ta.

Một chữ “duyên”

Khuôn mặt phúc hậu, nụ cười hiền hòa luôn nở trên môi và đặc biệt đôi mắt sáng bừng khi nhắc đến Việt Nam, đó là ấn tượng dễ chịu đầu tiên của tôi khi được gặp GS Yamada Yukimasa – Giảng viên Đại học Tokyo Nhật Bản. GS Yamada Yukimasa sang VN lần đầu tiên từ năm 1993, cùng cùng đoàn kiến trúc sư Nhật Bản trong những đợt khảo sát đầu tiên về phố cổ Hội An khi Hội An vẫn chưa được nhiều người biết đến.

Để rồi sau đó, kết quả của các đợt khảo sát này trở thành dữ liệu quan trọng trong hồ sơ gửi lên UNESCO để Hội An được công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Đến 2003, ông trở lại VN để nghiên cứu về các nhà dân gian truyền thống VN theo chương trình hợp tác nghiên cứu giữa chính phủ hai nước.

Thầy trò vị giáo sư Nhật mê văn hóa Việt  - 1
Một góc nhà thờ chính tòa Phát Diệm - một trong những công trình còn lưu giữ kiến trúc gỗ độc đáo tại miền Bắc Việt Nam.

Trong các đợt khảo sát này, ông tình cờ phát hiện sự tồn tại của một lượng lớn các nhà thờ Công giáo, đặc biệt là nhà thờ gỗ tuyệt đẹp ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ và nhen nhóm ý định một lúc nào đó sẽ quay trở lại để tìm hiểu về những ngôi nhà thờ tuyệt đẹp này.

Tuy nhiên, ý định của ông chỉ hiện thực hóa khi tình cờ gặp anh Katano Tomoharu - nghiên cứu sinh về kiến trúc ở Nhật, lúc đó đang vừa học tiếng Việt ở Hà Nội, vừa lặng lẽ một mình đi đến các tỉnh phía bắc tìm hiểu về kiến trúc gỗ truyền thống.

Thầy trò vị giáo sư Nhật mê văn hóa Việt  - 2
Chân dung thầy Yamada (trái) và học trò Katano (phải) trong lần trở lại Việt Nam vào cuối năm 2011.

Cuộc gặp “duyên kỳ ngộ” này đã khởi nguồn cho sự ra đời của công trình nghiên cứu “Kiến trúc nhà thờ Công giáo bằng gỗ ở miền Bắc Việt Nam” của anh Katano, do GS Yamada hướng dẫn. Được sự tài trợ của Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Nhật Bản, thầy trò GS Yamada bắt tay vào khảo sát kiến trúc của hơn 1.200 giáo đường phía bắc.

Ròng rã hơn 3 năm trời, mỗi năm có đến 3-4 chuyến đi về giữa VN và Nhật Bản và mỗi chuyến đi của giáo sư và cộng sự bao giờ cũng là những chuyến nằm vùng dài hơi tại vùng quê các tỉnh Nam Định, Ninh Bình...

Càng nghiên cứu, ông càng bị cuốn hút bởi sự hòa quyện tinh tế giữa nét đẹp truyền thống của phương Đông lẫn nét hiện đại của phương Tây trong những ngôi nhà thờ Thiên chúa giáo.

Điều khá thú vị là trong hơn 1.200 giáo đường mà ông và cộng sự đã khảo sát, có hơn 300 giáo đường xây dựng bằng kiến trúc gỗ (chiếm 24%). Đại đa số các nhà thờ đều xây dựng từ thời Pháp thuộc và đến bây giờ hầu như vẫn lưu giữ những nét tinh túy nhất.

Ông chia sẻ: “Cộng đồng nông thôn VN tuy nhỏ, nhưng lại có quá nhiều công trình kiến trúc nhà thờ kỳ vĩ. Một điều mà tôi chắc chắn chỉ có thể tìm thấy ở VN là đi vào nhà thờ đã thấy hình ảnh của cả phương Tây lẫn phương Đông, bên trong có cảm giác như đứng ở đình chùa, nhưng bên ngoài lại là kết cấu của một nhà thờ Công giáo. Ở Nhật Bản cũng có nhà thờ gỗ nhưng đơn thuần là nhà thờ, kiến trúc chùa chiền và nhà thờ là hoàn toàn riêng biệt chứ không hề có sự kết hợp thú vị này”.

Niềm vui thầm lặng

Nghiên cứu bằng tất cả niềm say mê, điều mà thầy trò GS Yamada mong muốn khi kết thúc công trình, chính là giúp những bạn bè, đồng nghiệp, giới kiến trúc sư Nhật Bản và VN hiểu được những giá trị văn hóa đặc sắc của nhà thờ Công giáo phía bắc. “Hiểu và có cách gìn giữ những công trình này để sao cho nét kiến trúc nhà thờ gỗ không bị mai một theo thời gian. Trong quá trình nghiên cứu, đã có không ít công trình đang bị thời gian tàn phá, làm biến dạng. Và điều mà tôi mong muốn là chính người dân ở các miền quê hãy nỗ lực gìn giữ những di sản tuyệt tác này” – ông Yamada bộc bạch.

Về phần mình, ông cùng các cộng sự cũng có những kế hoạch cụ thể để làm sao phát huy những giá trị của công trình thầm lặng này. Hiện ông đang xây dựng lại toàn bộ hệ thống bản vẽ, các bức ảnh đẹp về nhà thờ nhằm tạo một bộ tư liệu hoàn chỉnh để chuyển giao cho các nhà thờ. Từ đây, ông mong muốn người dân sẽ được tiếp cận những kiến thức để hiểu hơn về giá trị lịch sử, văn hóa của các công trình này. Hiểu được những giá trị này, bà con sẽ tự giác gìn giữ hơn các tài sản văn hóa của chính quê hương mình, đó là điều mà vị GS tên tuổi này hi vọng.

Có một điều là khi sang VN để công bố công trình, những người được đón nhận công trình đơn thuần chỉ là giới kiến trúc sư trong ngành, một số giảng viên kiến trúc của VN cùng đại diện các nhà thờ Công giáo phía bắc.

Không quá rầm rộ và khoa trương, những cống hiến của nhóm nghiên cứu chỉ giản đơn và thầm lặng như vậy. Thầm lặng như chính tình yêu của vị GS già dành cho đất nước và con người VN. Ông tâm sự: “Tôi quyết định dừng chân ở đây thay vì có nhiều sự lựa chọn khác.

Vì sao ư? Khi tôi đặt chân về nông thôn VN, điều mà tôi sững sờ chính là tìm thấy khung cảnh của quê hương Nhật Bản của tôi từ thời bé, rất gần gũi thân thuộc. Chỉ có điều bây giờ nông thôn Nhật thay đổi rất nhiều, tốc độ hiện đại hóa đã làm mất đi nét nguyên sơ mà VN các bạn hiện vẫn còn. Tôi không muốn VN giẫm lên vết xe đổ của Nhật Bản, không muốn những miền quê tuyệt đẹp này mất đi theo thời gian và tốc độ phát triển đất nước”.

Theo Dương Hà
Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm