PGS.TS Trần Thành Nam:
Thầy gọi trò là "con" sẽ triệt tiêu sự sáng tạo: Lý do không thuyết phục!
(Dân trí) - Việc nâng cao sự sáng tạo của học trò không phải có trọng số từ sự xưng hô mà nó nằm ở tình cảm đằng sau của thầy với trò, từ quan điểm khi thầy lên lớp không coi mình là trung tâm của tri thức…
Trên đây là ý kiến của PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội) về quan điểm "giáo viên không gọi học sinh là con" gây tranh cãi trong thời gian gần đây.
Chuyên gia cho rằng, cách xưng hô chỉ là phần nhỏ trong môi trường giáo dục. Điều quan trọng nằm ở chính sự truyền tải về mặt tình cảm giữa người nói - người nghe, và người nghe sẽ cảm thấy gì đằng sau cách xưng hô ấy.
Không thể nói "thầy gọi trò là con là không khuyến khích sự sáng tạo"
Thưa PGS.TS Trần Thành Nam, trước quan điểm "giáo viên không gọi học sinh là con" mà nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đưa ra, ông có đồng tình với quan điểm này?
- Tôi cũng là một người đã đi học ở nước ngoài, và ở đó, khi xưng hô với thầy cô giáo, tôi xưng theo ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai.
Quay trở lại Việt Nam, tôi xưng "thầy" với các bạn sinh viên và khi giảng dạy tại các trường tiểu học, tôi gọi học sinh là "con". Đơn giản, tôi nghĩ rằng, đối với ngôn ngữ văn hóa của một nước mà chỉ có hai ngôi là "I" với "You", thì tôi xưng hô theo đúng văn hóa của nước đó.
Còn khi trở lại với Việt Nam, tôi xưng hô theo văn hóa của dân tộc mình. Và tôi nghĩ rằng, việc xưng hô như vậy không gây ảnh hưởng tới điều gì cả.
Ví dụ như cách xưng hô "Thầy - trò/con", tôi nghĩ đối với một số cấp học vẫn hoàn toàn phù hợp với văn hóa, đồng thời lại mang những giá trị tích cực. Vậy hà cớ gì phải thay đổi?
Tôi đồng ý với cách thức xưng hô mà ở đó thể hiện ý nghĩa và truyền tải giá trị đích thực. Một số nhà nghiên cứu cho rằng "thầy gọi trò là con là không đúng ngữ pháp, hay là không khuyến khích sự sáng tạo, chủ động" thì chúng ta hãy nghĩ rộng ra một chút. Trong quá trình giáo dục, tôi cho rằng, bên cạnh việc chúng ta khuyến khích sự sáng tạo của học trò thì những giá trị đạo đức khác cũng cần được ưu tiên, ví dụ như những giá trị về yêu thương hay giá trị về trách nhiệm, tôn trọng, "trên kính dưới nhường". Đó là những giá trị phổ quát mà chương trình phổ thông hướng đến.
Do đó, chỉ vì cách xưng hô "thầy/cô-con" và cho rằng đó là triệt tiêu sự sáng tạo mà bắt buộc phải thay đổi cách xưng hô, tôi nghĩ lý do đó chưa thực sự thuyết phục.
Một điều nữa mà chúng ta cần nhìn nhận, đó là tùy từng cấp học, để giúp học sinh tiếp thu kiến thức, hình thành kỹ năng thì phải đi theo nguyên tắc từ cảm xúc, niềm tin rồi mới đến hành vi. Tức là phải làm cho trẻ trở nên hứng thú, có thiện cảm, rồi trẻ mới bắt đầu tò mò, tự tin khám phá và thực hành những điều đã học được để trở thành cái gọi là "niềm tin".
Ở trên lớp, đơn cử như việc gọi "con A, trò B" với "anh A/chị B" thì sắc thái đã rất khác nhau. Gọi học sinh là "con", là "trò" có thể không sao, nhưng nếu gọi trò là anh nọ, anh kia thì đứa trẻ sẽ cảm giác như đang mắc lỗi bị mắc lỗi, hay có vấn đề gì đó.
So sánh giữa hai khía cạnh xưng hô "anh đứng dậy trả lời" với "con có thể nêu ý kiến của mình" thì rõ ràng việc xưng hô là "con" sẽ khuyến khích, nâng đỡ và cảm thấy thoải mái hơn. Vậy nên nhiều khi không chỉ là cách xưng hô mà còn là giọng điệu, nét mặt và nhiều thứ nữa mới tạo nên một không gian thoải mái để giúp người ta sáng tạo.
Vì vậy, nếu nhất định phải thay đổi cách xưng hô trong nhà trường, tôi sẽ đồng ý nếu như sự thay đổi đó hướng đến những gì tốt đẹp, tích cực và chuẩn mực.
Còn đối với những giá trị văn hóa của dân tộc, tôi cho rằng không nhất thiết phải thay đổi, nó chỉ cần thích ứng trong bối cảnh mới mà thôi. Vậy nên việc nâng cao sự sáng tạo của học trò không phải có trọng số hay bản chất từ sự xưng hô mà nó nằm ở tình cảm đằng sau đấy của thầy với trò, từ quan điểm khi thầy lên lớp không coi mình là trung tâm của tri thức nữa chứ không phải là cách gọi.
Có ý kiến cho rằng: Giáo viên gọi học sinh là "con" là sai tiếng Việt, không nên cướp công sinh thành của người khác bằng việc gọi con họ là "con". Nếu tất cả người lớn đều gọi trẻ em là "con", khác biệt giữa cha mẹ và người lạ vô tình bị lu mờ… Ông suy nghĩ thế nào về ý kiến này?
- Tôi cho rằng, điều quan trọng không phải ở việc chúng ta gọi nhau thế nào mà quan trọng là sự truyền tải về mặt tình cảm giữa người nói - người nghe, và người nghe sẽ cảm thấy gì đằng sau cách xưng hô ấy.
Ví dụ như hành vi ứng xử của người thầy mà đóng đúng vai trò như một người phụ huynh luôn nhiệt huyết, trách nhiệm, chăm sóc cho đứa trẻ thì tại sao lại cấm họ gọi đứa trẻ ấy là "con"?
Một thực tế cho thấy, hiện nay, sự quan tâm, mức độ đồng hành mà nhiều gia đình, ông bố, bà mẹ dành cho con cái còn kém hơn cả thầy cô. Vậy trong trường hợp này, thử hỏi ai xứng đáng hơn, đặc biệt sau hàng loạt các vụ bạo hành trẻ nhỏ xảy ra trong thời gian vừa qua?
Vậy nên khi đưa ra khuyến nghị cho xã hội thì phải tính hết những tác động của chính sách đó với xã hội, không thể chỉ dựa trên bằng chứng khoa học mà còn phải nhìn vào thực tiễn, dựa trên sự thấu cảm với bối cảnh của từng dân tộc.
Xưng "con" hay "em" vẫn có thể nêu chính kiến
Trong bài viết của mình, không chỉ yêu cầu giáo viên không gọi học trò là "con", mà phải gọi là "trò", "các trò", "các em", "các bạn"; nhà phê bình Lại Nguyên Ân còn khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng "tôi" trước giáo viên. Lý giải về điều này, ông Ân cho rằng việc đơn giản hóa các đại từ nhân xưng sẽ giúp người học hòa nhập tốt hơn. Quan điểm của PGS thì thế nào?
- Tôi thì không bao giờ đưa ra quy tắc đấy, các em muốn xưng thế nào tôi cũng đồng ý, miễn sao cách xưng hô ấy hướng tới sự tôn trọng và các em cảm thấy thoải mái là được.
Đối sinh viên, tôi không gọi các bạn là "con" vì họ đã trưởng thành. Thay vào đó, tôi gọi sinh viên là "các em, các bạn". Nhưng thường thì sinh viên không bao giờ chủ động xưng "tôi" với tôi cả. Tôi thấy các bạn dù là xưng "em" hay thậm chí xưng "con" thì cũng đều rất có chính kiến, mạnh dạn trao đổi trực tiếp với giảng viên. Vậy nên việc xưng hô như vậy cũng không có gì gọi là bị giới hạn.
Thưa PGS.TS Trần Thành Nam, có nên can thiệp vào cách xưng hô giữa giáo viên và học sinh bằng cách đưa ra quy chế xưng hô trong nhà trường hay không?
- Nói một cách thẳng thắn, chúng ta thấy có rất nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học xã hội Việt Nam đã đưa ra, nhưng những khuyến nghị ấy cần phải được cân nhắc nhiều chiều, ở nhiều tầng mức khác nhau.
Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta đang đối diện với nhiều vấn đề "nước sôi lửa bỏng" khác như làm thế nào để đưa học sinh trở lại trường, làm thế nào để an tâm về mặt tâm lý cho học sinh và phụ huynh. Chúng ta không thể mãi ngồi tranh luận và đưa ra những khuyến nghị không cấp bách. Điều quan trọng bây giờ là những người làm khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội cần phải biến tri thức thành những giá trị thực tiễn phục vụ cộng đồng.
Đối với việc đưa ra quy chế xưng hô trong nhà trường, tôi có thể ủng hộ; nhưng tôi cho rằng, phải đưa ra quy chế thế nào để giúp cho việc xưng hô trong nhà trường vừa theo chuẩn mực văn hóa mà vẫn tạo nên một bầu không khí thoải mái, hạnh phúc và thân thiện giữa thầy và trò; chứ không phải là sự gò bó, ép buộc giáo viên - học sinh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!