Học trò Gen Z có muốn xưng "con" với giáo viên hay không?

Diệu An

(Dân trí) - Cách xưng hô giữa giáo viên và học trò trong nhà trường đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ cảm thấy không cần thiết xây dựng bộ quy tắc xưng hô trong trường học.

Hiện nay, câu chuyện xưng hô giữa giáo viên và học sinh đang thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận. Cụ thể, trên mạng xã hội xuất hiện quan điểm "yêu cầu giáo viên không gọi học sinh là con" và đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành một quy chế về xưng hô trong nhà trường.

Gọi học sinh là "con" gia tăng sự gần gũi và gắn kết

Học trò Gen Z có muốn xưng con với giáo viên hay không? - 1

Việt Hà thường xưng "con" với thầy cô thân thiết và nương theo tình huống để có cách xưng hô phù hợp (Ảnh: NVCC).

Đứng trước đề xuất thay đổi này, nhiều học sinh, sinh viên đã bày tỏ quan điểm của mình. Bạn Đặng Việt Hà, học sinh lớp 12, trường THPT Nguyễn Du, Hà Tĩnh chia sẻ: "Khi được thầy cô gọi là con, hầu hết học sinh sẽ cảm nhận được tình cảm và sự quan tâm của thầy cô dành cho họ. Và tất nhiên, mình yêu quý cách gọi đó. Còn việc học sinh xưng "con" với thầy cô là vô cùng bình thường. Khi xưng "con", họ sẽ cảm thấy gần gũi và thân thiết với giáo viên của mình hơn".

Hà nói thêm: "Việc xưng "tôi" với thầy cô cơ bản không sai nhưng xét trên nhiều khía cạnh khác, mình cảm thấy không mấy thiện cảm và đồng tình. Sử dụng cách xưng hô này không chỉ vô hình tạo ra khoảng cách giữa thầy cô và học trò mà còn khiến cho học sinh trở nên ngang hàng với thầy cô. Hơn nữa, xưng "tôi" không thể hiện được hết truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp".

Nguyễn Nguyên Thanh, sinh viên năm ba Học viện Báo chí và Tuyên truyền nghĩ rằng cách xưng hô thầy/cô - con, con - thầy/cô sẽ khiến cuộc đối thoại trở nên vui vẻ và thân mật hơn. Ngoài ra, điều này còn thể hiện sự yêu quý, kính trọng đối với người đối diện. Cá nhân Thanh không quen với cách xưng hô này vì cô thấy ngại ngùng trước người lạ. Nhưng, khi được thầy cô gọi "con", Thanh cảm thấy vui và thoải mái hơn khi trò chuyện.

Học trò Gen Z có muốn xưng con với giáo viên hay không? - 2

Thanh cảm thấy gần gũi và thoải mái khi được thầy cô gọi là "con" (Ảnh: NVCC).

Cảm thấy việc xưng "tôi" là không nhất thiết, Nguyên Thanh thẳng thắn chia sẻ: "Đối với đất nước có nhiều ngôi xưng như Việt Nam, việc học sinh xưng "tôi" sẽ mang lại cảm giác khó gần, lạnh lùng hơn khi giao tiếp với giáo viên. Từ "tôi" mang đậm sắc thái cá nhân, lòng tự tôn, tự trọng và trang nghiêm khi giao tiếp. Hơn nữa, nó còn thể hiện sự ngang bằng vai vế giữa hai bên trong cuộc trò chuyện. Khi mà "kính trên nhường dưới" là một trong những phẩm chất quan trọng trong môi trường học đường thì việc học sinh xưng "tôi" không phải là một ý kiến hay".

Trong khi đó, Trần Hoàng Bảo, sinh viên năm hai trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) cho rằng: "Việc sẽ xưng hô như thế nào phụ thuộc vào cách lựa chọn và sử dụng chủ ngữ khi giao tiếp để phù hợp vào từng tình huống của mỗi cá nhân. Mình thường xưng "em" với thầy cô bởi mình thấy đây là cách xưng hô lịch sự và thể hiện được sự tôn trọng của mình dành cho họ. Việc thầy cô gọi học sinh là "con" không vi phạm chuẩn mực đạo đức và chấp nhận được. Hơn nữa, chúng ta vẫn thường hay nói "cô giáo như mẹ hiền", nên việc thầy cô gọi học sinh là "con" sẽ khiến họ cảm thấy được quan tâm và gắn kết hơn".

Nguyễn Quỳnh Anh, sinh viên năm hai Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng không hoàn toàn ủng hộ việc học sinh, sinh viên xưng "tôi" với thầy cô. "Thay vì khiến cuộc trò chuyện giữa thầy trò trở nên gượng gạo thì học sinh, sinh viên nên xưng hô một cách lễ phép và tôn trọng giáo viên. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều thầy cô thường khuyến khích học trò xưng "tôi" để bày tỏ quan điểm một cách cởi mở và thoải mái hơn. Chính vì thế, học sinh, sinh viên nên biết sử dụng cách xưng hô phù hợp với tình huống cụ thể", Quỳnh Anh chia sẻ.

Học trò Gen Z có muốn xưng con với giáo viên hay không? - 3

Theo Quỳnh Anh, học sinh xưng hô lễ phép là một cách thể hiện sự tôn trọng đối với giáo viên (Ảnh: NVCC).

Quy tắc xưng hô hay quy tắc ứng xử quan trọng hơn?

Bạn Việt Hà nêu quan điểm: "Trong trường học, giáo viên được lựa chọn cách xưng hô với học sinh. Miễn là nó không thô tục, không trái với đạo đức nghề giáo, không ảnh hưởng tới học sinh và nhận được sự chấp nhận của đối phương là được. Chúng ta nên tạo một môi trường học tập thoải mái, vui vẻ cho cả giáo viên và học sinh".

Đó cũng là suy nghĩ của Hoàng Bảo. Anh cho biết thêm: "Việc đưa ra một điều cấm tại môi trường sư phạm chỉ nên khi đó là điều quá thô tục, vi phạm chuẩn mực tối thiểu, gây tác động tiêu cực tới mọi người. Còn nếu không, điều đó sẽ khiến cho không khí học tập trở nên bó buộc, gò ép và cứng nhắc. Việc xưng hô có thể linh hoạt để phù hợp với đối tượng, trường hợp giao tiếp là được".

Trước đề xuất có bộ quy tắc ứng xử trong trường học, Nguyên Thanh thẳng thắn bày tỏ: "Nếu bộ quy tắc liên quan đến thái độ ứng xử thì mình rất ủng hộ. Bởi vì hiện nay, một lượng lớn học sinh, sinh viên thậm chí giáo viên thiếu hụt về kỹ năng giao tiếp, có thái độ không tốt, tạo thiện cảm xấu trong môi trường giáo dục. Còn về quy tắc xưng hô giữa thầy và trò, mình thấy không cần thiết. Khi giao tiếp, mình nghĩ chỉ cần đảm bảo sự lễ phép trong cách nói chuyện của học sinh và sự bao dung, thấu hiểu trong cách trò chuyện của giáo viên thì hai đối tượng này có thể truyền đạt đến nhau những giá trị bổ ích rồi".

Học trò Gen Z có muốn xưng con với giáo viên hay không? - 4

Nhiều bạn trẻ cảm thấy việc có bộ quy tắc ứng xử giữa giáo viên và học sinh là không cần thiết (Ảnh: Khánh Hiền).

Khác với Thanh, Quỳnh Anh lại ủng hộ việc có quy tắc xưng hô trong nhà trường. Cô nói: "Trong môi trường giáo dục vẫn cần có những quy tắc trong việc xưng hô để hạn chế tối đa những trường hợp không chuẩn mực xảy ra tại trường học. Thực tế, không hiếm trường hợp học sinh vô lễ với giáo viên, giáo viên mất uy tín với học trò, xưng hô không có trên dưới, thiếu tôn trọng lẫn nhau đã ảnh hưởng xấu tới hình ảnh môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện. Chính vì thế, việc xây dựng bộ quy tắc xưng hô sẽ là "công cụ" để kiểm soát lời ăn tiếng nói, khiến mọi hành động trở nên có mực thước, quy củ hơn".