Khánh Hòa:
Thầy giáo mang "quân hàm xanh” 16 năm dạy lớp học tình thương
(Dân trí) - Câu chuyện về Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng, Đồn biên phòng Cầu Bóng (Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa), “người thầy mang quân hàm xanh” 16 năm dạy học tình thương cho học sinh khiến nhiều người xúc động.
Lớp học của Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng hơn 40 học sinh, trong nhà văn hóa Tổ 19 Trường Phúc, phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Học sinh của thầy có hoàn cảnh rất đặc biệt, gia đình khó khăn không thể đến trường để đi học chính khóa.
Đến thăm lớp, chúng tôi thấy các em học sinh, đồng đội của Thiếu tá Tưởng đều gọi Anh là “thầy”. Sau hơn 16 năm hình thành, có hơn 200 học sinh đã học qua lớp học tình thương này. Lớp học hoạt động từ thứ 2 đến thứ 6, với thời gian từ 19h đến 21h.
Chia sẻ về những ngày đầu mở lớp học tình thương, thầy Tưởng bồi hồi nhớ lại: Lớp học này hình thành ngay từ khi thầy về nhận công tác tại Đồn biên phòng Cầu Bóng từ tháng 4/2004. Sau đó thầy được cấp chỉ huy giao phụ trách địa bàn phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang.
"Trong quá trình triển khai địa bàn thì tôi thấy nhiều em nhỏ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, rất khổ, không được đến trường. Từ đó tôi hình thành kế hoạch, báo cáo Ban chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương để mở lớp học. Tôi trực tiếp đứng lớp cho các cháu", Thiếu tá Tưởng bày tỏ.
Đến thời điểm này, lớp học này cũng duy trì được 16-17 năm. "Lớp học này mở ra thì được Ban chỉ huy đơn vị, chính quyền địa phương cũng như anh em chiến sĩ rất ủng hộ. Các cấp, các ngành cùng chung sức với anh em chiến sĩ trong đơn vị, nhất là bản thân tôi để cho lớp học tốt nhất. Ví dụ như cùng nhau đi tuyên tuyền, vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm để tài trợ dụng cụ cho lớp học, cũng như hỗ trợ thêm một phần nào đó nhu yếu phẩm cho gia đình các cháu. Tại vì gia đình các cháu rất nghèo và khó khăn. Mỗi cháu có một hoàn cảnh khác nhau", thầy giáo biên phòng xúc động nói.
Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng cho biết, lớp học tình thương của thầy có rất nhiều thành phần học sinh, độ tuổi không đồng đều, nhận thức không đồng đều. Về độ tuổi thì từ 8-9 tuổi cho đến 16-17 tuổi. "Bản thân tôi với khả năng của mình thì mình yêu thương các cháu, chứ không suy nghĩ làm cái gì cho to tát mà với khả năng của mình thì làm được đến đâu thì làm, giúp được đến đâu thì giúp", anh nói.
Thầy giáo biên phòng tâm sự, quá trình lên lớp thực sự cũng gặp nhiều khó khăn trong việc truyền tải kiến thức vì do khả năng tiếp thu của học sinh, gia đình chưa quan tâm đúng mức đến việc học của các cháu.
Thầy dạy văn hóa từ lớp 1 đến lớp 5, đồng thời kèm theo tuyên truyền về một số tệ nạn xã hội ở môi trường các cháu thường xuyên sống cũng như một số kỹ năng cơ bản để các cháu vận dụng vào cuộc sống, giáo dục đạo đức, nhân cách, làm việc thiện…
"Các em này không được đến trường và đến lớp này học. Một số em có thể học ở trường nhưng học đến lớp 1, lớp 2 nhưng do điều kiện, hoàn cảnh gia đình thì không học nữa. Mình đến tuyên truyền ra trường nhưng các em không ra thì lại tuyên truyền ra lớp", thầy nói thêm.
Khi được hỏi sau hơn 16 năm nhìn lại lớp học thì sự trưởng thành của các cháu như thế nào, Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng nói rằng, đối với các em học sinh sau khi học xong chương trình này, các cháu cơ bản đã lớn, đến tuổi biết đi làm phụ giúp cha mẹ kiếm tiền. Do đó các cháu xin thầy nghỉ để ra ngoài đi làm, đi học nghề…
"Phần lớn các cháu sau khi ra đời thì thầy trò vẫn thường xuyên chuyện trò với nhau, hoặc đến lớp thăm thầy. Qua tiếp xúc, đánh giá của cha mẹ thì phần lớn cơ bản các cháu là tốt", thầy chia sẻ.
Trao đổi thêm với PV Dân trí, Đại tá Trần Thanh Hà, Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa cho biết: Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng là một tấm gương sáng của lực lượng biên phòng tỉnh Khánh Hòa. Việc đứng lớp dạy học của Thiếu tá Tưởng nhằm giúp các cháu biết cái chữ do không được đến trường đi học.
"Người dân ở đó đa phần là dân biển, dân trí thấp nên bộ đội biên phòng mở lớp học dạy cho các cháu. Việc làm của đồng chí Tưởng là rất tuyệt vời!", Đại tá Hà nhận xét.