(Dân trí) - Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một thầy giáo trong trang phục áo dài, đầu đội khăn xếp, chân mang guốc mộc đứng trên bục giảng khiến dư luận cực kỳ thích thú.
(Dân trí) - Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một thầy giáo trong trang phục áo dài, đầu đội khăn xếp, chân mang guốc mộc đứng trên bục giảng khiến dư luận cực kỳ thích thú.
Nhân vật chính được nhắc đến là Tiến sĩ Hồ Minh Quang, Trưởng khoa Đông Phương học- trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM.
Từ ước muốn nhận diện người Việt Nam trước bạn bè quốc tế
Gần 10 năm qua, nhiều thế hệ học trò của thầy Quang cũng đã quen dần với việc người thầy của mình mặc áo dài mỗi khi đến lớp. Thế nhưng, những hình ảnh chia sẻ trên mạng gần đây được thầy Quang nói vui rằng “đó chỉ là một tai nạn” bởi trước giờ thầy chỉ muốn hình ảnh ấy “âm thầm” đến với học trò của mình.
Chia sẻ về mối lương duyên đến với chiếc áo dài, thầy Quang nhớ lại câu chuyện cách đây gần 20 năm về trước, khi thầy đi học tại Trường ĐH Trung Sơn - Quảng Châu (Trung Quốc).
“Trong thời gian ấy, khi nhìn thấy bạn bè các nước tham gia các lễ hội đều diện những trang phục đặc trưng của họ, tôi bắt đầu suy nghĩ. Bạn bè quốc tế có thể nhận diện được dễ dàng các bạn nữ là người Việt Nam thông qua tà áo dài, còn nam sinh Việt Nam thì hầu như không nhận diện được là người nước nào.
Bạn bè ở hầu hết các nước châu Á, châu Phi bất kể nam nữ đều có trang phục hoặc những phụ kiện mang tính nhận diện văn hóa quốc gia của mình. Sinh viên nếu không mặc áo dài hoặc không cầm quốc kỳ thì hầu như không ai biết là người Việt Nam”, thầy Quang kể lại.
Sau nhiều trăn trở, chàng sinh viên Hồ Minh Quang quyết định mặc áo dài Việt Nam để có được một tiêu chí nhận diện trong những không gian đa văn hóa ấy.
Đúng như kỳ vọng của chàng trai trẻ lúc ấy, khi diện trang phục ấy trong các lễ hội biểu diễn giao lưu văn hoá, văn nghệ với các nước thì bạn bè đều rất thích và nhận diện dễ dàng đó là người Việt Nam.
“Tôi cho rằng khi mặc chiếc áo dài trên người thì thương hiệu Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến dễ dàng hơn. Kèm theo đó, mọi ứng xử và giao lưu nhờ thế cũng đạt được mục đích tốt hơn”, thầy Quang chia sẻ.
Năm 2012 khi tốt nghiệp tiến sĩ về nước, niềm đam mê với chiếc áo dài vẫn không thôi đối với thầy giáo trẻ, thế nhưng vì nhiều lí do trong đó một phần vì kinh tế lẫn chưa tự tin nên một thời gian dài thầy Quang vẫn rụt rè với việc mặc trang phục này.
“Lúc ấy tôi nghĩ mình dạy môn Hán Nôm - là một môn truyền thống nên chiếc áo dài là phù hợp. Ban đầu tôi chỉ mặc khi dạy môn Thư pháp mà thôi chứ không nghĩ sẽ mặc khi dạy các môn khác.
Đơn giản vì lúc mới mặc áo dài đi dạy, tôi gặp nhiều ý kiến thắc mắc thậm chí là dị nghị của nhiều đồng nghiệp, sinh viên vì chưa hiểu hết ý nghĩa của chiếc áo này”, thầy bộc bạch.
Sau này khi có điều kiện hơn, may được nhiều áo dài hơn thì thầy Quang mạnh dạn diện chiếc áo truyền thống vào những dịp tiếp khách nước ngoài, tham gia các lễ hội của các nước hoặc những hoạt động giao lưu hợp tác quốc tế kể cả đi dạy ở nước ngoài.
“Đến tận năm 2017, được sự khuyến khích của các đồng nghiệp ở khoa Sử, tôi quyết định mặc áo dài ở tất cả các môn mà mình đi dạy ở trên giảng đường. Dù đi dạy ở trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, ở trường ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Mở TPHCM hay ĐH Tôn Đức Thắng thì tôi vẫn kiên trì việc mặc chiếc áo dài”.
Chiếc áo dài - công cụ đặc biệt của một người thầy
Không như nhiều giảng viên khác, trước mỗi buổi lên giảng đường, thầy Hồ Minh Quang sẽ đến sớm hơn vài phút để chuẩn bị trang phục đặc biệt của mình gồm thay nhiều lớp áo và một chiếc guốc đơn giản.
Tuy vậy thầy không cảm thấy đó làm phiền hà mà chỉn chu một cách trang trọng. Chiếc áo dài ấy gắn với mỗi buổi đến lớp của thầy bởi nhiều lý do đặc biệt của riêng mình.
Thầy Quang chia sẻ: “Tôi cảm nhận được sự tôn trọng của học trò mỗi lúc học khi tôi mặc trang phục này một cách khác hẳn. Các em tôn trọng người dạy lẫn nội dung mình dạy và cả các hoạt động trong quá trình giảng dạy. Dường như các em chăm chú nghe giảng hơn, biết để tâm đến những gì thầy mang đến lớp và độ tập trung cũng cao hơn”.
Nhận định vai trò chiếc áo dài đối với nghề dạy học của mình, thầy Quang cho rằng: “Chiếc áo dài không đơn giản chỉ là một trang phục mà nó còn là một dạng lễ phục tượng trưng cho sự nghiêm túc, trang nghiêm. Chính vì vậy, khi đi, đứng, ngồi, ăn… thì phải luôn chú ý từng chi tiết để không bị mang tiếng thất lễ.
Khoác chiếc áo dài vào thì mọi cử chỉ của tay, chân, lưng, vai, ánh mắt, ngôn hành, lời nói cũng đều phải kỹ lưỡng. Tôi nghĩ nó cũng chính là một công cụ mà tôi tự yêu cầu bản thân mình thực hiện khi đứng lớp”.
“Chiếc áo dài nam tôi mặc thường rất nhiều lớp, do vậy rất nóng nên bản thân mình phải tập làm sao quen được những bất tiện đó và tiết chế hành động của mình. Tôi tự kiểm soát hành động không để nóng giận quá hoặc vui quá thoải mái… và tôi yêu cầu khắt khe với bản thân nên chịu được nóng bức.
Khi học sinh hiểu được tôi đang cố gắng vượt qua những khó khăn đó thì các em trở nên tôn trọng mình hơn. Do đó tôi không dám khẳng định mình dạy hay, hoặc hoàn thành nhiệm vụ mỗi một tiết dạy nhưng với hình thức này nó cũng mang lại cho tôi sự cân bằng về hình ảnh của người thầy trong lớp học!”, thầy Quang bộc bạch.
Với nhiều năm mặc áo dài trang phục này, nhiều người trong đó các đồng nghiệp của thầy Quang cũng đã quen với hình ảnh ấy.
Thầy Quang có lúc tự vấn: “Cũng có những người thắc mắc “tôi nghĩ gì, muốn gì” khi mặc chiếc áo dài đó? Thì tôi cũng nói rõ rằng tôi mặc cho mình, vì công việc của mình, tôi cũng không đòi hỏi người khác phải mặc áo dài như tôi.
Tôi cũng không tán đồng ý nghĩ cơ quan quản lý yêu cầu thầy giáo phải mặc áo dài. Theo tôi việc mặc hay không nên xuất phát từ sự tự nguyện, khi đó người mặc sẽ ứng xử với trang phục này đúng nghĩa hơn. Chiếc áo dài khi đó nó sẽ không toát lên sự gượng ép mà nhận được sự trang trọng, mang ý nghĩa truyền tải đúng như nó vốn có”.
Khẳng định nét riêng của dân tộc mình
Theo vị Tiến sĩ, so với nữ giới thì áo dài của nam giới sẽ cầu kỳ hơn nhiều. Thông thường, trang phục áo dài thầy Quang mặc sẽ gồm 5 món: Khăn xếp (khăn đóng), áo bà ba (mặc lót trong cùng), áo dài trắng (áo nền), áo the (lớp ngoài cùng), quần trắng ống to.
“Nếu đi dạy trên giảng đường thì tôi mặc áo dài đen và mang guốc mộc, bởi vì chiếc áo này vốn là trang phục lễ nghi nên màu tối sẽ giảm đi sự căng thẳng của sinh viên hay những người tương tác với mình.
Màu đen có phần mộc mạc sẽ mang lại sự thân thiện kèm theo chiếc guốc mộc, tạo nên hình ảnh dễ thương, không quá cầu kỳ”, thầy Quang chia sẻ.
Tuy nhiên, khi tiếp khách ngoại giao hoặc dự lễ hội của các nước khác thì thầy sẽ chọn áo dài màu sặc sỡ hơn. Theo lời thầy Quang, “Lúc ấy, tôi muốn mang lại một hình ảnh phong phú, sắc màu đẹp, một sự tươi mới của văn hóa truyền thống Việt Nam chúng ta đến với bè bạn quốc tế.
Đồng thời, thay vì mang guốc mộc thì tôi mang giày tây bởi theo nhiều nền văn hóa, người ta hạn chế việc lộ chân trần ra bên ngoài. Việc mặc trang phục truyền thống với sắc màu tươi sáng kèm theo sự đầu tư về phụ kiện thì bạn bè quốc tế sẽ nhìn nhận mình với thái độ trang trọng, họ sẽ cảm nhận được tình cảm, thái độ của mình có đóng góp cho hoạt động của họ”.
“Trong những sự kiện quốc tế ấy, trang phục ấy được chú ý nhiều hơn thì tôi cảm nhận hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam đã được truyền tải một cách tự nhiên nhất đến bạn bè quốc tế. Lúc đó tôi cảm thấy tự hào bởi có sự nhận diện của khách quốc tế về trang phục của đất nước mình”, thầy Quang tâm sự.
Sinh viên nghĩ gì?
Dương Thái Ny, sinh viên lớp Trung Quốc học Khoa Đông Phương học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM chia sẻ: “Từ khi học cấp 1 đến cấp 3 em chỉ thấy hình ảnh giáo viên nữ mặc áo dài, còn giáo viên nam mặc đồ tây. Nên khi lên đại học và gặp thầy Quang mặc áo dài, em rất bất ngờ.
Thật ra chiếc áo dài của thầy rất nóng, một số phòng học của trường em lại không có máy lạnh đôi lúc thầy dạy nóng đổ nhiều mồ hôi, tuy nhiên thầy luôn vui vẻ giảng dạy cho chúng em. Sau khi dần quen với hình ảnh thầy mặc áo dài dân tộc thì em lại cảm thấy thầy truyền lòng tự tôn dân tộc lên rất nhiều”.
Nữ sinh này cũng cho biết: “Khi thầy mặc áo dài, em có thể nhìn thấy sự chỉnh chu của thầy trong từ hành động, lời nói, ánh mắt. Điều đó cho em thấy hình ảnh người thầy rất cao cả và đáng quý, bản thân chúng em sẽ cố gắng hơn học hơn nữa. Biết đâu trong tương lại, em cũng có thể trở thành những giáo viên, giảng viên và đưa những hình ảnh truyền thống dân tộc tốt đẹp này cho thế hệ sau”.