Nghệ An:
Thầy giáo lên chức ông ngoại vẫn chưa... được vào biên chế
(Dân trí) - 52 tuổi đời, 22 năm tuổi nghề, con gái đã lập gia đình và sinh con nhưng đến nay thầy H. (một giáo viên trường Tiểu học huyện Yên Thành, Nghệ An), vẫn chưa được biên chế.
"Báo chí viết nhiều, truyền hình đã quay và nhiều lần làm việc với cơ quan chức năng nhưng có thay đổi được gì đâu. Tôi lên chức ông ngoại rồi nhưng vẫn đang đi dạy hợp đồng đây chú", thầy H. mở đầu câu chuyện với phóng viên sau buổi tan trường.
Thầy kể, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thể dục thể thao Đà Nẵng, năm 2001, thầy H. xin về dạy tại trường tiểu học ở huyện Yên Thành công tác, cho đến nay đã hơn 20 năm.
"Tôi là người có tuổi đời, tuổi nghề lâu nhất huyện, mỗi khi nhắc đến hai từ "biên chế" là ao ước lắm. Tiền lương hợp đồng hàng tháng quá ít ỏi, sau khi lập gia đình rồi lần lượt 3 đứa con ra đời nên gặp rất nhiều khó khăn", thầy H. chia sẻ.
Vợ thầy H. không có việc làm, chỉ dựa vào mấy sào ruộng. Trong khi đó, lúc mới ra trường năm 2001, mức lương chỉ mới hơn 200.000 đồng/tháng. Sau hơn 20 năm công tác, nay cũng chỉ được hơn 2 triệu đồng/tháng. Để phụ giúp vợ làm kinh tế để nuôi con, ngoài thời gian giảng dạy, thầy H. tranh thủ làm nhiều công việc khác nhau để mong có thêm thu nhập.
"Những ngày đầu đi làm thuê, tôi thấy rất mặc cảm vì lo bị đồng nghiệp hoặc phụ huynh bắt gặp. Nhưng rồi tự động viên mình cố gắng để chu toàn công việc ở trường và nhà", thầy H. nhớ lại .
Để có hy vọng vào biên chế, thầy H. tranh thủ học lên trình độ đại học. Mỗi khi có đợt tuyển dụng, thầy đều làm hồ sơ thi tuyển với mong mỏi năm nay sẽ đến lượt mình. Nhưng chờ đợi... cả thanh xuân, đến giờ thầy vẫn là giáo viên hợp đồng.
Buồn và thất vọng, thầy H. nhiều lần định bỏ việc để đi xuất khẩu lao động hoặc tìm một công việc khác để làm thế nhưng chỉ cần đứng trước học sinh mỗi giờ lên lớp, thầy dường như quên hết mọi nỗi lo âu. Nhiều khi ngẫm nghĩ, thầy cũng thấy mình thiệt thòi nhưng không biết phải làm như thế nào nữa.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ tiêu cực, bên ngoài lớp học tôi là một nông dân nhưng khi đứng trên bục giảng tôi hãnh diện là một người thầy", thầy H. vui vẻ cho biết.
Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Yên Thành cho biết, trường hợp thầy H. rất đặc biệt. Năm nay thầy đã 52 tuổi và đi dạy hơn 20 năm rồi. Việc thầy chưa được vào biên chế thì phía phòng không quyết định được, hy vọng trong đợt thi tuyển đặc cách lần sau thầy sẽ được vào.
Theo lãnh đạo Phòng Nội vụ, huyện Yên thành là một trong những đơn vị có số giáo viên hợp đồng trường, huyện nhiều nhất tỉnh Nghệ An. Từ năm 2015 đến nay, huyện đã từng bước tuyển dụng số hợp đồng trên vào biên chế và vào hợp đồng được nhà nước cho phép. Cụ thể, tuyển 62 giáo viên mầm non, 45 tiểu học, 8 công tác đội trường tiểu học, 21 nhân viên (mầm non, tiểu học, THCS) và 2 giáo viên THCS (tốt nghiệp đại học loại xuất sắc được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý thu hút nhằm tạo nguồn giáo viên chủ chốt).
Bên cạnh đó, huyện đã tuyển dụng 258 giáo viên mầm non hợp đồng theo Thông tư 09 và Nghị định 06/CP. Trong số này, có 24 giáo viên hợp đồng cấp tiểu học, 45 giáo viên hợp đồng ở THCS chuyển xuống dạy mầm non. Những giáo viên hợp đồng này được hưởng chế độ, quyền lợi về lương, phụ cấp tương đương như viên chức.
Kết quả tại kỳ tuyển dụng đặc cách giáo viên tiểu học năm 2021 thì có 61/144 giáo viên đủ điều kiện vào biên chế.
Được biết, quá trình công tác, bản thân thầy H. đã có nhiều thành tích trong giảng dạy, công tác Đoàn - Đội. Nhiều năm liền có học sinh đoạt giải ở các Hội khỏe Phù Đổng, được tặng thưởng giấy khen của nhà trường...
Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý thế nhưng cuộc sống thì "có thực mới vực được đạo". Đi dạy hơn 20 năm với mức lương hiện tại chỉ 2,2 triệu đồng/tháng khiến cho cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lúc thầy H. thấy hổ thẹn với gia đình, đồng nghiệp.
"Ở trường đang dạy con của học trò, ở nhà lên chức ông ngoại rồi nhưng tôi vẫn đang là một giáo viên hợp đồng. Nhiều khi nghĩ lại con đường mình trải qua tôi rất buồn. Hy vọng những đồng nghiệp sau này phải có tính toán, cân nhắc thật kỹ lượng khi chọn nghề", thầy H. buồn bã nói.