Nghệ An:

Thầy dạy 20 năm chưa biên chế, lương 2,5 triệu đồng, chở gas để kiếm sống

Nguyễn Tú

(Dân trí) - Thầy Trình có gần 20 năm gắn bó với ngành giáo dục, nhận bằng khen của Bộ trưởng nhưng vẫn chưa được vào biên chế. Ngoài thời gian giảng dạy, thầy tranh thủ làm thợ điện, vận chuyển bình gas...

Đó là câu chuyện dài và buồn của thầy giáo Nguyễn Duy Trình (SN 1978) - giáo viên Trường Tiểu học Hùng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.

Sau nhiều lần hẹn, tôi mới có dịp ngồi trò chuyện với thầy Trình. Thầy kể, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thể dục thể thao Đà Nẵng, năm 2004, thầy Trình xin về Trường Tiểu học Hùng Thành, huyện Yên Thành công tác cho đến nay.

Thầy dạy 20 năm chưa biên chế, lương 2,5 triệu đồng, chở gas để kiếm sống - 1

Thầy giáo Nguyễn Duy Trình - Giáo viên Trường Tiểu học Hùng Thành.

Từ 2005 đến 2014, thầy làm Bí thư Đoàn trường, kiêm Ban chấp hành Đoàn xã Hùng Thành. Vừa đi làm, thầy Trình vừa nâng cao trình độ, hoàn thiện chương trình đại học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

"Thời điểm tôi mới ra trường năm 2004, mức lương chỉ mới 210.000 đồng/tháng. Sau quá trình công tác, bản thân tôi được hưởng 85% mức lương bậc 1 và được duy trì cho đến nay, tính ra chỉ được 2,5 triệu đồng/tháng.

Thu nhập không đảm bảo cho cuộc sống nhưng vì yêu nghề nên tôi luôn cố gắng, nỗ lực từng ngày", thầy Trình buồn bã cho biết.

Để đảm bảo được cuộc sống của bản thân và gia đình, ngoài thời gian giảng dạy, thầy Trình tranh thủ làm nhiều các nghề khác để mong có thêm thu nhập.

Thầy dạy 20 năm chưa biên chế, lương 2,5 triệu đồng, chở gas để kiếm sống - 2

Trường Tiểu học Hùng Thành, huyện Yên Thành - nơi thầy Trình gắn bó gần 20 năm.

"Đi làm thợ điện, nước, chở bình gas, dạy bơi cho học sinh ở các trung tâm…, nghề gì cũng làm miễn sao có thêm thu nhập. Nếu chỉ nhìn vào đồng lương thì tôi không thể nuôi nổi gia đình", thầy Trình trải lòng.

Cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Thành cho biết, do cuộc sống quá chật vật nên từ khi lập gia đình đến nay, vợ chồng thầy cùng hai con vẫn tá túc trong căn nhà nhỏ của bố mẹ đẻ. Cuộc sống khó khăn nhưng thầy Trình vẫn luôn cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

"Thầy Trình là một người rất nhiệt huyết, giỏi về nghiệp vụ. Tôi rất tiếc cho bản thân thầy Trình vì đã gần 20 năm công tác nhưng chưa được vào biên chế. Nếu ở một môi trường khác thì năng lực của thầy được ghi nhận và phát triển hơn. Ở trường, Ban giám hiệu, đồng nghiệp và học trò rất yêu quý thầy", cô Nga cho biết thêm.

Thầy dạy 20 năm chưa biên chế, lương 2,5 triệu đồng, chở gas để kiếm sống - 3

Năm 2019, thầy được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì có hành động dũng cảm cứu người bị nạn thoát khỏi đuối nước.

Bản thân thầy Trình đã có nhiều thành tích trong giảng dạy, công tác Đoàn - Đội. Điển hình, năm 2019, thầy được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì có hành động dũng cảm cứu người bị nạn thoát khỏi đuối nước; năm 2020, được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen về thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi đạt giải Nhất tại Hội khỏe Phù Đổng lần thứ XIX. Bên cạnh đó, thầy còn được UBND tỉnh Nghệ An tặng nhiều giấy khen, bằng khen vì có những cống hiến cho ngành giáo dục.

Mặc dù có thâm niên công tác, có nhiều thành tích nhưng đến nay, sau gần 20 năm giảng dạy, qua nhiều đợt xét tuyển vào biên chế nhưng đến nay, thầy vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng huyện.

"Trong thời gian đang làm Bí thư Chi đoàn trường và Ủy viên Ban chấp hành Đoàn xã Hùng Thành, tôi đã tham gia 2 đợt xét tuyển đặc cách dành cho cán bộ Đoàn Đội nhưng không đạt. Năm 2022, tôi tham gia tuyển đặc cách giáo viên môn thể dục. Khi đăng ký có 10 người (chỉ tiêu chỉ lấy 5 người), có 2 người bỏ thi nhưng tôi vẫn... trượt", thầy Trình nhớ lại.

Thầy dạy 20 năm chưa biên chế, lương 2,5 triệu đồng, chở gas để kiếm sống - 4

Thầy Trình tranh thủ thời gian rảnh rỗi để chở bình gas, dạy bơi... kiếm thêm thu nhập.

Với mức sống như hiện nay, lương 2,5 triệu đồng/tháng thì may ra chỉ đủ tiền xăng xe chứ không có dư. Bản thân thầy Trình cũng thấy hổ thẹn với gia đình, bạn bè nên cố gắng đi làm thêm để kiếm thu nhập cho gia đình.

"45 tuổi đời, gần 20 năm tuổi nghề, nếu lập gia đình sớm thì bây giờ có lẽ tôi đã lên chức ông rồi. Biết là trân trọng con đường đã lựa chọn nhưng với mức sống như hiện nay chắc tôi không thể theo đuổi nghề giáo được nữa", thầy Trình chua xót nói.