Thất nghiệp vì hiểu sai về thợ, thầy

(Dân trí) - Năm 2014, ngành dạy nghề sẽ tuyển sinh hơn 1.750.000 học sinh, trong đó hệ Trung cấp và Cao đẳng nghề cần hơn 200.000 học sinh. Trao đổi với PV Báo Dân trí, ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề - cho rằng nhiệm vụ này không dễ thực hiện vì có nhiều khó khăn.

 Học viên nghề nấu ăn rất dễ kiếm việc làm tại các khách sạn, nhà hàng.
 Học viên nghề nấu ăn rất dễ kiếm việc làm tại các khách sạn, nhà hàng.

<?> Những lo lắng của ông trong tuyển sinh nghề năm 2014 là gì?

- Để đạt được con số hơn 200.000 học sinh hệ trung cấp - cao đẳng nghề là điều không dễ. Nhà nước vừa điều chỉnh theo hướng cởi mở hơn với tuyển sinh đại học năm 2014: Điểm sàn được thiết kế tới 3 mức khác nhau, nhiều trường đại học được ra đề thi riêng, tiến tới bỏ thi 3 chung…Điều này khiến học sinh vào đại học nhiều hơn. Đặc biệt là các trường đại học hệ dân lập sẽ tuyển được nhiều học sinh, kể cả học sinh học lực kém.

<?> Nhiều năm nay, việc tuyển sinh còn khó vì tâm lý của các bậc phụ huynh ngại cho con em mình đi vào con đường học nghề, ông nghĩ sao về điều này?

- Cần thay đổi nhận thức về việc chỉ vào đại học mới oai và dễ kiếm việc làm tốt. Điều này xuất phát từ tâm lý trọng bằng cấp cố hữu trong nhiều người. Tâm lý bằng cấp ở mức độ nào đó còn ảnh hưởng cả tới việc lấy vợ, lấy chồng của bạn trẻ. Vì tâm lý sai này, nhiều cử nhân đại học phải ngậm ngùi quay về học nghề để có việc làm.

Nhiều người vẫn cho rằng học nghề để ra làm công việc cơ bắp. Theo sự phát triển của xã hội, thực tế đã khác. Nhiều nghề trung cấp - cao đẳng đã có sự thay đổi đáng kể từ kỹ năng cơ bắp sang kỹ năng trí tuệ.

Ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề.
Ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề.

Đơn cử như cắt gọt kim loại. Khi xưa, người công nhân phải đứng cạnh máy tiện, phay, bào để thực hiện thao tác từng chi tiết nhỏ. Nhưng nay họ có thể sử dụng các nút bấm để lập trình và máy sẽ tự động thực hiện. Môi trường làm việc đã hiện đại và có thể làm việc trong phòng máy lạnh.

Tất nhiên, hệ thống trung cấp nghề vẫn có các công việc gắn với thực địa (công nhân xây dựng, công nhân hầm lò) nhưng chương trình đào tạo hiện mở rộng tới hơn 450 nghề với nhiều lựa chọn hấp dẫn, như: Nấu ăn, cắt may, dịch vụ nhà hàng, quản trị resort...

Điều quan trọng hơn, các bậc phụ huynh nên lưu ý là học sinh học nghề xong dễ có việc làm với thu nhập không thấp hơn trình độ ĐH.

<?> Không chỉ vấn đề nhận thức, nhiều chuyên gia cho rằng công tác phân luồng hướng nghiệp chưa tốt cũng ảnh hưởng tới việc tuyển sinh học nghề, thưa ông?

- Công tác hướng nghiệp ở Việt Nam đã làm nhiều năm, nhưng hiệu quả không cao và mang nhiều tính đối phó, chưa bám sát tình thực tế. Quan sát công tác dạy nghề ở nhiều quốc gia phát triển, tôi nhận thấy tâm lý chung của người học đều không chủ động chọn học nghề. Nhưng ở đó, Nhà nước với vai trò điều tiết và đánh giá đúng nhu cầu hợp lý của nguồn nhân lực nên can thiệp vào việc phân luồng khá rõ nét.

Theo đó, họ điều chỉnh số lượng học sinh từ THCS lên THPT chỉ khoảng 25%. Số còn lại là không có con đường nào khác là học nghề. Nhưng học nghề ở đó lộ trình học lên đại học theo hình thức đại học thực hành.

Trong khi đó, ở Việt Nam việc điều chỉnh này còn chung chung. Nghị quyết Trung ương 2 năm 1998 đã chỉ rõ về phân luồng học sinh sau THCS vào học nghề mục tiêu tới năm 2020, cụ thể số lượng học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề đạt 30%, nhưng hiện chỉ có khoảng 3%!

 Học nghề đâu chỉ có nghề cần tới cơ bắp
 Học nghề đâu chỉ có học các nghề cần tới cơ bắp

<?> Nhiều ý kiến e ngại vì học sinh trường nghề vẫn bị nhiều doanh nghiệp phàn nàn về chất lượng, thưa ông?

- Tôi đã tiếp cận nhiều với các doanh nghiệp sử dụng lao động học nghề của Việt Nam. Đa số các doanh nghiệp phàn nàn về kỹ năng mềm của học sinh kém, chứ không phải tay nghề chuyên môn.

Nhiều học sinh nghề còn kém về tác phong công nghiệp, kỹ năng giao tiếp, làm việc trong đội tổ, kỹ năng hợp tác. Đây là điều mà nhiều trường nghề đã biết và đang cố gắng điều chỉnh trong thời gian tới.

Đứng về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lớn đã chủ động liên kết với các trường, trang bị hệ thống dây chuyền sản xuất nhằm giúp học sinh có điều kiện tiếp cận với môi trường làm việc, các kỹ năng mềm.

Nhiều doanh nghiệp còn liên hệ với các trường nghề để mời học sinh tới thực tập. Học sinh có năng lực khá thậm chí còn được trả lương. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp đang quá cần lao động có tay nghề.

 Học nghề đâu chỉ có nghề cần tới cơ bắp
 Thợ nghề kỹ thuật lương khởi điểm từ 3,5-4,5 triệu đồng/tháng, không thua kém cử nhân mới ra trường với hệ số lương 2,34.

<?> Để phục vụ cho tuyển sinh năm 2014 - 2015, Tổng cục Dạy nghề sẽ có điểm mới gì, thưa ông?

- Tổng cục Dạy nghề đã triển khai kế hoạch tới đầu mối dạy nghề của 63 tỉnh, thành và các bộ, ngành địa phương. Qua đó, tác động tới kế hoạch tuyển sinh của 65 trường CĐ nghề, 306 Trung cấp nghề và 836 Trung tâm dạy nghề. Điểm mới của kế hoạch không không đầu tư tràn lan, bám sát nhu cầu nghề đào tạo thực tế.

Cụ thể, trong một trường nghề, chúng tôi khảo sát nghề nào có nhiều học sinh dự tuyển thì để tiếp tục tuyển sinh, nghề nào nhiều năm qua ít hoặc không có học sinh thì cho dừng. Việc làm này sẽ hạn chế tình trạng tuyển sinh không theo nhu cầu thực tế, tránh lãng phí các nguồn và thời gian.

Đồng hành cùng các trường nghề, Tổng cục Dạy nghề phát hành cuốn thông tin tuyển sinh tới các trường nghề trong toàn quốc, mở chuyên trang tuyển sinh đăng tải thông tin hỗ trợ các trường.

Nhằm hỗ trợ cho tuyển sinh các năm về sau, Tổng cục Dạy nghề lần đầu tiên sẽ công bố 1 bộ số liệu dạy nghề xác thực tới từng trường học trên cơ sở khảo sát thực tế, loại bỏ việc báo cáo 1 chiều. Dự kiến, bộ số liệu này sẽ được công bố vào cuối năm nay. Qua đó, ngành sẽ có số liệu tuyển sinh sát thực. Chúng tôi cũng đề xuất những điều chỉnh về Luật Dạy nghề như học sinh tốt nghiệp THCS chuyển đi học nghề sẽ được miễn 100% học phí, thay cho 50% như hiện nay.

Hoàng Mạnh thực hiện


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm