Vì sao người thất nghiệp chê học nghề?

Ngoài trợ cấp thất nghiệp, mục tiêu đặt ra của Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là sớm đưa NLĐ quay trở lại thị trường lao động bằng cách giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề. Tuy nhiên qua 4 năm triển khai, NLĐ chỉ chú trọng đến khoản trợ cấp thất nghiệp.

Tại hội thảo về BHTN do Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức vừa qua tại TPHCM, các đại biểu đều cho rằng, cần phải thay đổi các chính sách BHTN, đặc biệt là chính sách về học nghề để BHTN thực sự đi vào đời sống.
 
Hiện nay, số lượng người đăng ký thất nghiệp cao, nhưng số lượng người học nghề lại ít.
Hiện nay, số lượng người đăng ký thất nghiệp cao, nhưng số lượng người học nghề lại ít.

 

Học nghề xong chưa chắc đã có việc mới

Bà Ngô Thị Loan cho rằng, BHTN của Việt Nam chưa mở rộng tới nhóm LĐ làm việc trong khu vực phi chính thức; không có chương trình nào đáp ứng yêu cầu của tất cả NLĐ. BHTN cũng đang bỏ qua lao động với hợp đồng lao động dưới 12 tháng và người sử dụng lao động có số lao động dưới 10 người...Việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra BHTN để hạn chế việc lợi dụng quỹ BHTN là cần, nhưng phải làm sao để không gây phiền hà cho NLĐ.  

 

Qua 4 năm triển khai, NLĐ có tâm lý chú trọng đến khoản trợ cấp thất nghiệp (TCTN) mà không quan tâm đến học nghề, thể hiện ở chỉ tiêu chi hỗ trợ học nghề hằng năm rất thấp. Trong báo cáo kết quả thu - chi, quản lý quỹ BHTN của BHXH Việt Nam báo cáo tại hội thảo, năm 2012 số tiền TCTN cho NLĐ mất việc là hơn 2.000 tỉ đồng, trong khi đó số tiền để hỗ trợ học nghề là hơn 2 tỉ đồng - chiếm 0,086% so với tổng số chi BHTN (năm 2011 là 0,05% và năm 2010 là 0,033%). Tại TPHCM, trong khi số tiền chi TCTN là 1,5 ngàn tỉ đồng, số tiền chi hỗ trợ học nghề là 195 triệu đồng, Bình Dương, số tiền chi trả TCTN là 358 triệu đồng, hỗ trợ học nghề là 388 triệu...

 

Hiện nay, khi NLĐ đăng ký học nghề sẽ được hỗ trợ tối đa 300.000 đồng/tháng và không quá 1 năm cho tất cả các nghề. Ông Cao Văn Sang - GĐ BHXH TPHCM - phân tích: “90% số đối tượng hưởng TCTN là LĐ phổ thông. Trong khi các nghề được dạy ở các trung tâm dạy nghề hiện nay chủ yếu nhóm nghề giản đơn như may, dệt, cao hơn là cơ khí, điện... Hoàn tất khóa học, NLĐ sẽ đạt trình độ sơ cấp.

 

Với trình độ sơ cấp đó, NLĐ khi tới DN làm việc lương có cao hơn trước không? Trong khi nếu một CN may không học nghề, họ xin vào Cty làm việc, Cty vẫn đào tạo nghề cho họ, họ vẫn có lương. Ở nước ngoài, NLĐ học nghề mới khi nghề của họ xã hội không cần hoặc NLĐ học nghề là để nâng cao trình độ, để khi quay lại thị trường lao động họ nhận được một mức lương cao hơn”.

 

Ông Huỳnh Ngọc Long - GĐ Trung tâm Giới thiệu việc làm Đồng Nai - thừa nhận, nhiều NLĐ muốn học nghề mới để chuyển nghề, nhưng với thời gian học không quá 1 năm thì việc học đó không có tác dụng. NLĐ không “chê” học nghề, mà vì chính sách hiện nay chưa phù hợp. NLĐ học nghề cũng chấp nhận thực tế là học để biết thêm. Cho mình thêm một hướng lựa chọn, còn có tìm được việc làm hay không, lương cao hơn nghề cũ hay không cũng không đảm bảo được.

 

Ông Nguyễn Thanh Hòa - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - cho rằng, một trong những nguyên nhân làm chính sách hỗ trợ học nghề không đi vào đời sống chính là công tác dự báo nhu cầu thị trường việc làm chưa tốt nên không định hướng, tư vấn nghề thỏa đáng cho NLĐ.

 

Còn nhiều bất cập

 

Tại khoản 2, điều 56, dự thảo Luật Việc làm lần 6 thì thời gian hỗ trợ, phát triển kỹ năng nghề không quá 6 tháng, ông Huỳnh Ngọc Long cho rằng, khoản này càng gây khó cho NLĐ. Theo ông Long, cần ít nhất là 12 tháng, mức hỗ trợ học nghề cho NLĐ cũng cần được nâng lên thì việc học nghề mới “ra ngô ra khoai”.

 

Để đảm bảo mục tiêu đưa NLĐ trở lại thị trường, ông Nguyễn Văn Xê - Phó GĐ Sở LĐTBXH TPHCM - cho rằng, tại điều 44 dự thảo Luật Việc làm cần quy định điều kiện hưởng: DN, cơ quan, tổ chức cá nhân nơi NLĐ làm việc cần có phương án sử dụng LĐ khi thay đổi cơ cấu công nghệ hoặc tổ chức dẫn đến nhiều NLĐ mất việc làm, cần cam kết duy trì việc làm nếu NLĐ được bồi dưỡng nâng cao tay nghề. Điều 45 cần làm rõ quy định trách nhiệm của NLĐ, người sử dụng lao động trong việc thực hiện các hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, trách nhiệm của giám đốc trung tâm dịch vụ việc làm công là tư vấn hướng dẫn, giám sát việc thực hiện hợp đồng đào tạo.

 

“Mở rộng khái niệm đào tạo nghề theo hướng nâng cao trình độ tay nghề cho NLĐ. Đào tạo nghề phải đảm bảo chất lượng học nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, giúp NLĐ tự tin quay lại thị trường thì việc đào tạo nghề mới thành công.” - bà Ngô Thị Loan - điều phối viên quốc gia về BHTN, Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam - nhấn mạnh.

 

Theo Lê Tuyết

Lao động