Mục đích chính của bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhằm bù đắp một phần thu nhập của NLĐ bị mất việc làm, đặc biệt hỗ trợ LĐ thất nghiệp học nghề, tìm việc làm. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Cục Việc Làm (Bộ LĐ-TB&XH), tính từ 1/1/2010 đến 20/9/2012 số người đăng ký thất nghiệp đã lên tới 912.856 người, số người thất nghiệp có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 766.106 người, nhưng số người được hỗ trợ học nghề chưa đến 4000 người.
Trong khi đó, thực chất BHTN không phải là biện pháp giải quyết hậu quả của thất nghiệp một cách thụ động mà là một chính sách của thị trường lao động tích cực. Chính vì vậy, bên cạnh việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, BHTN còn nhằm mục đích nâng cao năng lực nghề nghiệp cho NLĐ, tuy nhiên, số LĐ hỗ trợ việc làm trong 4 năm quá ít ỏi.
Trước thực trạng này, ông Lê Quang Trung, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, các nhà quản lý cũng đang “ đau đầu” các giải pháp để khắc phục. Mặc dù các Trung tâm đều rất tạo điều kiện cho NLĐ học nghề nhưng số lao động có nguyện vọng được hỗ trợ học nghề không nhiều.
Nguyên nhân do NLĐ thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông trong khi đó nhu cầu lao động phổ thông ở nước ta rất lớn, nên NLĐ dễ tìm kiếm việc mới sau thất nghiệp. Bên cạnh đó, do thời gian học nghề theo quy định quá ngắn cộng với khoản tiền hỗ trợ 300 ngàn đồng thấp nên đã không khiến NLĐ mặn mà với học nghề.
Mới đây, để khuyến khích NLĐ học nghề sau thất nghiệp, Bộ LĐTB & XH đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP, trong đó quy định mức hỗ trợ học nghề sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Đồng thời, Bộ LĐTB & XH cũng đang dự thảo Quyết định về mức hỗ trợ học nghề để trình Chính phủ, trong đó mức hỗ trợ học nghề hàng cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định cao hơn trước đây nhằm tạo điều kiện hơn nữa để NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia học nghề. Theo ông Trung, khi Nghị định này được phê duyệt, chắc chắn số lao động đăng ký học nghề sẽ tăng.
Trước thông tin do kinh tế khó khăn một số DN “bắt tay” với NLĐ để trục lợi từ tiền BHTN. Ông Trung khẳng định: chưa phát hiện trường hợp nào. “Chuyện này rất khó xảy bởi ra ngay từ khi Luật BHTN được triển khai, Bộ LĐ-TB&XH đã chuẩn bị các tình huống, khả năng trục lợi BHTN như: NLĐ và chủ sử dụng lao động thông đồng để làm các thủ tục thôi việc để hưởng BHTN, nhưng thực tế vẫn làm việc tại DN; NLĐ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp đã có việc làm nhưng vẫn nộp hồ sơ và hưởng trợ cấp thất nghiệp…và yêu cầu các Sở LĐ-TB&XH, các Trung tâm giới thiệu việc làm phát hiện các hành vi trục lợi BHTN”- ông Trung cho biết.
Phạm Thanh