Thanh tra kết quả “kiểm định chất lượng giáo dục” ở một số trường đại học

(Dân trí) - Ngay trong tháng 5 này, Thanh tra Bộ GD&ĐT thực hiện thanh tra, kiểm tra một số cơ sở giáo dục đại học đã được cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục và một số Trung tâm kiểm định chất lượng.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, kiểm định chất lượng giáo dục là nhiệm vụ quan trọng được đề cập rất đậm nét trong Luật Giáo dục đại học. Hoạt động kiểm định nhằm đảm bảo việc quản lý của nhà nước, đảm bảo việc tự chủ của các cơ sở giáo dục và trách nhiệm đi theo đó là giải trình.

Hiện nay, cả nước có 5 Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Thời gian qua, các trung tâm đã nỗ lực thực hiện kiểm định chất lượng nhiều trường đại học và một số chương trình giáo dục. 

Chủ trương của Bộ GD&ĐT sắp tới sẽ làm rất mạnh về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và sẽ có thêm những tổ chức kiểm định độc lập (theo Luật GD ĐH sửa đổi).

Việc kiểm định chất lượng không chỉ là vấn đề mới với các trường mà còn mới với các trung tâm kiểm định chất lượng.

Theo đó, trách nhiệm quản lý của Bộ GD&ĐT là ban hành những văn bản hướng dẫn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục.

Từ cách tiếp cận như vậy, Bộ GD&ĐT đã đưa kế hoạch thanh tra năm 2019 là thanh tra 1 số trung tâm kiểm định và một số cơ sở giáo dục đã được kiểm định chất lượng giáo dục nhằm kịp thời phát hiện ra những điểm tốt để nhân rộng và những điểm chưa tốt để chấn chỉnh; đồng thời rà soát lại trong văn bản chỗ nào chưa đầy đủ và chưa rõ ràng để kịp thời sửa đổi.

Thanh tra kết quả “kiểm định chất lượng giáo dục” ở một số trường đại học - 1

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT

Việc thanh tra, kiểm tra này sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?

Mục đích của việc thanh tra, kiểm tra này là đánh giá cách triển khai tổ chức, kết quả kiểm định ở một số trường đại học xem có đúng quy định của pháp luật không?, kết quả có khách quan, có phù hợp không? ...những tiêu chí đặt ra như vậy có sát với phát triển thực tế của các trường đại học không?

Đặc biệt, để phòng ngừa, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm trong cách tổ chức không đúng quy trình, những tiêu chí không đúng, minh chứng không đầy đủ, không khách quan…ở kết quả kiểm định.

Nếu không kịp thời chấn chỉnh thì việc kiểm định mặc dù đạt kết quả nhưng thực chất không đạt được kết quả như vậy sẽ ảnh hưởng, bất lợi đến chất lượng nói chung cũng như quyền lợi của các trường nói riêng.

Những trường đại học khi thanh tra, kiểm tra không đạt chuẩn chất lượng, không đạt đúng các tiêu chí đề ra có bị tước giấy phép chứng nhận kiểm định chất lượng không?

Hiện nay chưa có cơ chế tước giấy phép chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục, vậy nên vấn đề này cần phải điều chỉnh.

Thanh tra, kiểm tra ở đây không phải là kiểm định lại mà kiểm tra theo quản lý, cách làm chứ không đánh giá chuyên môn vì kết quả kiểm định phải có hội đồng.

Giả sử, cơ sở giáo dục này gian lận để có kết quả tốt, trung tâm kiểm định lại không nghiêm túc trong khi làm thì phải có chế tài xử phạt.

Đây là một vấn đề hiện nay mà Luật chưa quy định rõ. Từ kết quả thanh tra, kiểm tra, có thể rút ra những kiến nghị, những quy định pháp luật còn hổng, còn thiếu để bổ sung.

Sau khi có kết luận, Bộ GD&ĐT có công khai những trường có “gian lận” trong kiểm định, những trung tâm thực hiện kiểm định không nghiêm túc không thưa ông?

Quan điểm của tôi là luôn công khai và tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Trân trọng cám ơn ông!

Được biết, giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng giáo dục công nhận đơn vị đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dụcKĐCLGD), có giá trị trong 5 năm.

Theo Nghị định 73/2015/NĐ-CP ngày 08/9/2015 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, kết quả KĐCLGD được coi là một trong các điều kiện để thực hiện phân tầng, xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.

Hiện nay, cả nước có 236 cơ sở GDĐH với tổng quy mô đào tạo là hơn 1,7 triệu sinh viên, hơn 106.500 học viên cao học và hơn 14.600 nghiên cứu sinh. Kết quả kiểm định chất lượng, tính đến ngày 31-8-2018, cả nước có 124 trường ĐH được đánh giá ngoài (chiếm 51,9% trong tổng số các trường ĐH), trong đó, 117 trường ĐH được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.

 Để nâng cao chất lượng, tiếp cận chuẩn khu vực, Bộ GD và ĐT đã đổi mới, ban hành Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT về kiểm định thay thế quy định cũ. Trong đó, quy định 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí đánh giá các trường ĐH, trên cơ sở chuẩn kiểm định mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường ĐH ASEAN (AUN-QA). (Quy định cũ là 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí đánh giá trường ĐH).

Hiện, cả nước đã có 5  trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, Hiệp hội các trường đại học - cao đẳng Việt Nam, ĐH Đà Nẵng và Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - trường Đại học Vinh.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm