“Tết thầy” đang ngày càng biến tướng

(Dân trí) - PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, "mùng 3 Tết thầy" là nét đẹp truyền thống nhưng trong xã hội hiện đại, nó đang dần bị biến tướng.

Truyền thống tốt đẹp

Trong buổi trò chuyện đầu xuân cùng PV Dân trí, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, “Mùng 3 Tết thầy” xưa và nay đã có nhiều thay đổi.

Theo chuyên gia văn hóa này, "tết thầy" trong câu ca dao xưa nay nhằm nói về công cha nghĩa mẹ ơn thầy, giúp thế hệ sau biết ơn sinh thành, dưỡng dục làm người của đấng sinh thành, giúp trở thành người có nhân cách.

Đây là biểu hiện ứng xử có tính đạo đức, đạo lý. Ứng xử văn hóa là biết ơn những người giáo dục mình, là thầy giáo mình. Đó là truyền thống văn hiến của dân tộc. Có lẽ chỉ từ khi có việc giáo dục, "tết thầy" không chỉ dành cho việc dạy/học chữ mà “thầy” ở đây còn nói về những người dạy nghề, thợ mộc hay thợ may…

Theo tác giả Phan Kế Bính viết trong cuốn "Việt Nam phong tục", những ngày như Mùng 1 Tết nhà nội (Tết cha), Mùng 2 Tết nhà ngoại (Tết mẹ) gọi là biếu, khấn vái, quà tết cho họ nội và họ ngoại. Đây không chỉ là cha, mẹ mà là họ nội, ngoại. 

“Mùng 3 Tết thầy” nghĩa là dâng hương, biếu quà. Tác giả Phan Kế Bính có ghi lại rằng: Ngày này, học trò có thúng gạo, một hay đôi gà trống, có thể là bánh đường phèn, bánh đèn lồng đến thăm thầy. Ngày xưa không hẳn chỉ có duy nhất Tết Nguyên đán mà còn có cả ngày Mùng 3/3 (âm lịch), Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch) hay ngày Rằm tháng 7... học trò cũng đến nhà thầy.

Thầy đau ốm hay gia đình thầy có việc hiếu, học trò cũng đến thăm nom giống như người sinh thành ra mình. Như vậy có thể thấy rằng, “Tết của thầy” có thể thay cho việc đóng góp để trả công, trả lương cho thầy.

ong Duc.jpeg

PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

 

Ngày xưa thầy không có lương, có chăng làng xã sẽ tập trung trả thóc gạo, nuôi sống bằng vật chất với người thầy. Tất cả là phong tục xã hội truyền thống của dân tộc mà chủ yếu từ thời Nho học còn thịnh trị.

Tuy nhiên, sau này, việc “tết thầy” đang dần dần khác đi. PGS Lê Quý Đức diễn giải, ở thời kỳ Pháp thuộc, việc ứng xử với người thầy cũng gần như vậy. Thời kì này đã bắt đầu có nhà trường của nhà nước đứng ra tổ chức.

Trong xã hội trung đại, nhà trường là tư thục do thầy đồ, hay do ông nghè, ông cống đứng ra tổ chức. Hoặc có nơi sẽ do gia đình có của đứng ra tổ chức. Họ có thể mời kêu gọi thêm những gia đình khác cùng cho con học ở những trường tư thục như vậy. Thời Pháp thuộc vào còn có hệ thống công lập của nhà nước. Thầy giáo dạy trường Pháp - Việt ăn lương của nhà nước. Cách trả công thầy cũng đã bớt đi.

Sau Cách mạng tháng 8/1945, nhà nước ta làm chủ đất nước tổ chức công lập là chính, thầy giáo ăn lương bằng tiền nhà nước. Đi tết thầy dần dần giảm lược đi, không nặng về ý thức đề cao mùng 1, 2, 3. Thậm chí có nơi không đi đi tết thầy nữa, chỉ có một số gia đình làm tốt truyền thống còn tết thầy giáo.

Tết thầy chỉ quay lại với chúng ta vào thời kỳ đổi mới là chính. Thầy dạy tri thức học vấn văn hóa, thậm chí thầy dạy cả nghề nghiệp. Đó là về cả ý thức, người ta hoài niệm, giữ và phục hồi truyền thống cũ. Thứ hai có thể do đời sống xã hội phát triển cao “phú quý sinh lễ nghĩa” có điều kiện đến thăm thầy.

Tet thay2.jpg

Trong năm cũng nhiều còn ngày lễ khác thầy cô được quan tâm, chứ không chỉ mùng 3 âm lịch.  (Ảnh: Minh họa)

 

Trở thành “tiền trao cháo múc”

Chia sẻ về câu hỏi, thực tế hiện nay việc đi thăm thầy cô giáo không chỉ có ngày Mùng 3 Tết mà còn có ngày 20/11, 8/3 hay 20/10 và nhiều ngày khác nữa. Thay vì phong tục tốt đẹp, “tết thầy” đang dần biến tướng, PGS.TS Lê Quý Đức thừa nhận đây là thực tế.

Tôi có những học trò rất chu đáo, đã tốt nghiệp 10, 20 năm vẫn về thăm thầy ngày Tết. Có cô học trò nghèo, học cao học, ngày Tết biếu tôi giỏ hoa quả và phong bì. Tôi nhận tấm lòng của em nhưng gửi lại quà và nói cuộc sống còn khó khăn, em hãy lo toan cho gia đình trước. 

Thầy hướng dẫn tôi làm luận văn từ hơn 40 năm trước đã mất nhưng đến bây giờ năm nào tôi cũng đến thắp hương cho thầy. Thầy dạy cấp một từ hơn 60 năm trước, tôi vẫn về thăm mỗi dịp nghỉ hè, lễ tết”, PGS Đức chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia này, giáo viên hiện tại có ngày "tết" riêng là 20/11, trong năm cũng nhiều còn ngày lễ khác thầy cô được quan tâm, chứ không chỉ mùng 3 âm lịch. 

Tết thầy hiện tại đặt trong bối cảnh kinh tế thị trường, con người hiểu không đúng sẽ có những biến tướng. Nhiều phụ huynh nghĩ biếu thầy ngày Tết sẽ khiến con được quan tâm hơn. Ít nhiều điều này mang hình thức mua bán bởi thầy làm dịch vụ, còn trò muốn dịch vụ tốt hơn nên "tiền trao cháo múc". Người học, khi đạt được mục đích, sẽ không còn liên lạc hay quan tâm thầy nữa. 

Với một bộ phận thầy cô cũng có tư tưởng nhân dịp tết muốn biếu hơn, cũng có người lợi dụng đòi hỏi điều kiện vật chất, thậm chí đổi tình lấy điểm. Vậy nên, cả hai điều đó đã phần nào làm giảm mất ý nghĩa thiêng liêng của tết thầy. Hiện tượng này trở nên xấu trong xã hội ta hiện nay.

Nếu như ở cơ quan hành chính thì có người quan niệm “tốt lễ dễ kêu, nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Riêng trong ngành giáo dục, PGS Đức cho rằng, tiêu cực thi cử liên quan đến mua bán, tiền nong trước hết là vi phạm đạo đức của người làm thầy, đồng thời cũng là vi phạm pháp luật. Nó ảnh hưởng và phản ánh một mặt nào đó của đời sống xã hội, không lý tưởng hóa nhà trường như pha lê. Hiện tượng tham nhũng, đút lót trong nhà trường cũng có ở một số nơi.

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm