Tết đặc biệt của nữ sinh Huy chương Bạc Olympic Sinh học quốc tế

Mỹ Hà

(Dân trí) - Đây là cái tết đặc biệt của Nguyễn Thị Thu Nga, Huy chương Bạc Olympic Sinh học quốc tế (IBO 2021). Cô sinh viên năm nhất ĐH Y Hà Nội đã từng bật khóc sau khi "đổi màu" huy chương.

Tết đặc biệt vì niềm vui nhân đôi

Cuối tháng 12 vừa qua, tại buổi tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021 do Bộ GD-ĐT tổ chức, có một gương mặt vừa quen, vừa lạ.

Quen bởi đây là lần thứ 2 nữ sinh này được tham gia lễ tuyên dương nhưng khác với năm trước, em này đã "đổi màu" huy chương.

Trong lần đầu tham dự kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế năm 2020, Nguyễn Thị Thu Nga đã đoạt giải Khuyến khích và được đặc cách tham dự vòng 2 kỳ thi năm 2021.

Tại kỳ thi IBO 2021, không chỉ là cuộc so tài với hơn 300 thí sinh của 76 quốc gia và vùng lãnh thổ, mà còn là cuộc đua vượt qua chính mình của cô nữ sinh Phú Thọ.

Chuẩn bị cho lần trở lại Olympic Sinh học, cô đã tập trung ôn chắc kiến thức cơ bản, dành nhiều thời gian học, nghiên cứu thêm tài liệu trên mạng, cũng như bổ sung kỹ năng sử dụng máy tính. Mỗi ngày, Nga chỉ dành 5 - 6 tiếng đồng hồ để nghỉ ngơi.

Tết đặc biệt của nữ sinh Huy chương Bạc Olympic Sinh học quốc tế - 1

Nguyễn Thị Thu Nga được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Ba (Ảnh: NVCC).

Khoảnh khắc tên em có trong danh sách huy chương Bạc IBO 2021, Nga vỡ òa, hạnh phúc. Em rất vui mừng vì mình đã "đổi màu" huy chương.

Những ngày cuối năm 2021, Nguyễn Thị Thu Nga được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Ba vì những thành tích xuất sắc.

Chia sẻ với PV Dân trí những ngày cận Tết Nhâm Dần, tân sinh viên năm nhất ĐH Y Hà Nội Nguyễn Thị Thu Nga cho hay, đây là cái tết đặc biệt của em bởi niềm vui nhân đôi: Vừa "đổi màu" huy chương, vừa là tân sinh viên của ngôi trường đại học mà em từng ao ước.

Được biết sở dĩ Nga chọn Đại học Y Hà Nội bởi chị gái em cũng đang học trường Y. Đặc biệt, được làm bác sĩ, em có thể chữa bệnh và giúp đỡ được nhiều người, trong đó có mẹ và cả cô giáo.

Theo chia sẻ của Thu Nga, em theo ngành Y đa khoa sẽ tốn kém vì thời gian học 6 năm dài hơn các trường khác, chương trình học cũng vất vả hơn nhưng em sẽ khắc phục khó khăn này.

Viết tiếp câu chuyện cổ tích

Thu Nga từng gây xúc động mạnh trong cộng đồng bởi câu chuyện cổ tích hai cô trò. Cô giáo Vũ Thị Hạnh là giáo viên trực tiếp dạy dỗ nhưng đã nhận nuôi em Nguyễn Thị Thu Nga như người mẹ thứ hai.

Gia cảnh học trò Thu Nga khó khăn, bố mất sớm. Mình mẹ Nga làm công nhân với đồng lương khoảng 4 triệu đồng/tháng để nuôi mấy chị em trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ ở huyện Lâm Thao (Phú Thọ).

Năm lớp 9, Nga giành giải Nhất học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học và được tuyển thẳng vào lớp 10 chuyên Sinh của Trường THPT Chuyên Hùng Vương.

Có lẽ vì gia cảnh như vậy, quả thực em đã từ chối vào trường chuyên, cách nhà 20km để có thời gian phụ giúp mẹ.

Tết đặc biệt của nữ sinh Huy chương Bạc Olympic Sinh học quốc tế - 2

Cô giáo Vũ Thị Hạnh và Thu Nga (Ảnh: NVCC).

Theo yêu cầu của lãnh đạo trường, cô Hạnh đến nhà thuyết phục cô học sinh này vào học trường chuyên vì em rất có năng lực.

Khi đó, cô Hạnh nói với em, nếu có khó khăn gì không ở được trường thì về nhà cô, ở với cô.

"Mấy hôm đầu, tôi chỉ nói với các con nhà mình có chị Nga nhưng tôi tạm giấu gia đình nội, ngoại. Sau này, mọi người mới biết tôi đưa Nga về nhà chăm sóc", cô Hạnh kể. Và kể từ đó, hai cô trò đã viết lên câu chuyện đẹp về tình thầy trò trong suốt những năm phổ thông.

Năm lớp 10 em đạt giải Nhất Học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học, giải Nhì Học sinh giỏi Quốc gia môn Sinh học, Huy chương Vàng Duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ mở rộng.

Năm lớp 11, em đạt giải Nhất Học sinh giỏi tỉnh môn Sinh học, giải Nhì Học sinh giỏi Quốc gia môn Sinh học, giải Khuyến khích Olympic Sinh học Quốc tế và năm lớp 12 giành Huy chương Bạc Olympic Sinh học Quốc tế.

Nga cho hay, sau khi được tuyển thẳng vào ĐH Y Hà Nội, em và một bạn gái cùng lớp thuê một căn phòng nhỏ với giá vài triệu đồng ở cạnh trường. Hằng ngày, em tự nấu ăn, đi dạy thêm để trang trải cuộc sống.

"Từ ngày trở thành sinh viên, em trích tiền thưởng huy chương để trang trải học tập. Thỉnh thoảng, em đi luyện thêm cho học sinh tham gia đội tuyển.

Vì vậy, em không còn nhận hỗ trợ từ cô giáo hay các nhà hảo tâm như hồi học phổ thông mà bắt đầu cuộc sống tự lập", Nga chia sẻ.

Tròn 3 năm Nga và cô giáo sống một nhà nhưng chưa lúc nào hai cô trò đón giao thừa cùng nhau. Năm nào cũng vậy, sau khi hoàn thành việc dọn dẹp nhà cửa cùng cô giáo xong, em về đón tết ở nhà mẹ đẻ.

Và năm nay, Nga mong muốn chia sẻ niềm vui của cuộc sống sinh viên cùng cô giáo trong những ngày đầu năm mới. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm