Cô giáo nuôi học trò đoạt giải Olympic quốc tế: "Tôi như có thêm đứa con"

(Dân trí) - "Ba năm qua, tôi như có thêm một đứa con. Mẹ con, cô trò có gì ăn nấy, có gì dùng nấy. Tôi nghĩ đơn giản chia sẻ được với ai đó cũng là hạnh phúc"!

Trên đây là tâm sự của cô giáo Vũ Thị Hạnh, Tổ trưởng tổ chuyên môn Sinh học Trường THPT Chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ.

Cô giáo Vũ Thị Hạnh là giáo viên trực tiếp dạy dỗ nhưng đã nhận nuôi em Nguyễn Thị Thu Nga, học sinh đoạt giải Olympic Sinh học quốc tế năm 2020.

Câu chuyện cổ tích của hai cô trò, gây xúc động mạnh trong cộng đồng.

"3 năm nay tôi như có thêm đứa con"

+ Là học trò, về sống với cô giáo được 3 năm. Đây là năm thứ mấy, hai cô trò cùng nhau ăn tết, thưa cô?

Đây là năm thứ 3 cô trò sống một nhà nhưng chưa lúc nào chúng tôi đón giao thừa cùng nhau.

Trưa nay (26 tết), hai cô trò hoàn thành xong việc dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón năm mới.

Cô giáo nuôi học trò đoạt giải Olympic quốc tế: Tôi như có thêm đứa con - 1

Cô giáo Vũ Thị Hạnh là giáo viên trực tiếp nhưng đã nhận nuôi dạy em Nguyễn Thị Thu Nga

Chúng tôi soạn bàn thờ, làm mâm ngũ quả mời ông bà tổ tiên về ăn tết cùng gia đình.

Đã 3 năm nay, Nga như con cháu trong gia đình. Năm ngoái, 29 tết Nga về nhà mẹ đẻ vì còn bận học.

Năm nay nghỉ sớm hơn, dự kiến 28 tết, sau khi dọn dẹp nhà cửa cùng cô giáo xong, em về đón tết ở nhà mẹ đẻ.

+ Năm 2020 khép lại nhưng dư âm về câu chuyện cô nuôi trò Olympic quốc tế vẫn lan tỏa trong cộng đồng mạng. Hành trình nào khiến cô giáo trường chuyên, cách 20km lại gặp được học sinh Thu Nga?

Gia cảnh học trò Thu Nga khó khăn, bố mất sớm. Mình mẹ Nga làm công nhân với đồng lương khoảng 4 triệu đồng/tháng để nuôi mấy chị em trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ ở huyện Lâm Thao (Phú Thọ).

Năm lớp 9, Nga giành giải Nhất học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học và được tuyển thẳng vào lớp 10 chuyên Sinh của Trường THPT Chuyên Hùng Vương.

Có lẽ vì gia cảnh như vậy, quả thực em đã từ chối vào trường chuyên, cách nhà 20km để có thời gian phụ giúp mẹ.

Theo yêu cầu của lãnh đạo trường, tôi đến nhà thuyết phục cô học sinh này vào học trường chuyên vì em rất có năng lực.

Khi đó, tôi nói với em, nếu có khó khăn gì không ở được trường thì về nhà cô, ở với cô.

Mấy hôm đầu, tôi chỉ nói với các con nhà mình có chị Nga nhưng tôi tạm giấu gia đình nội, ngoại. Sau này, mọi người mới biết tôi đưa Nga về nhà chăm sóc. 

Cô giáo nuôi học trò đoạt giải Olympic quốc tế: Tôi như có thêm đứa con - 2

Thành quả của Nga hôm nay, có một phần từ sự dạy dỗ và chăm sóc của cô giáo Hạnh. 

+ Nuôi con mình sinh ra đã khó. Cô gặp những trở ngại khi chăm sóc học trò? Có lúc nào cô thấy cái gánh trên vai mình quá nặng và muốn bỏ xuống?

Về tình cảm, tôi coi Nga như con. Đã là con cái, dù không sinh ra nhưng sống gần gũi, có gì chưa phải hoặc chưa biết, tôi chỉ cho con hiểu.

Làm mẹ, tôi hiểu được quá trình phát triển của con, mỗi giai đoạn con cần gì và phải làm gì cho các cháu học tập.

Về kinh tế, tôi không thấy thêm gánh nặng hay gì. Mẹ con, cô trò có gì ăn nấy, có gì dùng nấy, gọi là thêm bát, thêm đũa. Cứ như vậy, đã 3 năm nay, tôi như có thêm một đứa con.

+ Câu chuyện về hai cô trò còn gây xúc động mạnh trong cộng đồng. Có bao giờ cô nghĩ, mình chính là người viết lên cổ tích thời hiện đại?

Tôi nghĩ việc mình làm rất bình thường. Một khi muốn giúp đỡ ai đó, tôi cho rằng, mọi người đều có thể làm được.

Sau khi có chương trình trao thưởng, rồi báo chí viết lên mạng, tôi không nghĩ câu chuyện nhỏ bé này lại lan tỏa và truyền cảm hứng đến thế.

"Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo"

+Lúc ở trường, cô Hạnh là cô giáo. Vậy về nhà, Nga gọi là "cô" hay "mẹ"?

"Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo" (cười). Thực ra gọi là gì cũng đâu quan trọng. Quan trọng là tình cảm của cô trò đối với nhau ra sao.

+ Sống cùng gia đình cô nhiều năm, có bao giờ Nga ngỏ ý muốn nhận cô là mẹ nuôi, thưa cô?

Thấy cô trò sống tình cảm bấy lâu, mẹ Nga và một số người bảo: "Hay cô giáo nhận Nga làm con nuôi". Tôi chỉ cười.

Thực ra, chúng tôi đã sống cùng nhau nhiều năm, tình cảm đối với nhau ra sao mọi người đều hiểu.

Tôi cũng coi em như con cháu trong nhà, có nhận là mẹ nuôi hay không, bây giờ không quan trọng nữa.

Cô giáo nuôi học trò đoạt giải Olympic quốc tế: Tôi như có thêm đứa con - 3

"Em rất cảm động bởi ân tình của nhiều người, nhất là cô Hạnh, nhưng cũng áp lực và tự nhủ bản thân, phải nỗ lực hơn nữa để đền đáp". 

+ Với những thành tích trong năm qua, năm mới 2021, hai cô trò có định chinh phục "đỉnh vàng" Olympic Sinh học quốc tế?

Năm đầu tiên tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Nga đoạt giải nhì. Em tham gia thi chọn học sinh vào đội tuyển quốc tế và là trường hợp đầu tiên lọt vào vòng 2 khi chỉ là học sinh lớp 10. Nhưng năm đó Nga chỉ dừng lại ở vòng 2.

Năm lớp 11, Nga cũng đoạt giải nhì chọn học sinh giỏi quốc gia và lọt vào top 4, trở thành thành viên chính thức thi Olympic quốc tế sinh học.

Chỉ đoạt giải khuyến khích nhưng tôi thấy Nga là học sinh có tiềm năng. Năm nay, Nga được đặc cách không thi vòng 1 và vào thẳng vòng 2 chọn đội tuyển quốc tế. Năm 2021, cô trò chúng tôi sẽ tiếp tục dự thi Olympic quốc tế môn Sinh học.

+ Được biết ngoài cô Hạnh, một số mạnh thường quân cũng âm thầm hỗ trợ vật chất cho Nga hàng tháng để trang trải học phí học tập. Em có suy nghĩ gì khi nhiều ân tình đối với mình đến vậy?

Thu Nga: Em được được nhà trường miễn một số phí. Riêng học phí theo quy định vẫn phải đóng nhưng có thể trang trải từ tiền giải thưởng, tiền hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân cho học sinh nghèo ở trường.

Đặc biệt, có một số mạnh thường quân giúp đỡ em vượt qua khó khăn. Trong số các cô chú ấy, em biết có chú Phạm Ngọc Thập, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Giáo dục Egroup ở Hà Nội.

Chú ấy là đồng hương với em. Mỗi tháng, chú tài trợ bằng tiền cá nhân cho em 1 triệu đồng/tháng để giúp em trang trải chi phí sách vở học tập.

Em rất cảm động bởi ân tình của nhiều người, nhất là cô Hạnh, nhưng cũng vừa rất áp lực và tự nhủ bản thân, phải nỗ lực hơn nữa để đền đáp ân tình đó.

Nguyễn Thị Thu Nga ở huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Bố Nga mất sớm. Mẹ làm công nhân với đồng lương khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Chị gái Nga hiện là sinh viên Trường Đại học Y Thái Nguyên, em trai là học sinh tiêu biểu của Trường THCS Lâm Thao.

Tham dự Kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế năm 2020, Nguyễn Thị Thu Nga - học sinh lớp 11 Chuyên Sinh, Trường THPT Chuyên Hùng Vương đạt giải Khuyến khích. Nguyễn Thị Thu Nga là học sinh thi vượt cấp duy nhất của đoàn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm