Tạo thói quen "tiêu dùng xanh" cho trẻ: Tưởng khó mà dễ!
(Dân trí) - Việc hình thành thói quen tiêu dùng xanh cho trẻ có thể bắt đầu từ những điều đơn giản thân quen nhất, như việc tập làm quen dùng ống hút giấy trong hộp sữa uống hàng ngày.
Mẹ nói gì với trẻ về ống hút giấy?
Mới 9 tuổi, nhưng Vinh đã có thể phân loại chính xác các loại rác thải hữu cơ, vô cơ và rác có thể tái chế. Cậu cũng từ chối nhận ống hút khi cùng mẹ đi mua đồ uống mà cửa hàng không có các loại ống hút thay thế ống hút nhựa.
Chị Ánh Nguyệt (quận 9, TPHCM) - mẹ của Vinh cho biết, thói quen này của cậu bắt đầu từ giữa năm ngoái, khi nhãn hàng Nestlé MILO bắt đầu thử nghiệm thay thế ống hút nhựa thông thường bằng ống hút giấy cho dòng sản phẩm MILO Bữa Sáng. Mặc dù vậy, khi mới làm quen với ống hút giấy, cậu hơi khó chịu vì đâm khó thủng nếu cắm nhẹ tay.
Ngoài ra, với thói quen nhai và ngậm ống hút, ống hút giấy của Vinh thường nhủn nát trước khi uống hết, nên đôi khi chị Nguyệt phải cắt hộp ra đổ sữa vào ly để cậu uống tiếp. Tuy nhiên, khi đến trường hoặc tham gia sinh hoạt ngoài trời, Vinh vẫn cần làm quen với việc uống hết hộp sữa cùng chiếc ống hút "xanh" này.
Quyết tâm rèn thói quen tốt cho con, chị Nguyệt kiên trì hướng dẫn Vinh cách sử dụng ống hút giấy và giải thích lý do vì sao phải "nói không" với ống hút nhựa. Chị mở cho con xem hình ảnh ống hút nhựa và đồ nhựa dùng một lần chất thành đống dọc các bãi biển, hướng dẫn con cách phân biệt các loại rác thải.
"Việc hình thành một thói quen tốt bao giờ cũng mất thời gian và khó khăn hơn thói quen xấu. Nhưng nếu cha mẹ kiên trì giải thích và làm gương, tôi tin các bé sẽ dần hiểu ra và làm theo. Ban đầu con chưa quen với ống hút giấy nhưng tôi giải thích một tí về ý nghĩa bảo vệ môi trường, thế là con vui vẻ uống hết hộp sữa trong một lần", chị Nguyệt chia sẻ.
Cần sự chung tay từ nhiều phía
Các giải pháp thân thiện hơn với môi trường nhiều khi khó được trẻ đón nhận do không tiện lợi bằng các vật dụng tương tự làm từ nhựa dùng một lần. Ví dụ với ống hút giấy, khi đã quen với việc uống sữa bằng ống hút nhựa, trẻ có thể từ chối ống hút giấy vì khó đâm vào hộp như trải nghiệm ban đầu của bé Vinh con chị Nguyệt. Một số trẻ có thói ngậm hoặc nhai nát ống hút, khiến các bậc phụ huynh lo ngại và không muốn tiếp tục cho con sử dụng.
Để giải quyết thách thức này, doanh nghiệp cần liên tục cải tiến giải pháp thay thế để hạn chế sự bất tiện, hạn chế ảnh hưởng đến hương vị sản phẩm, đồng thời tích cực đưa ra hướng dẫn sử dụng để người tiêu dùng dễ tiếp nhận hơn, đặc biệt là trẻ em. Doanh nghiệp cũng phải đảm bảo giải pháp thay thế an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Với câu chuyện của cậu bé Vinh, sở dĩ chị Nguyệt có thể yên tâm tập cho con thói quen sử dụng ống hút giấy, bởi chị tin tưởng rằng, việc thay đổi chất liệu ống hút của Nestlé MILO không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như thói quen sử dụng của con. Theo Nestlé MILO, nhãn hàng đã thực hiện rất nhiều kiểm nghiệm về cảm quan và hương vị với ống hút giấy, cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về mùi vị sản phẩm. Nếu có chăng đó là trải nghiệm sử dụng ống hút giấy còn khá mới mẻ, chưa quen thuộc như ống hút nhựa.
Qua câu chuyện nói trên, chị Nguyệt cũng cho thấy vai trò quan trọng của mình khi giúp con thích ứng với ống hút giấy. Nhờ đặc tính phân hủy nhanh trong môi trường, chất liệu giấy được chọn để sản xuất ống hút Nestlé MILO, nhưng cũng vì vậy mà ống hút giấy khó cứng cáp như ống hút nhựa. Lúc này, phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ cầm phần cuối của ống hút và cắm dứt khoát vào lỗ cắm. Bên cạnh đó, trẻ cũng cần được rèn thói quen uống hết sữa trong một lần thay vì nhai hay cắn ống hút để có trải nghiệm sản phẩm trọn vẹn.
Giúp trẻ hiểu được thói quen nhỏ có thể tạo nên tác động lớn cho môi trường xung quanh, phụ huynh sẽ góp phần khích lệ các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh duy trì lâu dài những giải pháp xanh. Một hành tinh xanh sạch đẹp để trẻ được vui chơi và lớn lên khỏe mạnh là điều mà tất cả cùng hướng đến.