Bạn đọc viết:

Tăng lương cho giáo viên vẫn là chuyện “tiền đâu”?

(Dân trí) - Tăng lương cho giáo viên là lẽ tất yếu để nhà giáo sống được bằng lương, sống thoải mái tí xíu để còn an nhiên đến lớp, thăng hoa trong lời giảng. Nhưng chỉ sợ lần này nhà giáo lại tiếp tục bị “đãi bôi” khi người ta viện dẫn nhiều lý do để không thông qua quyết sách ấy...

Vấn đề cải cách tiền lương cho giáo viên đã được nâng lên đặt xuống khá nhiều lần. Lời hứa đến năm 2010 nhà giáo sẽ sống được bằng lương giờ chỉ còn là câu chuyện đùa vui của người thầy bên tách cà phê. Có lẽ vì thế mà đề xuất của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp được nhà giáo hưởng ứng trong băn khoăn, lo nghĩ và thầm nhủ nhau “an ủi tinh thần là chính”.

Đừng nghĩ nhà giáo mãi kêu nghèo, kể khổ! Đừng so sánh ngành nào cũng lương thấp, sao chỉ nhà giáo mới kêu ca! Đừng đòi hỏi quyền lợi chung cho tất cả các công chức trong biên chế! Đừng đánh đồng đội ngũ nhà giáo yếu kém về năng lực và quen đòi hỏi chế độ!

Nghề giáo với đặc thù công việc dạy chữ, rèn người luôn phải gánh một khối lượng lớn áp lực trong công việc. Ngoài việc soạn bài, lên lớp, chấm chữa bài, dự giờ, bồi dưỡng chuyên môn, làm hồ sơ sổ sách, giáo dục đạo đức học sinh còn hàng trăm công việc không tên khác. Áp lực từ chuyên môn, cấp trên, học sinh, phụ huynh, xã hội… ngày càng lớn.

Người thầy dạy học trên lớp chỉ tính theo định biên số tiết, giáo viên trung học được phân công dạy theo buổi. Nhiều người nhìn vào đó bảo làm giáo viên “sướng” và “khỏe re” lại còn được ưu ái nghỉ hai tháng hè.

Ai ở trong ngành mới thấm thía nỗi vất vả khi mỗi ngày đều ôm việc về nhà, nào là chấm chữa bài học sinh, nào là nghiên cứu bài chuẩn bị giáo án và đồ dùng dạy học, nào là hồ sơ sổ sách hàng loạt…

Bao vất vả đó chẳng thấm vào đâu so với áp lực giáo dục đạo đức học sinh. Chất lượng học tập của học sinh, giáo viên phải gánh. Uốn nắn tâm hồn và nhân cách học sinh, giáo viên phải chịu trách nhiệm. Giáo dục một đứa trẻ tốt, gia đình và xã hội đón nhận một công dân ưu tú. Nhưng nếu đó là một đứa trẻ hư, mọi trách nhiệm lại đổ lên vai người thầy.

Thế đó, trách nhiệm của người thầy cực kỳ lớn lao nhưng quyền lợi đi kèm lại chẳng đáng là bao. Lương nhà giáo dao động từ 3 - 10 triệu đồng tùy theo thâm niên và giáo viên mới ra trường lương thấp lè tè. Đến mức có giai đoạn nhà nước phải hỗ trợ ba trăm nghìn đồng cho nhà giáo có hệ số lương dưới 3,00 để bù trượt giá. Thế mới thấy sự eo hẹp của tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với giáo viên nước ta như thế nào.

Nhận lương, đâu đơn giản là nắm nguyên lương bỏ vào ví. Muôn kiểu đóng góp, hỗ trợ làm hao mòn đồng lương vốn đã ít ỏi đó. Nào là trừ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Nào là tiền đóng góp đoàn phí, quỹ tình nghĩa, quỹ nữ công, quỹ hiến máu nhân đạo… Nào là ủng hộ một ngày lương cho mái ấm công đoàn, quỹ vì trẻ thơ, các vùng bị thiên tai, hỗ trợ xây dựng tượng đài… Đôi khi các khoản đóng góp ấy lên đến vài trăm nghìn là chuyện thường. Còn lại bao nhiêu chia cho sinh hoạt phí 30 ngày, tiền cơm, áo, gạo, nuôi con, tiền xăng xe đi lại, tiền hiếu hỉ nghĩa tình…

Giữa lúc gánh nặng cơm áo gạo tiền đeo đẳng như thế, không xoay nghề tay trái thì làm sao đủ sống. Tôi biết một cô giáo đi dạy hơn mười năm vẫn cặm cụi gõ capcha qua mạng kiếm tiền. Dẫu biết dân gian có câu “cạp đất mà ăn”, nay em ấy “cạp chữ mà ăn” nhưng kiếm thêm được đồng nào hay đồng nấy. Thế là ngày lên lớp, tối khuya căng mắt đoán từng con chữ trên mấy cái mã capcha lúc mờ lúc rõ, lúc đậm lúc nhạt, lúc nghiêng lúc thẳng ấy và gõ liên tục để chạy đua với 15 giây quy định.

Nhà giáo làm nghề tay trái không còn là chuyện hiếm gặp. Muôn kiểu kiếm thêm thu nhập là bấy nhiêu câu chuyện cười ra nước mắt. Có người thầy vừa đi dạy vừa đèo thùng cá đông lạnh giao hàng cho khách. Có người vừa rời bục giảng vội lao đi giao hàng online qua mạng. Có người vừa cởi bỏ chiếc áo dài là quẩy gánh buôn ve chai…

Tăng lương cho giáo viên là lẽ tất yếu để nhà giáo sống được bằng lương, sống thoải mái tí xíu để còn an nhiên đến lớp, thăng hoa trong lời giảng. Nhưng chỉ sợ lần này nhà giáo lại tiếp tục bị “đãi bôi” khi người ta viện dẫn nhiều lý do để không thông qua quyết sách ấy. Ví như chuyện ngân sách hạn hẹp, nguồn chi cho giáo dục quá lớn,… Đúng như câu hỏi tu từ của tác giả Hoài Nam: “Vấn đề đầu tiên là tiền đâu?”

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm