Tân Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam 33 tuổi: "Có đam mê, mọi thứ đều có thể"
(Dân trí) - Giảng viên Phạm Chiến Thắng, 33 tuổi, khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội là một trong bốn tân Phó Giáo sư trẻ nhất năm nay vừa được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận.
Đã có 42 bài báo khoa học được công bố trong và ngoài nước
PGS.TS. Phạm Chiến Thắng vốn là học sinh chuyên Hóa, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (thuộc Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN). Sau khi tốt nghiệp THPT, Phạm Chiến Thắng theo học Trường ĐHKHTN, khoa Hóa học, hệ Cử nhân tài năng.
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Đại học, Phạm Chiến Thắng ở lại Trường ĐHKHTN, công tác tại khoa Hóa học, đồng thời theo học sau đại học tại Trường. Hoàn thành bậc học thạc sĩ năm 2012, Phạm Chiến Thắng tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại CHLB Đức, bảo vệ luận án tiến sĩ thành công tại Đại học Freie và được Đại học Freie cấp bằng Tiến sĩ năm 2016.
Trở về nước với tấm bằng Tiến sĩ, Phạm Chiến Thắng tiếp tục công việc giảng dạy, nghiên cứu tại khoa Hóa học, Trường ĐHKHTN. Ngoài những giờ giảng dạy trên lớp, Phạm Chiến Thắng lại cặm cụi trong phòng thí nghiệm như bao đồng nghiệp khác.
Làm việc cần mẫn như con ong chăm chỉ, đến nay, Phạm Chiến Thắng đã có 42 bài báo khoa học được công bố trong và ngoài nước, trong đó có 16 bài ông là tác giả chính. Các hướng nghiên cứu chủ yếu của Thắng là: "Phức chất đa nhân, đa kim loại trên cơ sở phối tử axylthioure" và "Phức chất kim loại chuyển tiếp có hoạt tính sinh học".
Thích môn Hóa từ năm lớp 8
Tìm gặp tân Phó giáo sư Phạm Chiến Thắng, cảm nhận đầu tiên đây là một người hiền lành, dễ chịu. Trong câu chuyện, ông Thắng rất hay cười, nét cười hiền lành giống như một cậu sinh viên trẻ, vẫn còn rụt rè.
PGS.TS. Phạm Chiến Thắng cho biết, mình bắt đầu thích môn Hóa học từ năm học lớp 8, bắt đầu từ các hiện tượng biến đổi màu sắc. Cứ mỗi ngày một chút, cậu học sinh Trường THCS Marie Curie (Hà Nội) lại thấy bị cuốn hút bởi môn Hóa học hơn. Vào học khối Chuyên Hóa, Trường THPT Chuyên KHTN, cậu học sinh Phạm Chiến Thắng lại tiếp tục bị "mê hoặc" không chỉ với môn Hóa mà còn ở... các thầy.
"Thầy chủ nhiệm của tôi công tác tại bộ môn Vô cơ, Trường ĐHKHTN. Thầy là một trong những nhà Hóa học hàng đầu. Tôi rất thích phong thái, cách truyền đạt của thầy. Các thầy cô khác cũng đem lại cho tôi nhiều cảm hứng, khiến tôi thích học, học thấy vui. Và thế là, lên đại học, tôi tiếp tục lại theo các thầy" - PGS.TS. Phạm Chiến Thắng chia sẻ.
Tân PGS.TS. Phạm Chiến Thắng thừa nhận mình thuận lợi, may mắn trong công việc và chặng đường phấn đấu khi luôn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ các thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp và cả từ các em sinh viên.
"Danh hiệu Phó giáo sư là sự đánh giá một bước đường cố gắng phát triển của mình từ sau giai đoạn Tiến sĩ. Sau đây công việc của tôi vẫn là nghiên cứu, giảng dạy. Tôi đã được anh em, bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp vun đắp. Vì vậy tôi cũng sẽ phải vun đắp cho các thế hệ sau" - Tân Phó giáo sư Phạm Chiến Thắng chia sẻ.
Từ lâu nay, tân PGS.TS. Phạm Chiến Thắng đã coi bộ môn Vô cơ, khoa Hóa học, Trường ĐHKHTN như ngôi nhà thứ hai của mình. Ở đây, ông có những thầy cô, đồng nghiệp tốt, những sinh viên ham học hỏi. Và đặc biệt, tất cả cùng chung một tình yêu và đam mê với môn Hóa học.
Theo PGS.TS. Phạm Chiến Thắng: "Nhiều người kêu học Hóa khó, nhưng khi đã thích thì bạn sẽ thấy nó rất thú vị. Ứng dụng của Hóa học giúp ích rất nhiều cho đời sống con người. Nói chung, học gì, làm gì cũng phải có đam mê. Khi có đam mê, mọi thứ đều có thể".