Bạn đọc viết:
Tản mạn nghiệp làm thầy
(Dân trí) - Dẫu muốn hay không, có giả đò “vô tư” hay lặng im đi nữa thì khi ngày 20/11 đến, chẳng có nhà giáo nào không trăn trở… Làm nghề dạy học trong thời thế giới phẳng khó hơn khi xưa cả vạn lần. Trò thuở ấy, chỉ biết nghe và luôn coi mỗi lời của cô, thầy là khuôn vàng, thước ngọc bởi “nhất tự vi sư”…
Học trò thời nay biết, thực hiện các thao tác vi tính nhanh hơn, nhiều hơn thầy, cô hàng chục lần, bởi đó là tuổi trẻ, năng động, khát khao; còn thầy cô - rất buồn cho những ai (không hề ít) chẳng chịu đọc thêm để biết, mà không biết thì làm sao làm tròn được trọng nhiệm dạy người?
Đã thế, y như “sự đùa cợt” của tạo hóa, năm nào cũng thế, càng gần đến ngày 20/11 thì những sai lầm, vướng mắc của ngành giáo dục lại càng bộc lộ rõ hơn. Dễ hiểu vì nhiều người quan tâm nên lắm người nhìn thì rõ hơn, sáng hơn, nhưng thật là khó lí giải khi dư luận chê bai nhiều thế mà hoa vẫn đầy tràn đường phố.
Chỉ cần ngắm những hàng hoa - ngày thường lưa thưa, rải rác, chen nhau “mọc” khắp các phố phường, bạn sẽ vững tin rằng truyền thống “trọng sư, tôn trí” tự ngàn xưa chẳng dễ gì mai một. Người dân, hơn ai hết, hiểu rất rõ công lao của cô, thầy trong cái nghiệp tạo nên tảng, nền, hướng đi, hiểu và biết của mọi số phận mãi kế tiếp nhau tồn tại trong đời.
Những bông hoa đẹp đến nao lòng, nhiều đến mức nếu không tính đến mai và đào, thì chẳng kém gì so với tết, là ánh phản rõ ràng nhất tấm lòng, tình cảm của hàng triệu phụ huynh, học sinh, sinh viên đối với thầy, cô giáo.
Dĩ nhiên, nghề nghiệp nào cũng quý, nhưng nghề thầy có cái đặc biệt mà các nghề nghiệp khác hầu như không thể, người xưa biết và nói rõ từ lâu: Bách niên chi kế mạc nhi thụ nhân (Kế sách 100 năm chẳng có chi tốt bằng trồng người).
Đúng và tốt, nói ra nghe dễ làm sao nhưng hình như cả một bộ máy đông đến hàng vạn tinh hoa xuất sắc nhất của trí tuệ nước nhà vẫn cứ trăn trở. Tháo gỡ, thí điểm chuyện không và có suốt bao thập kỉ qua.
Đã là vấn đề không thể không “cho qua”, buộc phải giải quyết, tại sao cứ mãi lần lữa với thời gian?
Thay đổi một cách căn bản việc dạy, học; tôn trọng một cách khách quan sự thật; coi trọng giáo dục nhân cách con người; tin và ủng hộ cho lập luận rằng phản biện và nghi ngờ là một trong những nguyên tắc cần có để phát triển, và, hãy tìm đến mọi sự đổi mới trên cái nền tảng duy nhất là vì đất nước, giống nòi.
Hãy nhìn, ngắm hàng vạn bông hoa trên các nẻo đường, ta sẽ vững tin rằng vẫn còn đó hàng triệu học sinh coi việc học hành là điều thiêng liêng đáng quý biết chừng nào; hàng triệu phụ huynh vẫn tin vào điều rốt đẹp - nhất định sẽ tốt đẹp, mà nền giáo dục nước nhà hướng tới.
Niềm vui chỉ đến khi trách nhiệm được hoàn thành; và, hạnh phúc chỉ có khi mỗi bổn phận được thực hiện bằng nhịp đập mạnh mẽ của trái tim dâng hiến, tận tình…
Xin chúc các cô giáo, thầy giáo những điều tốt đẹp nhất.
Hà Văn Thịnh
(Huế)