Quảng Trị:

Cô giáo chắp cánh tương lai cho học sinh khuyết tật

(Dân trí) - Bằng trách nhiệm lớn lao với nghề giáo, tình yêu thương, lòng nhân hậu với học sinh kém may mắn, nhiều năm qua cô giáo Hoàng Thị Sành, giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) luôn tận tâm giúp đỡ những học sinh bị khuyết tật, truyền cho các em thêm nghị lực, niềm say mê với con chữ.

Tấm lòng nhiệt huyết của cô giáo Hoàng Thị Sành đã khơi dậy khát vọng sống, ý chí vươn lên tưởng chừng như đã bị dập tắt bởi sự tự ti, mặc cảm, giúp các em học sinh khuyết tật hòa nhập với bạn bè, theo đuổi giấc mơ học tập.

Mẹ hiền của học sinh khuyết tật

 

Dạy chữ cho “chim cánh cụt”

Trong số hàng trăm học sinh cô Sành đã giảng dạy, có những học sinh rất đặc biệt, ở nhiều dạng khác nhau như: khuyết tật trí tuệ, ngôn ngữ, vận động…Trong số đó, có em Hà Văn Tài là học sinh bị khuyết tật nặng. Sinh ra em Tài đã không có cả hai tay, đôi chân bị dị tật bẩm sinh, cơ thể mềm yếu. Tưởng rằng, cánh cửa tương lai của em Tài đã bị đóng kín, nhưng nhờ sự chỉ dạy tận tình của cô, em Tài đã đọc viết được thông thạo, sống hòa nhập với bạn bè.

Em Tài là học sinh khuyết tật nặng nhưng nhờ sự động viên, chỉ dạy tận tình của cô Sành, em đã tự tin hơn để theo đuổi việc học tập.
Em Tài là học sinh khuyết tật nặng nhưng nhờ sự động viên, chỉ dạy tận tình của cô Sành, em đã tự tin hơn để theo đuổi việc học tập.

Khó có thể kể hết những khó khăn trong quá trình cô Hoàng Thị Sành giúp em Tài biết đọc, uốn nắn cho em từng nét chữ chỉ với bàn chân trái của em. Nhưng chính sự tận tâm của cô Sành, nghị lực cố gắng không mệt mỏi của bản thân đã giúp Tài vượt qua mọi khiếm khuyết của bản thân để đọc viết được như hiện nay.

Cô Sành cho biết: Ban đầu, bà ngoại Tài đưa em đến trường xin cho em vào học, nhiều giáo viên trong trường đều tỏ vẻ ái ngại bởi bản thân em Tài như vậy rất khó để theo kịp các bạn học sinh trong trường. Nhưng bản thân là giáo viên, cô nhận thấy Tài vẫn có khả năng tiếp thu kiến thức, còn việc bày cho em viết chữ cô sẽ rèn luyện dần.

Ban giám hiệu nhà trường nghe cô thuyết phục như vậy cũng thuận tình cho em Tài nhập học. Bởi từ trước đến nay, cô Sành đã có nhiều kinh nghiệm giảng dạy cho học sinh khuyết tật. Và sau đó, Tài được đưa vào lớp do cô Sành chủ nhiệm.

Những ngày đầu đến trường, Tài vẫn cảm thấy rụt rè, mặc cảm trước bạn bè và hoảng sợ trước những thay đổi của môi trường xung quanh. Là một học sinh khuyết tật được học tập giữa các bạn đồng trang lứa có cơ thể lành lặn, hơn ai hết Tài đã hiểu được sự khác biệt và những thiệt thòi trên cơ thể của mình. Tài tự thu mình vào cái vỏ ốc do chính em tạo ra.

Cô Sành kể lại: Đưa được em Tài vào lớp, tôi cũng cảm thấy vui mừng nhưng cũng không khỏi lo lắng. Tôi muốn giúp cho em hòa nhập nhưng liệu chương trình học ở trường có phù hợp với Tài hay không và điều quan trọng là mình có đủ thời gian để quan tâm đến em hay không? Nỗi lo lắng, trăn trở đó cứ ngày một lớn hơn bởi đối với học sinh lành lặn, việc bày cho các em tập viết đã khó, còn Tài chỉ có đôi chân, chân phải lại bị khuyết tật. Nhưng với lương tâm nghề nghiệp, lương tâm của người phụ nữ với người mẹ, tôi quyết tâm luyện tập cho em biết đọc, biết viết, biết làm Toán…

Cô Sành uốn nắn cho Tài viết chữ bằng chân trái.
Cô Sành uốn nắn cho Tài viết chữ bằng chân trái.

“Những ngày đầu ở lớp, thay vì dạy em tập viết tôi tìm cách gần gũi với em để tạo sự thân thiện và tiếp cho em niềm tin. Tôi luôn xem em Tài như đứa con của mình. Khi em đã quen dần với môi trường mới, tôi bắt đầu bày cho em viết chữ. Tuy nhiên, việc cầm bút bằng chân trái đối với Tài cực kỳ khó khăn. Nhiều lúc đau quá em quăng bút xuống sàn rồi ngồi khóc. Không ít lần đôi chân của em bị chuột rút không thể co duỗi được. Tôi đã ở bên động viên để em có tinh thần học chữ, tôi đã kể cho em nghe câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký để tiếp thêm nghị lực cho em” - cô Sành tâm sự.

Dưới sự giúp đỡ của cô giáo Sành, những nét chữ, phép tính đầu tiên hình thành trên những trang giấy trắng thẳng hàng và nụ cười tươi sáng đã hiện lên trên khuôn mặt non nớt của Tài. Em đã tự tin hơn vào bản thân cũng như cuộc sống xung quanh. Để em thoát khỏi những mặc cảm của bản thân cô Sành đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện riêng với các bạn trong lớp của Tài để các em có thể hiểu, thông cảm và sẻ chia với những thiệt thòi mà bạn mình đang phải gánh chịu.

Cô giáo theo sát em Tài trong quá trình học tập cả ở trên lớp lẫn ở nhà.
Cô giáo theo sát em Tài trong quá trình học tập cả ở trên lớp lẫn ở nhà.

Bà Hà Thị Bướm (57 tuổi, bà ngoại của Tài) chia sẻ: Lúc đầu gia đình chúng tôi cũng rất lo lắng và băn khoăn khi cho cháu vào học tại trường vì sợ hoàn cảnh của cháu không thể hòa nhập được. Tuy nhiên, rất may khi cháu vào học ở trường nhờ sự giúp đỡ, chỉ bảo của cô giáo Sành, cháu đã tiến bộ rất nhiều trong cuộc sống và học tập.

Mẹ hiền của học sinh khuyết tật

Bao năm qua, vượt lên mọi khó khăn thử thách, cô Sành đã giúp đỡ cho nhiều học sinh khuyết tật phát huy tài năng để kiên trì giấc mơ học chữ. Không chỉ dạy các em học chữ, cô Sành còn dạy cho các em kỹ năng sống một cách ý nghĩa hơn.

Hàng chục năm gắn bó với nghề, cô Sành đã giúp cho nhiều học sinh khuyết tật vượt qua khó khăn để học tập.
Hàng chục năm gắn bó với nghề, cô Sành đã giúp cho nhiều học sinh khuyết tật vượt qua khó khăn để học tập.

Cô Sành kể: Trước em Tài cũng có một số trường hợp các em bị khuyết tật do tôi chủ nhiệm. Nhưng hiện nay các em đã hòa nhập được với bạn bè và tiếp thu được chương trình học ở trường. Như trường hợp của em Trần Thị Nhi, gia cảnh rất khó khăn nhưng hiện em đã học xong lớp 12. Em Dương Công Đạt cũng bị khuyết tật nặng, phải học 3 năm lớp 1 và giờ đã đọc viết thành thạo. Em Nguyễn Quang Phong, ban đầu cũng không thể đọc viết được…

Không chỉ giảng dạy trên lớp, cô Sành luôn dành thời gian dạy kèm các em tại nhà để các em có được kiến thức căn bản, và hơn hết là giúp các em cảm thấy tự tin hơn, từ đó phát huy được khả năng, nỗ lực trong học tập. Nhiều học sinh xem cô Sành như là người mẹ thứ hai với tấm lòng nhân hậu bao la, luôn che chở và giúp đỡ các em trong những lúc khó khăn nhất.

Gần 30 năm gắn bó với nghề giáo viên, biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn mà cô Sành đã từng trải qua. Những cống hiến của bản thân cô đối với sự nghiệp giáo dục đã được nhiều cấp ghi nhận qua những tấm bằng khen, giấy khen. Nhưng niềm hạnh phúc nhất đối với cô là thấy học sinh của mình trưởng thành, các em khuyết tật có thể vượt qua được mặc cảm để theo đuổi con đường học tập. Đặc biệt, cô Sành là một trong những điển hình của tỉnh Quảng Trị được chọn đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc sắp tới.

Đăng Đức