Tâm sự của cô giáo dặn học sinh “Hãy là người bình thường tử tế”

(Dân trí) - "Con là một người bình thường nhưng con là một người bình thường tử tế!", lời nhắn nhủ của cô giáo Nguyễn Minh Ngọc trong bức thư gửi học trò lớp 12 đã làm lay động biết bao người. Cô Ngọc nói với học trò điều này bởi đó cũng là điều cô mong ở hai đứa con của mình.

Sống tử tế là một lựa chọn!

Bức thư "Con là một người bình thường nhưng con là một người bình thường tử tế!" của cô Nguyễn Minh Ngọc (Tổ trưởng môn Ngữ văn, Trường THPT Đinh Thiện Lý, TPHCM) được đọc trong Lễ tri ân của học sinh khối 12 đã làm nên "bầu trời cảm xúc".

Không chỉ truyền xúc động cho học trò, nội dung bức thư với sự chân tình, tấm lòng yêu thương, cái nhìn tiến bộ... đã đưa đến cảm hứng cho rất nhiều người.

Sau khi được đăng tải trên Dân trí, bức thư được chia sẻ, lan truyền "chóng mặt" trên mạng xã hội. Rất nhiều hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh cho biết, họ sẽ đọc cho học sinh, cho con mình nghe bức thư này như hành trang vào đời.


Cô giáo Nguyễn Minh Ngọc - người viết bức thư nhắn nhủ đến học trò gây xúc động. (Ảnh: Hoài Nam)

Cô giáo Nguyễn Minh Ngọc - người viết bức thư nhắn nhủ đến học trò gây xúc động. (Ảnh: Hoài Nam)

Cô Nguyễn Minh Ngọc bộc bạch, những điều mình chia sẻ trong lá thư cô đã ấp ủ từ lâu, chắt chiu từ bằng chính những trải nghiệm của bản thân từ lúc còn trẻ. Trước lễ tri ân của học sinh lớp 12 năm nay, cô đã thức nguyên đêm viết một mạch cho tới 4 giờ sáng để hoàn thiện bức thư dài hơn 2.000 từ.

Vì đâu cô đưa tiêu chí "Người bình thường tử tế" cho học sinh? Cô Minh Ngọc chia sẻ: "Vì tôi cũng mong con tôi như thế!. Tôi mong con mình là một người bình thường, trải nghiệm cuộc sống và biết sống trọn vẹn từ những điều nhỏ nhất".

"Ai cũng sống nhưng sống tử tế là một lựa chọn", cô Ngọc bày tỏ quan điểm.

Tâm sự của cô giáo dặn học sinh “Hãy là người bình thường tử tế” - 2

Bản thân cô nhìn thấy xung quanh, biết bao nhiêu người đuổi theo những điều to tát, bị cuốn vào nhiều thứ, vội vàng, gấp gáp quá mà chúng ta quên trân quý những điều bình thường đẹp đẽ trong cuộc sống. Chính cô thời 18 tuổi, ước mơ rất nhiều điều to tát nhưng rồi sau này nhận ra mình hạnh phúc lại vì những điều rất đỗi bình thường. Vì mình là người bình thường.

Đừng để sa chân làm "thợ dạy"

Không phải đến bức thư "lay động tâm can" này, cô Nguyễn Minh Ngọc mới trở thành "người nổi tiếng". Cách đây vài năm, cô Nguyễn Minh Ngọc là cô giáo trẻ "làm sống" môn Văn với Dự án dạy "Học văn để sống", đưa việc dạy học Văn thoát ra khỏi khuôn khổ trong những trang sách, những bài văn mẫu, hay trong 4 bức tường chật chội ở lớp học.

Dự án này được cô triển khai thành công khi đưa học sinh đi tiếp xúc trực tiếp với những mảnh đời có thật trong cuộc sống. Học sinh đến chùa, đến viện dưỡng, trường khiếm thị, xóm rác… để trải nghiệm cuộc sống thật. Từ đó, các em kể lại những điều mình cảm nhận được từ thực hiện, thế hiện qua ảnh, clip, viết nhật ký, thuyết trình...

Với những dự án sáng tạo có tính ứng dụng, đem lại hiệu quả cao trong dạy học, cô Nguyễn Minh Ngọc hai lần đạt giải Nhất cuộc thi "Giáo viên “sáng tạo trên nền tảng Công nghệ thông tin” do Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Microsoft tổ chức. Trong đó, dự án "Học Văn để sống" với chủ đề "Tôi chọn trung thực" đạt giải vào năm 2015 đã được thầy cô ở các bộ môn khác trong và ngoài trường, thậm chí ở nhiều tỉnh thành đưa vào áp dụng.


Hiện nay, cô Nguyễn Minh Ngọc đang tham gia vào việc truyền lửa cho sinh viên khoa Văn ở TPHCM. (Ảnh: Hoài Nam)

Hiện nay, cô Nguyễn Minh Ngọc đang tham gia vào việc "truyền lửa" cho sinh viên khoa Văn ở TPHCM. (Ảnh: Hoài Nam)

Từ đó, dạy học Văn theo dự án được lan tỏa mạnh mẽ ở TPHCM, đưa đến một sắc thái, cách tiếp cận mới ở môn học vốn được xem là lê thê, dài dòng này.

Gần đây, cô Nguyễn Minh Ngọc lại hăng say đứng lớp tại các chương trình về tiếp sức, truyền lửa cho sinh viên ngành Sư phạm Văn nhờ kết nối của cô Nguyễn Thị Ngọc Thúy, khoa Văn, ĐH Sư phạm TPHCM. Được tham dự vào những lớp học này, mới thấy cô đang trao nhiệt huyết, kinh nghiệm, kỹ năng trong dạy học môn Văn cho sinh viên - những đồng nghiệp tương lai.

Quan điểm của cô Ngọc là thay vì ngồi buồn và than về những câu chuyện màu xám về giáo dục thời gian gần đây, cô chọn cách hành động. Đối với chính bản thân mình và với những bạn trẻ theo đuổi nghề giáo, nhất là giáo viên Văn, cô Ngọc luôn tự nhắc nhở: "Hãy cố gắng làm được người thầy lớn, nếu không hãy là người thầy giỏi. Đừng bao giờ để mình sa chân làm "thợ dạy"".

Hoài Nam

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục