Tại sao học sinh lớp 1, 2 học online nhưng kiểm tra học kỳ trực tiếp?
(Dân trí) - Hướng dẫn mới nhất của Bộ GD-ĐT, học sinh lớp 1, 2 kiểm tra học kỳ trực tiếp- trừ trường hợp bất khả kháng. Hiện nhiều nơi học sinh học trực tuyến 100%, vậy có nhất thiết phải kiểm tra trực tiếp?
Đến trường kiểm tra- trừ trường hợp bất khả kháng
Cụ thể, văn bản hướng dẫn mới nhất ngày 13/12 của Bộ GD-ĐT yêu cầu, đối với lớp 1, lớp 2, bài kiểm tra định kỳ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp, các cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế đảm bảo an toàn trong phòng dịch.
Các nhà trường lập kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra định kỳ; tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện.
Đồng thời, nhà trường chia nhỏ số học sinh của lớp, đảm bảo an toàn phòng dịch để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung "cốt lõi" cho học sinh trước khi tổ chức bài kiểm tra định kỳ đối với môn toán, môn tiếng Việt.
Bên cạnh đó, linh hoạt vào các thời điểm, phù hợp với từng đối tượng và tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại địa phương để đánh giá học sinh cuối học kỳ I và cuối năm học.
Cũng theo văn bản này: "Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục có trách nhiệm báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về phòng GD-ĐT để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện.
Khi thông tin trên được đưa ra, một số phụ huynh cho rằng, học sinh lớp 1 không cần quá khắt khe với điểm số. Nên chăng, việc kiểm tra cũng nên linh hoạt hơn- nhất là trong bối cảnh dịch bệnh ở một số thành phố đang căng thẳng hiện nay.
"Theo tôi thấy, học sinh tiểu học không quan trọng điểm số. Học sinh lớp 1, 2 rất bé và chưa được tiêm vaccine. Để các cháu đến trường, tiếp xúc với học sinh của nhiều địa bàn quận, huyện sẽ có nguy cơ lây nhiễm", chị Thanh Nhàn (Hà Nội) chia sẻ.
Cũng trên quan điểm này, chị Mỹ Trang, phụ huynh một học sinh lớp 1 ở Hà Nội cho hay, con mình chưa một lần đến trường gặp thầy cô bạn bè. Các con đã rất quen với hình thức trực tuyến trong 3 tháng qua. Đến khi thi học kỳ, các con ngơ ngác, lạc lớp sẽ ảnh hưởng đến kết quả.
Chia sẻ với PV Dân trí, một Hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho hay, học sinh trường mình đã làm quen với hình thức online từ khai giảng đến nay thì thấy rất "mượt mà".
Cứ sau một thời gian, nhà trường test kiến thức học sinh thấy rất ổn. Đặc biệt theo hiệu trưởng này, nhà trường đã nâng cấp hệ thống dạy học trực tuyến, khi có trục trặc, giáo viên sẽ chuyển ngay qua đường truyền dự phòng.
"Nếu tổ chức kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tiếp, giáo viên và học sinh sẽ phải có lớp ôn tập trước. Như vậy, học sinh sẽ có nguy cơ tiếp xúc với nhiều em trên các địa bàn khác nhau.
Chưa kể, nhà trường hiện chỉ có 7 giáo viên khối 1, nếu chia ca, giáo viên sẽ rất quá tải", Hiệu trưởng này nói.
Còn theo cô Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Phương (Hà Nội), nếu có chủ trương cho học sinh lớp 1, 2 kiểm tra trực tiếp, nhà trường sẽ chấp hành và đương nhiên phải có phương án chống dịch ở mức cao nhất.
"Nếu kiểm tra học kỳ trực tiếp, chúng tôi sẽ chia hai ca, mỗi ca như vậy khoảng 25 học sinh.
Hiện nhà trường có 7 giáo viên khối 1. Thông thường trước khi chưa có dịch, nhà trường sẽ đổi giáo viên các khối để đảm bảo công bằng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh học sinh chỉ học trực tuyến và tiếp xúc nhiều nhất với giáo viên chủ nhiệm trên máy tính, nếu kiểm tra trực tiếp, các ca như vậy đều phải giao cho giáo viên chủ nhiệm phụ trách hoàn toàn", cô Lan chia sẻ.
Dạy trực tuyến 100% không phải trường hợp "bất khả kháng"
Theo thống kê đến hết tháng 11, chỉ 9 tỉnh thành cho 100% học sinh đến trường. Có 20 tỉnh, thành dạy trực tuyến và qua truyền hình; số còn lại dạy kết hợp trực tuyến và trực tiếp.
Một số địa phương như Hà Nội và TP HCM, học sinh tiểu học chưa đến trường đã 7 tháng.
Năm ngoái tại Hà Nội, dù đã lùi lịch, chờ dịch được kiểm soát nhằm cho học sinh đến trường làm bài kiểm tra trực tiếp học kỳ II. Thế nhưng cuối cùng, nhiều trường vẫn phải cho các em thi online hoặc xét lên lớp để hoàn thành kế hoạch năm học.
Theo ý kiến của cô Hiệu trưởng ở quận Nam Từ Liêm, việc kiểm tra trực tuyến tất nhiên dễ nảy sinh tiêu cực hơn kiểm tra trực tiếp. Tuy nhiên, xét trên tổng thể học sinh lớp 1, 2 không đánh giá bằng điểm số, nên chăng cần linh hoạt hơn cho các em.
Trao đổi với báo chí về việc trường hợp nào được xem là "bất khả kháng" để học sinh lớp 1, 2 kiểm tra học kỳ bằng hình thức online, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, với những nhà trường, địa phương đang dạy học trực tuyến từ đầu năm học đến thời điểm kiểm tra không được coi là trường hợp bất khả kháng. Do đó, học sinh vẫn có thể đến trường, chia ca, đảm bảo giãn cách để kiểm tra trực tiếp.
"Bất khả kháng" là những trường hợp đến ngày kiểm tra trực tiếp theo kế hoạch của trường nhưng học sinh thuộc diện F0, F1, F2 hoặc ở khu vực bị phong tỏa vì dịch bệnh, nhà trường phối hợp với gia đình sẽ có kế hoạch kiểm tra trực tuyến riêng với nhóm học sinh này", ông Tài cho hay.
Cũng theo ông Thái Văn Tài, lớp 1,2 là những khối lớp những năm đầu thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong khi đó, những khối lớp đầu cấp tiểu học, không có bài kiểm tra giữa kỳ nên việc có một bài kiểm tra trực tiếp cuối kỳ sẽ đặc biệt quan trọng, giúp đánh giá cả quá trình dạy học và đánh giá lại quá trình đánh giá thường xuyên, không để học sinh học xong lớp 1 nhưng chưa biết đọc biết viết.