Tại sao công nương Kate luôn ngồi xuống khi nói chuyện với con?
(Dân trí) - Giới săn ảnh liên tục ghi được những khắc khắc cặp đôi quyền lực thế giới hoàng tử William và công nương Kate Middleton luôn ngồi xuống mỗi khi trò chuyện với con. Vì sao vậy?
Hoàng tử William và công nương Kate Middleton có 3 người con là George, Charlotte và Louis. Công nương Kate Middleton nổi tiếng là bà mẹ hoàng gia được lòng công chúng, cô có những phương pháp giáo dục trẻ con rất tinh tế, hiệu quả.
Trong một dịp hoàng tử William và công nương Kate thăm Canada kéo dài 9 ngày. Đi cùng với cặp vợ chồng không thể thiếu hoàng tử nhí George và cô em gái khi ấy vừa tròn 16 tháng tuổi, công chúa Charlotte.
Trong suốt quá trình đi chơi tại Canada, không ít lần mọi người xung quanh chứng kiến cảnh công nương Kate quỳ hoặc ngồi xuống khi trò chuyện với Hoàng tử George. Ngay cả Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, khi đón gia đình Hoàng gia Anh ở sân bay muốn chào và đập tay với hoàng tử nhí, ông cũng phải ngồi xuống cho vừa tầm mắt cậu bé. Tiếc rằng cậu bé đã từ chối, có thể vì lý do chưa quen.
Nhưng tại sao lại phải ngồi xuống thấp ngang tầm mắt khi trò chuyện với một đứa trẻ? Các chuyên gia nói rằng, đó là ngôn ngữ cơ thể. Điều này cho thấy cặp vợ chồng Hoàng gia William-Kate đã đem toàn bộ sự tập trung chú ý của mình dành hết cho George mỗi khi nói chuyện.
Lắng nghe tích cực là kỹ năng quan trọng của các bậc cha mẹ
Bằng việc ngồi thấp xuống, mặt đối mặt và nhìn vào mắt con, William đã "lắng nghe tích cực" bất cứ điều gì mà con trai anh nói và cung cấp đầy đủ điều kiện để một cuộc trò chuyện bắt đầu.
Nghiên cứu khoa học cho thấy chúng ta chỉ nhớ khoảng 25% đến 50% những gì chúng ta nghe được. Điều đó có nghĩa là khi bạn nói chuyện với đối tác, đồng nghiệp, khách hàng hay chồng/vợ của mình trong vòng 10 phút thì họ chỉ chú ý lắng nghe một nửa hoặc chưa đến một nửa cuộc đàm thoại.
Và đặc biệt là khi trò chuyện với trẻ, phần trăm khả năng lắng nghe của cha mẹ còn rớt xuống thấp nữa. Vì trẻ nói chậm, sắp xếp suy nghĩ, câu từ còn lộn xộn, diễn đạt ý nghĩ còn mơ hồ khó hiểu nên cha mẹ đã không có đủ kiên nhẫn và thời gian để lắng nghe trọn vẹn những lời trẻ nói. Do đó, chỉ khi ngồi xuống, ngang tầm mắt trẻ mới giúp cha mẹ thật sự tập trung "lắng nghe tích cực".
Trung tâm Giáo dục Cha Mẹ ở Mỹ định nghĩa "lắng nghe tích cực" là "kỹ năng quan trọng nhất mà cha mẹ cần có trong bộ bí quyết nuôi dạy con. Đó là một hình thức giao tiếp đặc biệt cho phép người khác biết rằng bạn "toàn tâm toàn ý" lắng nghe họ nói, bạn biết về những gì họ đang nói, chấp nhận quan điểm của họ, và đánh giá cao tình huống mà họ trải qua".
Thông thường, khi lắng nghe thụ động, chúng ta chỉ nghe nội dung. Trong khi lắng nghe tích cực đòi hỏi sự nỗ lực. Cha mẹ phải tập trung chú ý đến những gì trẻ nói, nó như thế nào, đồng thời giải mã ngôn ngữ cơ thể, thái độ và cảm xúc của trẻ.
Nói cách khác, việc lắng nghe tích cực giúp cha mẹ phát tín hiệu đến trẻ với thông điệp trẻ đã thu hút được toàn bộ sự chú ý của cha mẹ, rằng bạn đang lắng nghe, hiểu tất cả mọi thứ mà trẻ đang nói và biểu hiện với bạn.
Gill Connell, tác giả của cuốn sách A Moving Child is a Learning, chia sẻ với tờ People: "Lắng nghe tích cực là một trong những cách quan trọng nhất để cha mẹ có thể gửi đi thông điệp "Con quan trọng với cha mẹ". Connell giải thích thêm rằng các phản ứng bằng ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ như gật đầu, mỉm cười và ôm cũng là một cách tuyệt vời để "nuôi dưỡng lòng tự trọng của trẻ cũng như khuyến khích trẻ tiếp tục chia sẻ nhiều hơn".
Tiến sĩ Rebecca nhận xét: "Ngồi xuống ngang tầm mắt con chính là cách để trẻ em thấy mình được tôn trọng và không quá bé nhỏ. Kate có sự cân bằng giữa nhạy cảm và ranh giới nhẹ nhàng. Cô ấy không mong đợi các con của mình cư xử như những người lớn vì Kate hiểu trẻ em cần phải trải qua những giai đoạn rèn luyện theo cách tự nhiên".
Khi ngồi ngang tầm mắt trẻ cũng là cách cha mẹ giao tiếp với con mình bằng phương pháp "giao tiếp bằng mắt".
Ngôn ngữ cơ thể, giọng nói và thái độ đôi khi có thể đi ngược lại với những gì trẻ đang nói. Ví dụ, nếu trẻ nói về bài kiểm tra bị điểm xấu theo kiểu trẻ không thực sự quan tâm, nhưng trẻ lại di di ngón tay của mình hoặc lẩn tránh không nhìn vào mắt cha mẹ. Điều này có nghĩa là trẻ có thể đang buồn hoặc lo lắng nhưng cảm thấy xấu hổ để nói điều đó với cha mẹ.
"Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn". Nhìn vào đôi mắt của con, cha mẹ có thể "chạm" tới nơi sâu nhất của tâm hồn trẻ. Đôi mắt không biết nói dối. Vì vậy bằng cảm nhận và trực giác của mình, cha mẹ sẽ hiểu trẻ đang nghĩ gì.
Giao tiếp bằng mắt còn là một sự trao đổi năng lượng giữa con cái và cha mẹ. Ví dụ, nếu trẻ đang tức giận, cha mẹ có thể giúp trẻ làm dịu tình hình bằng cách nhìn trẻ với ánh mắt bình tĩnh, đầy tình yêu thương và sự cảm thông tha thứ.
Đồng thời, có một sự kết nối thỏa hiệp ngầm khi trẻ nhìn thấy và cảm nhận những điều cha mẹ muốn nói qua ánh mắt và ngược lại. Hãy giúp trẻ cảm nhận sức mạnh của tình yêu thương và sự ủng hộ của cha mẹ thông qua một "đôi mắt biết nói".
Ngoài 2 yếu tố quan trọng trên thì việc ngồi vừa tầm và giao tiếp bằng mắt với trẻ còn cho thấy sự tôn trọng của cha mẹ đối với trẻ. Cha mẹ không đứng ở tư thế trên cao nhìn xuống khiến trẻ bị sợ hãi bởi sự to lớn, chênh lệch về chiều cao. Trẻ cũng cảm thấy sự bình đẳng trong cuộc nói chuyện, từ đó mở lòng mình ra hơn.
Phong cách nuôi dạy "con có thẩm quyền"
Trong đám cưới của Pippa Middleton vào năm 2017, Hoàng tử George khi đó được 6 tuổi đã một hành động hơi táo tợn trong lễ kỷ niệm. Để trấn an George, nữ công tước Kate đã nhẹ nhàng chạm vào đầu của con như một lời nhắc nhở.
Thậm chí, trước khi bước vào nhà thờ, cô còn giơ một ngón tay đặt lên miệng ý muốn nói "sụyt" để nhắc con trai không nên nghịch ngợm khi buổi lễ bắt đầu.
Nhờ cử chỉ tiếp xúc thân mật và ấm áp này đã giúp các hoàng tử và công chúa bình tĩnh trở lại.
Tiến sĩ Rebecca Chicot - người sáng lập Essential Parent đồng thời là tác giả của cuốn sách The Calm and Happy Toddler (Tạm dịch: Những đứa trẻ hạnh phúc và bình tĩnh), cho biết: "Kate là một bà mẹ nhạy cảm và ấm áp. Đây được gọi là phong cách nuôi dạy con có thẩm quyền và hiện đang được khuyến khích áp dụng. Nó hoàn toàn trái ngược với cách nuôi dạy con chuyên quyền ngày xưa là con ăn gì, ngồi đâu, làm gì cũng phải hỏi ý kiến của cha mẹ".
Trong một dịp khác, nữ Công tước xứ Cambridge đã từng được ca ngợi vì phản ứng "ngọt ngào" khi Công chúa Charlotte thè lưỡi trước công chúng tại cuộc đua thuyền từ thiện vào năm 2019.
Vào thời điểm đó, Kate khuyến khích con gái vẫy tay chào những người xem ở Cowes, Isle of Wight. Tuy nhiên, cô công chúa tinh nghịch lại không làm theo lời mẹ bảo. Ngược lại, cô bé đã thè lưỡi ra một cách táo bạo và bà mẹ 3 con dường như đã bật cười ngay khi thấy hành động của con mình.
Nhiều người sau khi xem xong đoạn clip đã thích thú với phản ứng của Kate: "Công chúa thì cũng chỉ là một đứa trẻ bình thường thôi. Bạn không thể kiểm soát mọi hành động của con. Phản ứng của công nương Kate thật tuyệt vời".