Sức mạnh ý chí vào đề thi Văn, thí sinh đánh giá đề hay
(Dân trí) - Thí sinh cả nước vừa hoàn thành bài thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia 2019 với môn Ngữ văn. Sau 2/3 thời gian làm bài thi, nhiều thí sinh đã nộp bài và ra về để chuẩn bị cho môn thi Toán tiếp theo vào buổi chiều.
Gần 900 nghìn thí sinh hoàn thành môn thi THPT quốc gia đầu tiên (Video: Quý Đoàn)
Đắk Nông: Thí sinh đánh giá đề Văn hay, không khó
Sáng 25/6, hơn 6.000 thí sinh của tỉnh Đắk Nông bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia 2019 - môn Ngữ văn.
Thí sinh tỉnh Đắk Nông bước vào môn thi đầu tiên.
Thí sinh Mai Việt Thắng (điểm thi THPT Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cho biết, cấu trúc đề thi Ngữ văn vẫn như mọi năm và giống với các đề thi thử mà học sinh đã được làm trong thời gian qua. Năm nay, phần Nghị luận xã hội (NLXH) yêu cầu thí sinh trình bày về ý chí và nghị lực chinh phục dựa theo bài thơ trích dẫn. Trong khi đó, phần Nghị luận văn học có phần khó hơn, liên quan đến tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường
Thí sinh đầu tiên rời khỏi phòng thi sau khi hoàn thành bài thi văn (ảnh Dương Phong)
Tương tự, thí sinh Trần Nguyên Khoa (điểm thi THPT Gia Nghĩa) cho biết, đối với bài NLXH, đề yêu cầu thí sinh trình bày về khát vọng chinh phục của con người. “Đề thi năm nay tương đối dễ so với mọi năm. Em làm được khoảng 70% nội dung đề bài yêu cầu”, nam sinh chuyên Lý cho hay.
Theo ông Phan Thanh Hải, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, toàn bộ điểm thi đều được đảm bảo an ninh, tới thời điểm hiện tại, chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra.
(Ảnh: Hoài Nam)
Thí sinh TPHCM tan thi môn Văn. (Ảnh: Hoài Nam)
Thí sinh Hà Nội tươi cười vì làm được bài thi Văn. (Ảnh: Mai Châm)
Thí sinh tại điểm thi THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội thoải mái sau buổi thi Văn. (Ảnh: Toàn Vũ)
*Tại Nghệ An, khi vừa hết 2/3 thời gian làm bài, tại điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) khá đông thí sinh ra về. Đây phần lớn là các thí sinh dự thi môn Ngữ văn lấy điểm xét tốt nghiệp. Bởi vậy, sau khi làm “vừa đủ” các em ra về sớm để chuẩn bị cho buổi thi chiều nay - môn Toán, môn có tính quyết định trong kết quả xét tuyển đại học.
Thí sinh Nguyễn Thị Thùy Trang - Trường THPT Phan Bội Châu phấn khởi: “Em thấy đề cơ bản không khó. Với học sinh ban A như chúng em cũng có thể làm được từ 6-7 điểm, đủ để xét tốt nghiệp. Phần câu hỏi về nghị luận xã hội bàn về sức mạnh của ý chí khá sát với thực tế, em thấy đây là một câu hỏi khá hay. Trong cuộc sống, ý chí là sức mạnh để mỗi người vượt lên hoàn cảnh, hoàn thành ước mơ hoài bão của mình”.
Lê Đức An - học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cũng rời điểm thi sớm. Năm nay, An thi lấy điểm xét tuyển khối A vào Trường Kỹ thuật quân sự, bởi vậy, với môn Ngữ văn, em chỉ cần đạt điểm trung bình để xét tốt nghiệp.
Thí sinh Lê Đức An thích thú với phần nghị luận xã hội bàn về sức mạnh của ý chí. An cho biết em hài lòng với bài thi bởi chỉ cần đủ điểm để xét tốt nghiệp. (Ảnh: Hoàng Lam)
“Em thấy đề không quá khó, nhất là giữa phần đọc hiểu và phần nghị luận xã hội có sự liên hệ với nhau nên thí sinh không mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ, phát biểu ý kiến của mình về sức mạnh của ý chí. Riêng phần nghị luận văn học (NLVH) cảm nhận về hình tượng sông Hương trong đoạn trích trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” thì chúng em đã được ôn luyện khá kỹ nhưng em làm không tốt lắm. Nói chung em khá hài lòng với bài thi của mình”.
* Sáng nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hơn 13.000 thí sinh tham dự môn Văn. Đa phần, các thí sinh đều làm được phần cơ bản, phân tích đọc, hiểu. Nhiều thí sinh nhận xét đề văn có tính phân loại cao vì đề Văn là những câu vận dụng vào khả năng hiểu biết, nắm vững kiến thức và liên hệ ra cuộc sống nên khó có thể biết số điểm chắc chắn.
Trao đổi với chúng tôi, em Nguyễn Thành Lan (Điểm thi THPT Chuyên Hùng Vương): “Đề Văn phần cơ bản em khá chắc chắn, đối với những câu hỏi vận dụng em cũng dựa vào kiến thức đã học và hiểu biết của mình trả lời nên cũng khó biết điểm của mình. Đối với môn Toán buổi chiều, khả năng em sẽ tự tin vì khối em đang theo học”.
Tương Tự, em Nguyễn Thị Hương (Điểm thi THPT Chuyên Hùng Vương): “Đề thi Văn dễ dàng kiếm điểm 5. Nhưng bắt đầu sang những câu kiếm điểm cao thì phải vận dụng vào khả năng của mỗi người. Đối với em cũng không chắc với các phần thi vận dụng mà chỉ dựa vào kiến thức vả hiểu biết của em đề phân tích làm rõ vấn đề của môn Văn”.
* Tại Đà Nẵng, với nhận định đề thi Ngữ Văn năm nay “dễ thở”, nhiều thí sinh tan buổi thi Văn với vẻ mặt tươi tắn, hớn hở dù ngoài trời đang nắng nóng gay gắt.
Chia sẻ với PV Dân trí ngay khi vừa rời trường thi, thí sinh Bảo Đan (học sinh THPT Phan Châu Trinh) vui vẻ cho biết: “Em làm bài thi tốt nên cảm thấy rất nhẹ nhõm sau buổi thi môn. “Ai đã đặt tên cho dòng sông” viết về sông Hương của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường là tác phẩm mà em rất thích, nên em có nhiều cảm hứng để làm bài thi”
Các thí sinh ở Đà Nẵng vừa tan buổi thi môn Ngữ Văn
Nhiều thí sinh tươi tắn sau buổi thi môn Văn với bài làm tốt. (Ảnh: Khánh Hiền)
Cũng cho rằng đề thi môn Ngữ Văn năm nay “dễ thở”, thí sinh có thể đạt được điểm thi đủ xét tốt nghiệp dễ dàng, thí sinh Tiến Đạt, thi tại điểm trường THPT Trần Phú chia sẻ tâm đắc với câu đề NLXH về sức mạnh của ý chí. “Vấn đề đặt ra gần gũi với thực tiễn cuộc sống thường ngày và em tự tin với phần trình bày của mình. Đề ra sông Hương nhẹ nhàng hơn so với những tác phẩm “nặng ký” khác như “Người lái đò trên sông Đà””.
* Sáng nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có hơn 4.000 thí sinh tham dự môn Văn. Vì đây là môn bắt buộc nên lượng thí sinh đi rất đông đủ và đến ngay từ sáng sớm. Nhín chung, các thí sinh đều nắm được kiến thức cơ bản. Tuy nhiên, các câu vận dụng cũng làm khó các thí sinh bởi việc vận dụng, liên hệ phải dựa vào năng lực từng thí sinh.
Các thí sinh chờ cổng mở sau khi làm xong bài thi Văn. (Ảnh: Phạm Hoàng)
Vừa bước ra cổng trường, em Bùi Long Sơn (điểm thi THPT Kon Tum cho biết: “Vì em chuyên môn Văn nên những câu hỏi trong đề cũng vừa tầm và em đều làm được theo những kiến thức đã học và tích lũy ngoài xã hội. Em nhận xét những câu hỏi đều nằm trong kiến thức lớp 12 và không làm khó thí sinh, nhất là những bạn trung bình. Em hy vọng sẽ được điểm cao trong môn Văn để xét vào trường đại học mà em mơ ước.
* Sau 120 phút thi Ngữ Văn, các thí sinh tại 35 hội đồng thi tại Hà Tĩnh đã kết thúc buổi thi đầu tiên.
Theo ghi nhận của PV tại điểm thi trường THPT Lê Quý Đôn thì rất nhiều thí sinh cho rằng đề văn năm nay khá khó.
Đánh giá đề Ngữ văn khó nhưng nhiều thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp nên tâm lý khá thoải mái
Em Nguyễn Huy Tuấn (điểm thi trường THPT Lê Quý Đồn, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà) cho biết: "Đề Ngữ văn năm nay khá khó. Đặc biệt là phần 2 của đề thi. Em chỉ làm được khoảng 5 điểm. Em thi để lấy điểm xét tốt nghiệp nên khá thoải mái".
Em Nguyễn Thị Vân Anh (điểm thi trường THPT Lê Quý Đôn) cho biết đa phần kiếm thức nằm trong chương trình sách giáo khoa.
"Có phần nêu cảm nhận về hình tượng sông Hương khá khó với nhiều thí sinh. Câu hỏi này không chỉ vận dụng kiến thức trong sách giáo khoa mà đòi hỏi phải có sự thực tế ở trong đó. Đây lại là câu ăn điểm nhất nên để kiếm điểm cao môn Ngư văn là rất khó", em Vân Anh cho biết.
Em Nguyễn Huy Tuấn (điểm thi trường THPT Lê Quý Đồn, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị chấn thương ở mắt cá nhưng vẫn cố gắng để hoàn thành phần thi. (Ảnh: Xuân Sinh)
Em Nguyễn Thị Hảo (học sinh Trường THPT Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết: “Đề thi Ngữ Văn năm nay có 2 phần, phần đầu có 4 câu và phần thứ 2 có 2 câu. Nói chung là khá khó, ở phần đọc hiểu mất rất nhiều thời gian, em làm được khoảng 3 - 4 điểm”.
Còn em Nguyễn Thị Thư cho rằng, câu khó nhất nằm ở phần làm văn về dòng sông Hương. “Em mất 70 phút để làm câu này, dù cố gắng hết sức nhưng với đề thi này em chỉ đạt cao nhất tầm 7 điểm”.
Dù đánh giá đề văn khó nhưng nhiều thí sinh vẫn tạo cho mình tâm lý thoải mái để tiếp tục các môn thi sau.
Khác với thời tiết trong buổi sáng, càng về trưa thời tiết càng nắng nóng. Nhiều thí sinh sau khi rời khỏi hội đồng thi đã vội vàng về nhà không nán lại.
Em Nguyễn Thị Thủy (HĐT trường THPT Cẩm Bình) cho biết: “Mặc dù có quạt nhưng trong phòng vẫn khá bức bối. Một phần do tâm lý nhưng một phần em nghĩ thời tiết quá nóng".
Đưa đón con tại điểm thi này, các phụ huynh phải chuẩn bị áo khoác nắng, mũ và cả nước uống cho các thí sinh chống nắng.
Nhiều thí sinh sau khi ra khỏi HĐT đã vội vàng đến điểm uống nước miễn phí để giải khát. Các tình nguyện viên phải mượn thêm cốc để phục vụ các em.
Tại cụm thi Hà Tĩnh, năm nay nhiều thì sinh trước khi bước vào kỳ thi đã không may gặp các tai nạn. Tuy nhiên, các em vẫn cố gắng không bỏ cuộc.
Nhìn chung, các sĩ tử đều nhận định đề thi Văn không khó, vừa sức. (Ảnh: Tiến Thành)
Nhiều thí sinh ở Cần Thơ cười tươi sau khi kết thúc môn đầu tiên. (Ảnh: Phạm Tâm)
Tại điểm thi trường Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều, Cần Thơ), thí sinh Lê Minh Thiện rời hội đồng thi sớm nhất- lúc 9h1’. Em Thiện nhận định đề thi không quá khó nhưng không dễ. Em dự đoán khả năng em sẽ đạt 6 điểm môn Văn. “Trong phòng em thấy nhiều bạn xin giấy thêm chắc các bạn làm bài hơn em”, Thiện cho biết.
Thí sinh Lê Minh Thiện rời Hội đồng thi trường Châu Văn Liêm sớm nhất. (Ảnh: Phạm Tâm)
Cùng tâm trạng với Thiện, em Ngô Đức Huy, vui vẻ cho biết, em làm được trên điểm trung bình, trong phần so sánh có hơi khó chút, em phải mất thời gian suy nghỉ hơi lâu. Còn em Trần Khánh Vinh thì cho biết, em thấy đề văn năm nay vừa sức, em học trúng nên làm bài tốt.
Theo báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT Cần Thơ: Trong môn thi đầu tiên, Cần Thơ có 9.665 em dự thi, vắng 66 em, trong đó ở hội thi trường THPT Thốt Nốt vắng thi đến 9 em.
* Ghi nhận tại Đắk Lắk, có trên 20 nghìn thí sinh dự thi môn Ngữ văn và dù thời gian chưa hết nhưng thí sinh đã rời phòng thi khá đông. Đa số các em đều khá hài lòng với đề thi năm nay.
Em Đặng Văn Phúc (điểm thi THPT Hồng Đức) cho biết: “Em thấy đề thi năm nay “dễ thở” em làm được trên 60% và em cũng mong kết quả tốt. Em làm xong sớm và ra về để chuẩn bị cho môn thi chiều nay”.
Còn em Hoàng Văn Thu (điểm thi THPT Buôn Ma Thuột), cho rằng, em ấn tượng với câu hỏi NLXH về hành trình theo đuổi khát vọng, ý chí sức mạnh của con người trong cuộc sống. “Đề Văn năm nay có sự gợi mở cho thí sinh, để thí sinh có thể nêu suy nghĩ của mình. Em làm được hết đề thi và cảm nhận đề năm nay cũng không quá khó, thí sinh có thể dễ dàng đạt điểm khá”, em Thu nhận định.
Thí sinh ra về khá sớm ở môn thi đầu thi (ảnh: Thúy Diễm)
Kỳ thi THPT quốc gia tại Đắk Lắk có 1 Hội đồng thi, 32 điểm thi, 860 phòng thi được đặt tại 32 trường trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố.
Toàn tỉnh có 20.588 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 5.318 thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp (tỷ lệ 25,82%), 966 thí sinh tự do và 4.335 thí sinh đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong kỳ thi THPT quốc gia, Sở GD-ĐT Đắk Lắk chủ trì phối hợp với 5 trường đại học, cao đẳng: ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Tây Nguyên, ĐH Buôn Ma Thuột, CĐ Sư phạm Lâm Đồng và CĐ Cộng đồng Kon Tum.
Để phục vụ công tác coi thi, phục vụ thi và thanh tra, giám sát tại điểm thi Sở GD-ĐT bố trí 2.772 người. Trong đó, 1.429 cán bộ quản lý, giáo viên các trường THPT; 996 cán bộ, giảng viên trường ĐH, CĐ; An ninh, y tế, phục vụ: 347 người.
Theo báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT Đắk Lắk, kết thúc môn thi Ngữ văn toàn tỉnh có 20.165 thí sinh đăng ký dự thi, có 852 phòng thi. Toàn tỉnh 20.076 thí sinh dự thi, vắng 89 thí sinh, sáng nay không có thí sinh và giám thị coi thi vi phạm quy chế thi.
* Sau 120 phút làm bài thi môn Ngữ Văn, đa số thí sinh tại điểm thi THPT Trần Quốc Tuấn (TP. Quảng Ngãi) có tâm trạng khá thoải mái.
Cả thí sinh và phụ huynh đều có tâm trạng khá thoải mái sau khi kết thúc môn thi đầu tiên. (Ảnh: Quốc Triều)
Theo thí sinh Trương Thị Huyền (điểm thi THPT Trần Quốc Tuấn), phần hay nhất của đề thi năm nay là phần đọc hiểu. Trong khi đó, câu 5 điểm ở phần làm văn liên quan đến tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" có độ khó cao hơn ở yêu cầu nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của tác giả.
"Nhìn chung đề không quá khó. Trong đó, em thấy phần đọc hiểu nói về khát vọng, ý chí của con người qua đoạn trích "Trước biển" là khá hay. Yêu cầu viết về khát vọng, và ý chí của con người là phù hợp với chúng em trong thời điểm khá quan trọng này", thí sinh Trương Thị Huyền chia sẻ.
Ông Đỗ Văn Phu - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, buổi thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia 2019 diễn ra an toàn, công tác an ninh, trật tự tại tất cả các điểm thi được đảm bảo.
"Toàn tỉnh có 44 thí sinh vắng mặt không rõ lý do ở buổi thi môn Ngữ Văn. Trong sáng nay không có thí sinh nào vi phạm quy chế thi. Giám thị, cán bộ phục vụ tại 31 điểm thi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong buổi thi đầu tiên", ông Phu nói.
Tại Quảng Ngãi có 44 thí sinh vắng mặt ở buổi thi đầu tiên. (Ảnh: Quốc Triều)
Tại Quảng Ngãi có 12.700 thí sinh dự thi THPT quốc gia tại 31 điểm thi. Ngày thi đầu tiên diễn ra trong thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể trên 39 độ C.
* Theo nhận định của nhiều thí sinh trên địa bàn Quảng Nam, đề văn năm nay có phần “dễ thở” hơn so với các năm. Hầu hết các câu đều nằm trong phần ôn thi thử của thí sinh, và câu nói về ý chí - khát vọng của con người được thí sinh đánh giá cao.
Thí sinh Trần Nguyễn Ngọc Trinh (THPT Nguyễn Trãi - Hội An) chia sẻ: “Phần thi năm nay em làm khoảng hơn 80%, em năm nay dự thi khối xã hội nên cũng ôn khá kỹ. Các phần thi nằm trong mục thi thử trước đó, tuy phần nghị luận văn học có phần khó hơn liên quan đến tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường”.
Thí sinh thi tại Trường THPT Nguyễn Trãi – Hội An
Thí sinh Đỗ Văn Huy (THPT Trần Quý Cáp - Hội An) cho biết, cấu trúc đề thi Ngữ văn giống với các đề thi thử em từng làm trước đó. “Em làm khoảng 70%, câu hỏi về khát vọng -ý chí sống của con người cũng khá hay. Em hy vọng sẽ được điểm khá trong môn này”.
Thí sinh Trịnh Lê Gia Huy tại Hội đồng thi trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đánh giá đề thi môn Ngữ văn năm nay vừa sức đối với mình, còn đối với các bạn thi tốt nghiệp và các bạn chuyên khối C cũng có thể làm tốt, có thể đạt 7-8 điểm.
Theo em, hứng thú nhất đối với em là câu 1 phần đọc hiểu. “Em nghĩ, đề thi môn Văn năm nay đối với các bạn chỉ thi tốt nghiệp thì đủ điểm đỗ. Còn đối với em thi chuyên khối B thì đạt 4-5 điểm là tốt rồi”, em Gia Huy chia sẻ.
* Ghi nhận của PV Dân trí tại cụm thi Bạc Liêu, môn thi Ngữ Văn sáng nay sau khi hết giờ làm bài, nhiều thí sinh ra khỏi điểm thi với tâm trạng khá vui vẻ. Nhiều em đánh giá đề thi không quá khó, nhất là ở phần làm văn 7 điểm, nhưng khó đạt điểm tuyệt đối.
Thí sinh Bạc Liêu hoàn thành môn thi Ngữ Văn. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Một nữ thí sinh thi tại điểm thi THPT chuyên Bạc Liêu thẳng thắn chia sẻ: "Em thấy khó ở phần đọc hiểu, ban đầu đọc vào em không hiểu gì. Nhưng ở phần làm văn, câu nghị luận viết đoạn văn nói về ý chí của con người trong cuộc sống, em thấy rất hay. Có lẽ phần này nhiều bạn sẽ làm được".
Em Hoàng Long (thi tại điểm thi THPT chuyên Bạc Liêu) thì đánh giá, đề Văn năm nay có thể đạt điểm trung bình nhiều, nhưng điểm cao 9, 10 thì không nhiều.
* Ghi nhận của PV tại cụm thi Sóc Trăng, khoảng 9h10 sáng nay, tại điểm thi THPT TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), nhiều thí sinh ở điểm thi này rời phòng thi sau khi hoàn thành bài thi môn ngữ Văn với tâm trạng vui vẻ.
Thí sinh Sóc Trăng rời phòng thi rất vui vẻ. (Ảnh: Xuân Lương)
Thí sinh đầu tiên rời phòng thi sau khi hoàn thành bài thi môn ngữ Văn là em Nguyễn Vĩnh (học sinh lớp 12A1, trường THPT TP Sóc Trăng) với tâm trạng thoải mái.
Em Vĩnh cho biết: “Đề môn ngữ Văn không khó với chúng em. Câu NLXH bàn về sức mạnh ý chí của con người quá quen thuộc nên em làm được. Còn bài nghị luận văn học cho ở tác phẫm bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng vậy, không khó lắm. Trong phòng của em, nhiều bạn làm bài tốt”.
* Tại Phú Yên, sáng nay hơn 10.300 thí sinh bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia 2019 - môn Ngữ văn.
Đa số các thí sinh đều đánh giá đề thi hay, bám sát chương trình học. Tuy nhiên cũng có một bộ phận không nhỏ thí sinh làm chưa được Câu 2 (Phần II: Làm Văn) vì không ôn kỹ bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của Hoàng Vũ Ngọc Tường”
Thí sinh Võ Thị Mỹ Duyên, điểm thi THPT chuyên Lương Văn Chánh nói: “đề văn năm nay khá hay, không quá dài. Thí sinh ôn bài đầy đủ, không “học tủ” thì có thể đạt từ 6 - 7 điểm… Riêng em “học tủ” bài Đất Nước nên khi ra bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, em không tự tin lắm đến kết quả làm bài của mình”
Nhiều thí sinh cho rằng mình có thể đạt từ 6 -7 điểm với đề Văn năm nay (ảnh: Trung Thi)
Tương tự em Võ Mạnh Hiên cũng cho rằng đề thi năm nay khá “dễ thở” chỉ cần thí sinh ôn đầy đủ các bài thì dễ dàng kiếm điểm 7.
* Sau buổi thi Văn, nhiều thí sinh tại TP Nha Trang, Khánh Hòa nhận định đề Văn nhìn chung hơi dài nhưng tương đối vừa sức, học sinh trung bình có thể đạt trên 5 điểm.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia tại TP Nha Trang, Khánh Hòa rời trường thi sau môn Văn trưa 25/6. (Ảnh: Viết Hảo)
Thí sinh Như Ý, dự thi tại điểm thi trường THPT Lý Tự Trọng, TP Nha Trang cho biết: đề Văn có 6 câu, trong đó một câu hỏi mở viết một đoạn văn ngắn nói về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống. Câu hỏi mở 2 điểm khiến thí sinh hào hứng trình bày ý kiến của mình.
“Theo đánh giá của em đề Văn này thì học sinh trung bình khá có thể đạt trên 6 điểm, học sinh khá giỏi có thể đạt trên 8 điểm. Trong phòng nhìn chung nhiều thí sinh khác cũng thấy làm được bài. Em cũng làm được 70% của đề thi”, thí snh Như Ý chia sẻ.
Trong khi đó, thí sinh Quang Nhật Khang cho biết, nhìn chung đề Văn dài nhưng vừa sức. học sinh vẫn làm được bài.
“Theo em với đề Văn này, học sinh trung bình có thể đạt 4-5 điểm, học sinh giỏi khá có thể đạt 6-7 điểm. Đề này thì em đã làm hết bài, hi vọng sẽ đạt điểm tốt”, thí sinh Khang nói.
* Tại Bình Định, kết thúc 120 phút môn thi Ngữ văn, nhiều thí sinh nhận định đề thi bám sát chương trình phổ thông và phổ điểm thí sinh đạt 5-6 điểm.
Em Nguyễn Quang Hưng, học lớp 12A trường THPT Quốc học Quy Nhơn, nhận định: “Cấu trúc đề Ngữ văn năm nay không thay đổi như các năm, đề bám sát chương trình sách giáo khoa. Đặc biệt, bài NLXH về khát vọng chinh phục của con người làm em rất hứng thú. Dù em không phải học sinh chuyên văn nhưng em làm chắc phải trên 5-6 điểm”.
Bạn Xuân Hằng đánh giá đề thi Ngữ văn năm nay khá hay (ảnh Doãn Công).
Còn em Phạm Thị Xuân Hằng, học sinh lớp 12A6 trường THPT Quốc học Quy Nhơn cũng cho rằng ý câu nghị luận xã hội nói về ý chí con người cũng như ý chí chúng em quyết tâm thi đầu tốt nghiệp và đại học nên rất phù hợp với tấm lý các bạn nên em nghĩ các bạn sẽ làm tốt.
* Kết thúc buổi thi môn Văn, nhiều thí sinh ở điểm thi Đồng Tháp cho biết đề thi năm nay vừa sức. Tuy nhiên phần khó nhất là đọc hiểu.
Em Nguyễn Thị Phương Thảo - học sinh trường THPT TP Cao Lãnh chia sẻ: “Em thấy đề thi năm nay khó nhất là phần đọc hiểu. Với 4 câu hỏi, tụi em khá mất nhiều thời gian để làm các câu hỏi này. Nhưng rất may phần làm văn tương đối thuận lợi cho tụi em, tuy nhiên với các thí sinh không chuyên văn thì việc lấy điểm 6 -7 là khó”.
Nhiều học sinh thi môn Văn tại điểm thi Đồng Tháp đều than khó với các câu hỏi ở phần đọc hiểu
Em Nguyễn Đăng Khoa - học sinh trường THPT TP Cao Lãnh là học sinh đạt giải Ba môn Văn cấp tỉnh cho biết, khi nhận đề thi môn Văn, nhìn các câu hỏi ở phần đọc hiểu em có chút hoang mang. Với các thí sinh học lực trung bình và khá thì rất khó để làm tốt phần câu hỏi đọc hiểu.
Em Nguyễn Đăng Khoa cho biết: “Em học trội môn văn, tuy nhiên khi nhận đề thi em khá bất ngờ với các câu hỏi ở phần đọc hiểu, vì để làm tốt các câu hỏi này, thí sinh cần nằm vững kiến thức và có suy luận qua các vần thơ nên khó. Với các thí sinh làm bài tốt ở phần này thì mức điểm cao nhất là 2,5 điểm. Riêng em do có nhiều kinh nghiệm trong học văn và hoàn thành bài thi khá tốt nên bài thi sẽ đạt trên 8 điểm”.
Em Nguyễn Đăng Khoa - học sinh trội văn nhưng khi đọc các câu hỏi ở phần đọc hiểu em thấy hoang mang và mất nhiều thời gian mới làm được các câu hỏi này
Tại Cụm thi Đồng Tháp có 12.928 thí sinh đăng ký dự thi môn Văn, sáng nay vắng 41 thí sinh, không có thí sinh vi phạm quy chế thi.
Kiên Giang có 12.272 thí sinh đăng ký dự thi, vắng 37 thí sinh, trong đó có 18 thí sinh đã tốt nghiệp THPT. Có 1 thí sinh vắng mặt do bị tai nạn giao thông. Hiện điểm thi đang theo dõi tình hình sức khỏe của thí sinh này.
* Sáng nay, hơn 8000 thí sinh Hà Nam làm bài thi môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Theo đánh giá của các thí sinh tại Hà Nam, đề Ngữ văn năm nay không quá khó, kiếm được điểm trung bình cũng không phải là quá khó.
Theo thí sinh Trần Thị Ngọc, học sinh lớp 12A8, trường THPT Nam Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cho biết: “Đề thi năm nay so với các năm khác không quá khó, sát chương trình ôn tập của thầy cô, em nghĩ nếu bạn nào thi chỉ để xét tốt nghiệp thì ở dạng đề này sẽ đạt được mục tiêu. Riêng phần nghị luận thì tùy năng lực hay sở trường của từng học sinh thì mới biết được giành điểm khá không”.
Cũng như em Ngọc, thí sinh Ngô Hải Yến, cho biết: “Mặc dù em không học quá tốt môn Ngữ văn, nhưng em vẫn khá tự tin dành ít nhất điểm 6”.
Những thí sinh khác vội vã ra về để chuẩn bị cho môn thi buổi chiều
* Tại các Hội đồng thi tại Nam Định, các thí sinh thành Nam đều nhận định đề bám sát chương trình ôn tập của thầy cô, kết thúc môn thi nhiều thí sinh tâm lý khá phấn khởi, thoải mái và rất tự tin vào phần trình bày của mình.
Thí sinh thành Nam rạng rỡ vì đề sát chương trình ôn tập
Theo em Vũ Diễm Hằng, học sinh lớp 12H, trường THPT Lê Quý Đôn phấn khởi: Khi nhận đề thi, em và nhiều bạn đều vỡ òa vui sướng vì trước đó, đề cương ôn tập của Sở triển khai rất sát với đề.
* Ghi nhận tại điểm thi THPT Kim Liên (Hà Nội), thí sinh tự do Dương Hồng Quang cho rằng chưa từng nghĩ câu nghị luận xã hội về sức mạnh ý chí của con ngừoi lại dễ dàng và mở tới vậy, nó được liên kết với câu đọc hiểu nên em không mất nhiều thời gian để suy nghĩ, cứ thế viết theo một mạch từ câu nọ nối sang câu kia.
Đối với câu NLVH, em cảm thấy đề rất khó, mất nhiều thời gian để suy nghĩ, lập ý chính và nêu cảm nhận của em về đoạn trích, em không tự tin về bài thi của mình. Em cho rằng điểm của em không cao vì bị mất điểm ở câu thi này, hi vọng sẽ được trên 5 điểm.
Thí sinh Đỗ Nguyễn Hải Anh trường THPT Đống Đa (Hà Nội) cho biết, em không tự tin vào kết quả môn thi ngày hôm nay, câu nghị luận xã hội sẽ cứu điểm cả môn thi này, vì câu hỏi bám sát nội dung học và vận dụng được các kiến thức thực tế cuộc sống để làm bài.
Em rất thích câu NLXH, còn đối với câu NLVH quá khó và chưa từng nghĩ sẽ vào bài văn đó, chính xác là em “lệch tủ” nên em không phân tích được nhiều trong bài thi.
Thí sinh Trần Thị Cẩm Ly, trường THPT Đống Đa chia sẻ: "Em làm được 80%, đề năm nay khá hay và vừa sức với tất cả học sinh có sức học từ trung bình trở lên. Phần 1 vận dụng nhiều kiến thức, khó hơn so với đề thi năm ngoái.
Còn phần 2 vừa sức của em hơn, nói về ý chí, sức mạnh con người, phù hợp và có ý nghĩa với giới trẻ hiện nay trong đó có cá nhân em. Đề thi liên hệ với hiện thực về ý chí sức mạnh mà học sinh sinh viên cần phải có. Nghị lực này giúp e vươn lên học tập rèn luyện chính mình để gặt hái được thành công trong cuộc sống. Em tin đây là câu mang điểm tương đối cao cho em.”
Thí sinh Phan Thị Cẩm Nhi chia sẻ về đề thi Văn. (Ảnh: Hoàng Hải)
* Kết thúc buổi thi môn Văn, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, nhiều thí sinh tại Thanh Hóa cho biết, đề thi không khó, phù hợp với những kiến thức đã được ôn tập nên tự tin với bài làm.
Ghi nhận tại một số điểm thi trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, kết thúc buổi thi môn Văn, theo đánh giá của nhiều thí sinh, đề thi môn Văn năm nay dễ, chủ yếu là những kiến thức cơ bản và học sinh đã được ôn tập kỹ từ trước nên không bị bất ngờ.
Thí sinh tại Thanh Hóa làm bài thi môn Văn.
Thí sinh Nguyễn Ngọc Bằng, học sinh Trường THPT Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa cho biết, môn Văn không phải khối chuyên của em nhưng em thấy đề văn năm nay phù hợp với kiến thức em đã ôn thi trước đó và tự tin đạt kết quả cao.
Còn thí sinh Đỗ Văn Hùng, điểm thi Trường THPT Đào Duy Từ cùng chung nhận định, em thấy đề Văn không quá khó, sát với chương trình học, nhiều câu hỏi trong đề thi có liên quan đến nhau nên cũng thuận lợi cho thí sinh khi làm bài.
Thời điểm kết thúc buổi thi môn Văn, các thí sinh và người nhà tại Thanh Hóa rời điểm thi trong điều kiện thời tiết nắng nóng nên khá vất vả.
Buổi thi môn Văn, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tại Thanh Hóa vắng 1 62 thí sinh, có 3 thí sinh bị đình chỉ thi.
Thông tin từ Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Thanh Hóa, buổi thi môn Văn sáng ngày 25/6, vắng 162 thí sinh; có 3 thí sinh bị đình chỉ thi vì sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi.
Trong buổi thi môn Văn, tại Thanh Hóa có 3 thí sinh bị đình chỉ thi. (Ảnh: Duy Tuyên)
Cũng trong sáng ngày 25/6, ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tỉnh Thanh Hóa cùng đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT đã đi kiểm tra công tác thi tại điểm thi Trường THPT Hàm Rồng và điểm thi Trường THPT Đào Duy Từ (thành phố Thanh Hóa).
Tại các điểm thi, ông Quyền lưu ý các điểm thi tập trung thực hiện tốt các khâu tổ chức, nội quy, quy định của kỳ thi, bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Điểm trưởng các điểm thi nhắc nhở cán bộ coi thi đánh số báo danh, sơ đồ phòng thi, thời gian thi cho từng môn đúng quy chế, cán bộ coi thi hạn chế đi lại nhiều gây mất tập trung cho thí sinh khi làm bài.
Các điểm thi phải bảo đảm an toàn tuyệt đối khâu vận chuyển, bảo quản đề thi, bài thi, quá trình phát đề cho thí sinh nếu dư đề thi cán bộ coi thi phải thực hiện niêm phong ngay tại phòng thi.
Ông Quyền cũng lưu ý việc ký xác nhận của cán bộ coi thi, tránh tình trạng cán bộ coi thi ký nhầm vào vị trí của cán bộ chấm thi. Cùng với đó, lực lượng an ninh tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, không để xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện...
* Ghi nhận tại Lâm Đồng: Thí sinh Vũ Ngọc Anh ( điểm thi THPT Đạ Huoai, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ, đề thi năm cũng không quá khó, nằm trong chương trình mà chúng em được ôn tập.
“Câu đầu (Đọc hiểu) là dễ nhất, em nghĩ đa số thí sinh đều làm được. Riêng phần cảm nhận về hình tượng sông Hương trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, thì em làm hơi mông lung nhưng chắc cũng được 5 điểm”, em Ngọc Anh nói.
Thí sinh điểm thi THPT Đạ Huoai, Lâm Đồng kết thúc môn thi Ngữ Văn trong tâm trạng thoải mái ( ảnh Ngọc Hà)
Tương tự thí sinh, Lê Nguyễn Minh Trí (Điểm thi THPT Đạ Huoai, Lâm Đồng) cho biết đề thi cũng vừa tầm và em đều làm được theo kiến thức mà em đã được học trong trường. Em thi khối A chỉ lấy điểm xét tốt nghiệp nên về phần thi sáng nay em thấy khá thoải mái.
Năm nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có tổng số 13.722 thí sinh đăng ký dự thi môn Ngữ Văn, trong đó có 13.677 thí sinh dự thi (tỉ lệ 99,6%), vắng 55 thí sinh (tỉ lệ 0,4%). Không có trường hợp nào bất thường.
* Trưa 25/6, theo báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, buổi thi môn Ngữ văn có 39 thí sinh vắng thi.
Buổi thi môn Văn sáng nay, tỉnh Quảng Trị có 7.732 thí sinh đăng ký dự thi, số thí sinh đến trường dự thi là 7.693, vắng 39 thí sinh. Tỉ lệ thí sinh dự thi đạt 99,5%.
Ban chỉ đạo thi động viên các em trước và sau buổi thi. (Ảnh: Đ. Đức)
Trong buổi thi môn Văn, tại Quảng Trị không ghi nhận trường hợp cán bộ coi thi vi phạm nội quy, cũng như không có thí sinh nào bị kỷ luật, đình chỉ do vi phạm quy chế. Buổi thi đầu tiên của kỳ thi diễn ra tương đối nghiêm túc.
Nhằm động viên thí sinh dự thi, Ban chỉ đạo kỳ thi đã có mặt tại các điểm thi để chia sẻ với các thí sinh, giúp thí sinh ổn định tâm lý bước vào thi.
Nhóm PV