Sức mạnh của lời động viên- Bài học lớn nhất sau một kỳ làm trợ giảng!
(Dân trí) - Tôi chợt nhớ đến những buổi họp phụ huynh ngày còn nhỏ. Mọi khuyết điểm và "lỗi lầm" của học sinh sẽ được đem ra bàn luận trước tất cả phụ huynh. Học sinh nào có nhiều "sai phạm" là y rằng sẽ bị phân tích rất gay gắt và nặng nề. Có lần, đi họp phụ huynh về, mẹ nói với tôi "đừng chơi với bạn X, vừa học dốt vừa hư"...
Đôi nét về tác giả bài viết
Tác giả Trương Thanh Mai từng là cựu SV ĐH Bách khoa Hà Nội. Hiện cô đang là nghiên cứu sinh ngành Chính sách công và Trợ giảng tại ĐH Arizona, Mỹ.
Trước khi du học Mỹ, Thanh Mai từng học Thạc Sỹ ngành Nghiên cứu Phát triển tại Anh (khoá học 2013-2014) theo suất học bổng Chevening của chính phủ Anh.
"Kể từ sau vụ khủng bố 11/9, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga trở nên vô cùng xấu. Sự kiện ấy đã khiến nhiều người Mỹ có định kiến không tốt về người Nga. Trong bài luận này, tôi sẽ....", tôi cười sặc sụa khi đọc được đoạn mở đầu này trong một bài luận của sinh viên. Tôi vẽ một vòng tròn đỏ gọn gàng quanh chữ "Nga" kèm lời phê "Em xem lại kiến thức phần này nhé. Cấu trúc bài thì OK nhưng kiến thức chưa chắc chắn". Đang hoan hỉ với lời nhận xét của mình, tôi bị giật mình bởi giọng nói sang sảng của thầy:
-Mai, em có thấy cậu sinh viên Martin đến gặp em không?
-Em gặp cậu ấy rồi. Cậu ấy hay đến các giờ văn phòng của em để hỏi bài. Trước khi nộp bài luận, cậu ấy còn mang dàn ý đến cho em góp ý. Hôm kia, Martin đến hỏi em mấy câu hỏi để chuẩn bị cho bài kiểm tra cuối kỳ.
Martin là cậu sinh viên người Mỹ mắt sáng, thông minh, hay nói và rất nhiệt tình trong học tập. Cứ có chỗ nào không hiểu là cậu lại vác sách đến nhờ tôi giải đáp. Nếu vẫn chưa rõ, cậu cũng chẳng ngần ngại email cho tôi để hỏi cho thật tường tận mới thôi. Tôi rất quý em sinh viên này. Khi tôi đưa điểm bài kiểm tra cuối kỳ lên website, chỉ mấy phút sau, tôi nhận được email của Martin "Có thật, em được 97 điểm không ạ? Vậy là A ạ. Em cảm ơn rất nhiều!" Tôi trả lời lại: "Đúng vậy, em đã rất chăm chỉ và cố gắng kỳ học vừa qua. Chúc mừng em".
-Martin đã rất chịu khó kỳ vừa qua. Cậu ấy bắt đầu không được tốt lắm, nhưng thầy rất phục những nỗ lực của em ấy. Có gì em lưu ý khi chấm bài cho cậu ấy nhé.
-Vâng ạ, thầy cứ yên tâm. Những em sinh viên nào chăm chỉ và cố gắng, em đã ghi lại tên vào một cuốn sổ riêng rồi ạ.
Thầy gật đầu, hài lòng chào tôi, và rời đi. Chưa được nửa phút, tôi đã thấy thầy chạy vội lại và nói với tôi:
-Phương châm dạy của thầy là luôn động viên và khuyến khích sinh viên. Ngày trước, thầy có một trợ giảng có triết lý rất khác thầy. Bạn ấy quan niệm rằng "yêu là phải cho roi cho vọt, muốn sinh viên giỏi phải phê bình, chỉ trích". Thầy hoàn toàn không đồng ý! Kết quả là, sau bài thi thử đầu tiên, hơn 1/3 sinh viên xin rời lớp. Em hãy cố gắng luôn động viên sinh viên nhé. Thế sinh viên mà bài giữa kỳ được điểm 0 thế nào rồi em?
-À, em ấy cũng đến gặp em khoảng hai lần rồi ạ. Nghe lời thầy, em cũng động viên em ấy rất nhiều. Em nghĩ em ấy có học bài, nhưng chưa biết chọn lọc thông tin để trả lời câu hỏi. Em nói với em ấy rằng, điều đó không phải hiếm đối với sinh viên năm đầu. Em cũng yêu cầu em ấy đến gặp em để em xem qua dàn bài bài luận trước khi nộp. Và em ấy đã viết tốt hơn rất nhiều.
-Thế tốt rồi, đối với những sinh viên có cố gắng, đừng bao giờ ngần ngại tặng cho họ những lời động viên, khuyến khích.
Có lẽ bài học lớn nhất tôi học được sau một kỳ làm trợ giảng là học cách động viên, khuyến khích người khác và học cách sử dụng từ ngữ làm sao để tăng sự tự tin, lạc quan của người nghe.
Nếu bạn biết tôi ngoài đời trước đây, có thể bạn đang tròn mắt ngạc nhiên. Tôi không phải là người thật sự khéo léo với từ ngữ, đôi khi tôi lỡ lời nói một điều gì đó làm người nghe cảm thấy không hài lòng. Tôi cũng không phải là người hay động viên và khen ngợi người khác. Có thể tôi rất yêu quý và trân trọng một ai đó, nhưng những lời nói "hoa mỹ", động viên vẫn bướng bỉnh không chịu thoát ra khỏi miệng tôi.
Tôi đã từng nghĩ rằng, mình cứ sống thật là mình, mình chân thành thì dù mình không khéo cho lắm cũng không sao. Nhưng dần tôi hiểu rằng, tại sao mình không hào phóng cho đi những lời khen ngợi, và động viên người khác. Điều này lại càng quan trọng trong giáo dục. Một lời chê, một lời phê bình thiếu tế nhị có thể giết chết sự tự tin của một học sinh, một sinh viên, một con người!
Tôi chợt nhớ đến những buổi họp phụ huynh ngày còn nhỏ. Mọi khuyết điểm và "lỗi lầm" của học sinh sẽ được đem ra bàn luận trước tất cả phụ huynh. Học sinh nào có nhiều "sai phạm" là y rằng sẽ bị phân tích rất gay gắt và nặng nề. Có lần, đi họp phụ huynh về, mẹ nói với tôi "đừng chơi với bạn X, vừa học dốt vừa hư".
Giờ đây nghĩ lại, tôi thấy thật tội nghiệp cho những ai giống bạn X. Thử tưởng tượng một đứa trẻ, tính cách còn chưa thành hình thành khối, bị nhận xét giữa công chúng rằng nó dốt, nó không có năng lực, đứa trẻ ấy sẽ thế nào? Câu trả lời có lẽ ai cũng hiểu phải không?
Đừng nghĩ rằng, chỉ cần ta thật sự yêu thương thì ta cứ tha hồ vô tư "cho roi cho vọt". Biết đâu những vết roi vọt ấy lại tạo thành những vết sẹo không bao giờ lành? Thay vào đó, nếu giáo viên nói riêng với phụ huynh và động viên em "em còn chưa tốt điểm này, nhưng cô tin rằng nếu em chăm chỉ, em sẽ làm được". Kết quả sẽ khác lắm!
Càng ngày tôi càng hiểu rằng, giáo dục không phải là công cụ để chỉ ra ai giỏi, ai dốt, để phê bình chỉ trích. Giáo dục nên tập trung vào phát huy tiềm năng trong mỗi con người. Vì lý do này, tôi phản đối việc dán điểm của học sinh, sinh viên trên bảng tin toàn trường hoặc đưa điểm lên mạng để tất cả mọi người có thể xem được.
Thử nghĩ xem nếu một sinh viên bị điểm kém, và tất cả sinh viên trong trường đều có thể nhìn thấy, em ấy sẽ nghĩ thế nào? Tôi vẫn nhớ những lời đồn đại "đứa đấy học dốt", "nó không thông minh". Ngày trước tôi cũng hùa theo những lời nói ấy.
Nhưng giờ đây khi đã đọc, học và tham gia vào quá trình giảng dạy, tôi tự đặt cho mình những câu hỏi "Thế nào là thông minh?", "Liệu có một tiêu chuẩn nào để đánh giá sinh viên này thông minh hơn sinh viên kia?", "Giỏi toán/lý/hoá/anh là thông minh hơn những người không giỏi", "Thông minh là lập tức đưa ra câu trả lời mà ..chưa cần nghĩ?", “Thông minh là học ít mà vẫn thi đỗ?”
Với tôi của hiện tại, tất cả những định nghĩa về học sinh giỏi, học sinh thông minh như thế thật vô cùng nông cạn. Tôi đã từng chia sẻ rất nhiều lần một quan điểm qua các bài viết của mình, và hôm nay tôi muốn nhắc lại một lần nữa: Tôi tin sâu sắc rằng, đằng sau mỗi cá nhân đều có một năng lực nào đó, mỗi người mỗi vẻ, mỗi người một tiềm năng. Và một lời động viên, một câu khen ngợi khích lệ đúng lúc biết đâu sẽ khiến cái tiềm năng ấy không còn bướng bỉnh trốn tránh nữa!
Để tôi kể cho bạn chuyện này nhé. Mấy năm trước, khi đang dự lễ tốt nghiệp của khoá sinh viên năm ấy, bố mẹ của một sinh viên (cả hai đều là luật sư thành đạt) tìm thầy và nói lời cảm ơn "Nhờ có thầy mà cháu mới có được ngày hôm nay. Thầy đã động viên cháu rất nhiều. Trong năm đầu đại học, bài thi giữa kỳ môn của thầy, cháu chỉ được điểm C. Cháu vẫn còn nhớ, thầy đã động viên "em có thể đạt được điểm A". Chỉ một câu nói ấy thôi, cháu đã tự tin và nỗ lực rất nhiều".
Thầy nói với tôi:
-Thầy thật sự không nhớ mình đã nói thế với cậu học sinh ấy. Nhưng thầy rất vui, vì chỉ một câu nói đơn giản ấy thôi đã có thể giúp cậu ấy rất nhiều. Kể từ ấy, thầy luôn lên lớp với triết lý: LUÔN KHUYẾN KHÍCH VÀ ĐỘNG VIÊN HỌC SINH CỦA MÌNH.
Câu chuyện của thầy đã chạm vào sâu thẳm cảm xúc trong tôi. Đã có một khoảng thời gian dài, tôi loay hoay đi tìm bản thân mình. Những câu hỏi như "Tôi thực sự giỏi cái gì?", "Ước mơ của tôi là gì?", "Điểm mạnh của tôi là gì?", vân vân và vân vân, đằng đẵng bám theo tôi. Tôi chợt nhận ra những thiếu tự tin, những hoài nghi về chính bản thân mình không chỉ bắt nguồn từ cách người lớn đã từng so sánh tôi với người khác khi tôi còn là một đứa trẻ, mà còn vì tôi đã không nhận được lời động viên, khích lệ khi cần thiết.
Tôi thường nghe người ta "nguỵ biện" mỗi khi phê bình, chỉ trích hoặc giao tiếp một cách thẳng thắn thiếu tế nhị rằng: Yêu thì mới cho roi cho vọt, nói khó nghe thế thôi nhưng sâu thẳm lại nhiệt tình tốt bụng. Bây giờ tôi nhận ra, tất cả những điều ấy chỉ là vỏ bọc hoàn hảo cho sự bất lịch sự và thiếu nhạy cảm trước cảm xúc của người khác.
Giờ đây tôi hiểu rằng, nói thẳng những khuyết điểm và chê bai thì dễ đấy, nhưng chỉ để vuốt ve cái tôi của ta thôi. Còn nói làm sao để người khác thấy được những nhược điểm của họ, nhưng lại có thể khích lệ họ tiến lên, khiến họ không mất tự tin lại là cả một nghệ thuật. Một nghệ thuật có lẽ ta phải học cả đời.
Trong khoá học Research Design (Thiết kế Nghiên cứu), chúng tôi có một bài giảng về cách đưa ra nhận xét đối với nghiên cứu của đồng nghiệp. Nhiều người cho rằng, khoa học chỉ cần chính xác, cần gì phải lựa lời ăn tiếng nói khi đưa ra nhận xét: Sai thì chỉ trích là sai, đúng thì bảo là đúng thôi.
Giáo sư của tôi lại có quan điểm khác: trong giới khoa học, những giáo sư được tôn trọng nhất lại là những người vừa giỏi chuyên môn, vừa khéo léo, tế nhị khi làm việc với sinh viên và những nhà nghiên cứu trẻ mới vào nghề.
Họ nhận xét những công trình nghiên cứu của người khác một cách lịch sự, đầy tính xây dựng, và luôn khiến người được nhận xét cảm thấy khích lệ động viên và tôn trọng. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Xét cho cùng, làm khoa học hay bất cứ ngành nghề gì, ta cũng chẳng tránh được mối quan hệ giữa người và người!
Mấy hôm trước, tôi nhận được email của cậu sinh viên Martin "Cảm ơn cô đã luôn khuyến khích động viên em trong học kỳ vừa qua. Thật vui vì được làm việc cùng với cô. Nhờ có những lời động viên của cô mà em mới tin mình có thể học để đạt được điểm A". Tôi xúc động lắm, tôi không ngờ những lời động viên của mình có thể khiến cậu ấy cố gắng đến thế.
Nếu bạn cũng có niềm tin như tôi, hãy cùng tôi bắt đầu năm mới bằng cách trao đi những lời khích lệ, động viên bạn nhé. Nếu ai đó sẻ chia với bạn ước mơ của họ, đừng bắt đầu bằng "Bạn không làm được đâu", "Làm thế để làm gì", "Khó lắm, làm sao làm được". Ta không bao giờ biết được những lời ấy có thể để lại một vết sẹo lớn thế nào trong lòng người khác. Ta hãy nói "Tôi tin bạn làm được", "Bạn có năng lực mà".
Nếu ta thấy họ còn thiếu kỹ năng gì thì đừng nói "không biết làm A, mà cũng đòi làm B". Hãy nói "nếu bạn cố gắng hoàn thiện kỹ năng này, tôi tin bạn sẽ làm được những điều bạn muốn".
Tôi tin một cách sâu sắc rằng, ta đừng bao giờ nên nói với một đứa trẻ, một sinh viên, một học sinh rằng "em/con không thể làm được điều ấy đâu", "em/con dốt, không thông minh, giỏi giang như bạn này bạn kia". Đó chẳng khác nào một nhát dao cắt sâu vào sự tự tin của người khác!
Thanh Mai
(Từ ĐH Arizona, Mỹ)