Sự cố dừng nhiều điểm thi tốt nghiệp đã nằm trong kịch bản

Mỹ Hà

(Dân trí) - (Dân trí) PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, các địa phương đã làm chủ tình hình, chuẩn bị sẵn các kịch bản từ trước.

Theo Bộ GD-ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là hơn 1 triệu, với 2.233 điểm thi và 43.139 phòng thi.

Các điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.

Kết thúc đợt thi thứ nhất, có 18 thí sinh vi phạm quy chế và bị đình chỉ, không có cán bộ nào vi phạm.  

Hơn 23.000 thí sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19 không thể dự thi

Sự cố dừng nhiều điểm thi tốt nghiệp đã nằm trong kịch bản - 1

Thí sinh được đo thân nhiệt trước điểm thi.

Bộ GD-ĐT không ép các địa phương tổ chức thi

Tại họp báo, nhiều phóng viên đánh giá cao nỗ lực của Bộ GD-ĐT vì tổ chức kỳ thi trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Về sự cố dừng thi do dịch Covid-19 ở một số địa phương, Bộ đánh giá ra sao? Có nhất thiết phải tổ chức thi ở TPHCM khi dịch vẫn đang phức tạp? 

PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: "Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang rất phức tạp nên không thể "áp" chung một cách thức cho tất cả các địa phương. Do đó, mỗi địa phương phải lên kịch bản phù hợp với tình hình thực tế của mình.  

Việc tổ chức, xử lý các tình huống liên quan đến dịch Covid-19 tại địa phương, thuộc trách nhiệm trực tiếp của địa phương. Năm nay, các địa phương đã làm chủ tình hình, chuẩn bị sẵn các kịch bản từ trước.

Ở một số địa phương như TPHCM, Phú Yên, Đồng Tháp, khi phát hiện có thí sinh dương tính Covid-19 trong các buổi thi, các địa phương đã có cách xử lý chủ động, phù hợp.

Những tình huống bất ngờ này đều nằm trong kịch bản tổ chức kỳ thi và khi diễn ra, đã ngay lập tức được kích hoạt. Do đó hoàn toàn không có sự bị động, bất ngờ. Các thí sinh thuộc diện F0 đều nhanh chóng được đưa đi cách ly; các thí sinh F1, F2 liên quan cũng được thi giãn cách, thi ở phòng thi dự phòng và thi xong được đưa đi cách ly theo quy định. Đó đều là những tình huống nằm trong kịch bản ứng phó với Covid-19 và chúng ta đã làm chủ được tình hình".

Ông Trinh nhấn mạnh, việc tổ chức, xử lý các trường hợp liên quan đến dịch Covid-19 tại địa phương sẽ do địa phương tổ chức. Nếu đảm bảo các quy định về an toàn phòng chống dịch, các địa phương có quyền quyết tổ chức kỳ thi.

"Bộ GD-ĐT không ép các địa phương tổ chức thi, trên cơ sở căn cứ các quy định, các địa phương được chủ động triển khai. Chúng ta không nên ứng xử riêng biệt với từng thí sinh mà ứng xử trên cơ sở gói tổng thể về việc xử lý dịch Covid-19 nói chung thì sẽ thấy hợp lý", ông Trinh nói.

Ông Trinh chia sẻ thêm, ngay từ đầu năm, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo phát triển ngân hàng đề thi sao cho phong phú, dày dặn hơn, hướng dẫn các địa phương có các kịch bản cụ thể về phòng chống dịch Covid-19 - đó là bài học về sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Bộ Giao thông… Kết quả này không phải trên giấy mà trên thực tiễn. 

Ngoài ra, đó còn là bài học về việc luôn luôn phải đặt học sinh ở trung tâm của giáo dục, phải xuất phát từ nhu cầu của học sinh và từ các công văn của Bộ GD-ĐT về việc hướng dẫn các địa phương để tổ chức kỳ thi an toàn. 

Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để ra quyết định. Trong đó, một số địa phương rất công phu, chẳng hạn TPHCM lấy ý kiến của phụ huynh trước khi kỳ thi diễn ra…

Sự cố dừng nhiều điểm thi tốt nghiệp đã nằm trong kịch bản - 2

Thí sinh F0 đang thi dở sẽ được đặc cách tốt nghiệp

Về việc trong quá trình thi, một số địa phương phát hiện ra ca F0 nhưng mỗi nơi có cách xử lý khác nhau: Địa phương cho thi, địa phương tạm hoãn...

Theo PGS.TS Mai Văn Trinh, kỳ thi năm nay rất đặc biệt bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, chủng virus nhiều hơn, mức độ lây lan nhanh hơn. Chính vì thế, trên nguyên tắc căn bản, để các địa phương có những kịch bản phù hợp hơn. 

Các tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của mình để ra các quyết định khác nhau, làm chủ tình hình và có những ứng xử phù hợp. 

Còn đương nhiên, việc tổ chức, hoàn thành các khâu chuyên môn là của Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn khâu phòng chống dịch là của cả hệ thống chính trị. 

Trả lời câu hỏi, đối với những thí sinh đang thi tốt nghiệp nhưng sau đó không thi nữa vì phát hiện thuộc diện F0, Bộ GD-ĐT có phương án ra sao? 

Ông Trinh cho hay, đối với những thí sinh này, nếu các em chỉ lựa chọn xét tốt nghiệp thì các em sẽ được quyền đặc cách xét tốt nghiệp. 

Còn những em nào thi để xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng và đã thi được một số môn thì trong đợt thi tới đây, các em sẽ đăng ký thi tiếp. Bộ GD-ĐT luôn đặt quyền lợi và nguyện vọng của các em lên trên hết.