1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Nghệ An:

Sống giữa thị xã, gần 700 học sinh mầm non phải đi học nhờ

(Dân trí) - Xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) có 2 trường mầm non. Thế nhưng cả 2 trường mầm non với hơn 700 học sinh không có trường lớp kiên cố mà phải đi học nhờ trụ sở các hợp tác xã và nhà văn hóa các xóm.

Ông Nguyễn Viết Lộc - Trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Hoàng Mai cho biết: “Quỳnh Vinh cũng là xã duy nhất của thị xã Hoàng Mai chưa được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Nguyên nhân là chưa đáp ứng được điều kiện về cơ sở vật chất khi phần lớn phòng học của trẻ mẫu giáo, mầm non trên địa bàn đều là phòng mượn”.

Trường MN Quỳnh Vinh A hiện đang sử dụng trụ sở của HTX Đại Vinh để dạy và học.

37 cháu trong 1 phòng 20m2

Trường Mầm non Quỳnh Vinh A hiện có 280 trẻ, trong đó có 2 lớp 5 tuổi. Lứa tuổi này được ưu tiên học trong 2 phòng học mới xây dựng trên khuôn viên của HTX Đại Vinh.

“Theo quy định thì mỗi phòng học/học sinh phải đạt 55m2 nhưng hai phòng học dành cho trẻ 5 tuổi chỉ được 45m2. Đó cũng là sự cố gắng lớn của ngành giáo dục địa phương và nhà trường. Phòng học không đạt tiêu chuẩn về diện tích nhưng hôm nào trời nắng mỗi phòng phải “cõng” thêm 1 nửa học sinh của lớp 4 tuổi do phòng học lớp 4 tuổi C quá chật và nóng, học sinh không thể nằm ngủ trong đó được”, cô Thái Thị Lương – Hiệu trưởng Trường Mầm non Quỳnh Vinh A cho biết.

Nhà kho HTX Đại Vinh trở thành phòng chức năng của Trường MN Quỳnh Vinh A (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An).
Nhà kho HTX Đại Vinh trở thành phòng chức năng của Trường MN Quỳnh Vinh A (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An).

Trường MN Quỳnh Vinh A hiện đang nhờ địa điểm của HTX Đại Vinh và cũng chưa biết đến bao giờ có địa điểm mới. Trung bình mỗi phòng học ở đây chỉ có diện tích dưới 30m2, thậm chí như phòng học lớp 4 tuổi C chỉ có 20m2 với 37 trẻ/lớp. Tất cả các phòng học này đều tận dụng từ các phòng làm việc của Ban quản lý HTX trước đây. Lớp trẻ 3 tuổi là hội trường cũ của HTX được ngăn đôi bằng ván, chừa 1 lối đi thông giữa hai lớp. Để các cháu khỏi chạy từ lớp nọ sang lớp kia, các cô giáo dùng 1 cái bàn “tấn” giữa lối đi. Thậm chí phòng làm việc của hiệu trưởng nhà trường vẻn vẹn hơn 10m2 được tận dụng từ… kho thuốc sâu của HTX trước đây.

Phòng học chật chội ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy học cũng như đảm bảo an toàn cho trẻ.
Phòng học chật chội ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy học cũng như đảm bảo an toàn cho trẻ.

Phòng học chật chội, thiếu không gian cho cô và trò, không có khoảng trống để treo đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho việc dạy và học. Nhiều thiết bị dạy học, đồ chơi của trẻ phải bỏ trong các thùng giấy rồi chất lên, chồng thành chồng cao trên tủ, nhìn hết sức nguy hiểm khi các cháu ngủ phía dưới. Cũng vì diện tích quá chật nên giờ ngủ trưa, các cháu nằm sát với nhau nên dẫu 3-4 chiếc quạt hoạt động đến công suất thì các cháu cũng bết dính mồ hôi.

Các cháu nằm ngủ dưới những thùng đồ được chất trên nóc tủ.
Các cháu nằm ngủ dưới những thùng đồ được chất trên nóc tủ.

Phòng học chật chội, không thể bố trí ăn cơm trong lớp nên nhà trường phải “vay nóng”, làm mái che ngoài sân cho trẻ ăn cơm. “Vào mùa mát còn được chứ vài hôm nữa nắng nóng lên thì không biết cho các cháu ăn ở đâu”, cô Lương lo lắng. Khuôn viên bé xíu nên cũng không thể bố trí các đồ chơi ngoài sân một cách hợp lý, khoa học được. Cầu trượt, thú nhún, xích đu… xếp sát vào nhau, nguy cơ tai nạn cho trẻ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Không có không gian trưng bày, thiết bị dạy học phải cho vào thùng giấy gác lên cao nhường chỗ cho các cháu học và ngủ...
Không có không gian trưng bày, thiết bị dạy học phải cho vào thùng giấy gác lên cao nhường chỗ cho các cháu học và ngủ...

Cô giáo Đinh Thị Hồng Thắm - phụ trách lớp 5 tuổi tâm sự: “Phòng học chật chội nên nhiều khi các cô chuẩn bị bài giảng rất công phu nhưng không thể triển khai được, cũng không bố trí được đồ dùng, đồ chơi trực quan sinh động nên bài giảng nhàm chán, ảnh hưởng rất nhiều đến việc dạy và quản lý, chăm sóc trẻ”.

Cái khó của Trường tiểu học Quỳnh Vinh A ai cũng biết nhưng để đến bao giờ mới khắc phục được thì chưa ai có thể trả lời được vì hiện tại vẫn chưa tìm ra địa điểm đủ rộng để xây trường.

Trò đi học nhờ, cô kê bàn ra hiên nghỉ trưa

Trường Mầm non Quỳnh Vinh B

Không giống như cô trò Trường MN Quỳnh Vinh A, nỗi khổ của giáo viên, học sinh Trường MN Quỳnh Vinh B dường như đã “thấu” đến các cơ quan chức năng nên một ngôi trường mới với 8 phòng học đã được khởi công. Theo dự kiến, năm học tới các cháu sẽ được chuyển vào học trong các phòng học kiên cố, đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Điểm chính của Trường MN Quỳnh Vinh B là trụ sở HTX Vinh Hoa cũ.
Điểm chính của Trường MN Quỳnh Vinh B là trụ sở HTX Vinh Hoa cũ.

“Dự kiến thì năm học tới trường mới sẽ hoàn thiện. Nhưng chỉ có 8 phòng học thôi chứ toàn bộ phòng chức năng, hiệu vụ, kế toán, bảo vệ… đều chưa có. Các giáo viên vẫn tiếp tục phải ôm gối ra hành lang để nghỉ trưa nhưng dù sao cũng mừng vì các cháu có chỗ học khang trang, sạch sẽ”, cô Nguyễn Thị Tân – Hiệu trưởng Trường Mầm non Quỳnh Vinh B tâm sự.

Những chiếc phòng nhỏ xíu, chật chội và đã xuống cấp...
Những chiếc phòng nhỏ xíu, chật chội và đã xuống cấp...

Trường MN Quỳnh Vinh B có 400 cháu với 12 phòng học đặt tại 7 điểm trường khác nhau. Hiện trường mới chỉ có 2 phòng học ở cụm Tân Bình đã được xây kiên cố. Điểm chính của Trường đặt tại trụ sở HTX Vinh Hoa và 5 phòng học phải mượn nhà văn hóa xóm, phòng của giáo xứ Yên Hòa.

Chỗ nghỉ ngơi của các giáo viên là những chiếc ghế ghép lại hay ngoài hành lang lớp học khi điều kiện thời tiết cho phép.
Chỗ nghỉ ngơi của các giáo viên là những chiếc ghế ghép lại hay ngoài hành lang lớp học khi điều kiện thời tiết cho phép.

Trừ lớp học trong giáo xứ Yên Hòa ra thì tất cả các điểm trường còn lại đều không có nước sạch, không có nhà vệ sinh, không có tường rào bao quanh đủ tiêu chuẩn an toàn cho trẻ. Các phòng học mượn trong các nhà văn hóa không có cả đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho việc dạy và học. Bởi vậy tình trạng dạy chay – học chay là điều trong thể tránh khỏi. Vì không có nhà vệ sinh nên mỗi lần trẻ đại, tiểu tiện, giáo viên phải ngồi “canh bô” cho trẻ.

Điểm lớp mượn nhà văn hóa xóm 3 xã Quỳnh Vinh không đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ.
Điểm lớp mượn nhà văn hóa xóm 3 xã Quỳnh Vinh không đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ.

Trường học phân tán, phòng học xuống cấp, chật chội, ban giám hiệu nhà trường cũng không có phòng hiệu vụ, không phòng chức năng. Phòng làm việc của hiệu trưởng nhà trường là 4 phía được thưng bằng tôn ngay trong khu vực để xe của giáo viên. Việc bố trí bữa ăn bán trú cho trẻ chỉ thực hiện được ở điểm trường chính. Trẻ ăn ở sân, ngay sát giếng nước, vừa là nơi sơ chế thức ăn nên điều kiện an toàn vệ sinh cũng không được đảm bảo.

Chỗ nghỉ ngơi của các giáo viên và ban giám hiệu nhà trường cũng chỉ là hai chiếc ghế dài ghép lại hoặc có thể là mặt bàn, thậm chí, nếu khí hậu mát mẻ, họ phải kê chiếu ra hành lang để nằm.


Các phòng học mượn cũng không bố trí đủ trang thiết bị dạy học cho trẻ.

Các phòng học mượn cũng không bố trí đủ trang thiết bị dạy học cho trẻ.

“Trường lớp tách biệt nên riêng việc chỉ đạo bằng điện thoại cũng đã tốn kha khá tiền rồi, đó là chưa kể họp hội đồng hay họp chuyên môn cũng hết sức khó khăn. Việc họp hành chỉ có thể tiến hành vào các ngày nghỉ chứ ngày thường, đi từ điểm này đến điểm khác cũng mất vài cây số là ít”, cô Tân cho biết.

Theo thống kê của Phòng GD-ĐT thị xã Hoàng Mai, đến tháng 3/2016, toàn thị xã đang thiếu 5 phòng học dành cho trẻ mầm non 5 tuổi. Đối với phòng học dành cho trẻ 4 tuổi, 3 tuổi và nhà trẻ thì hiện thị xã đang thiếu 56 phòng, phải sử dụng 19 phòng tạm và 34 phòng mượn.

Hoàng Lam