Xây dựng tình cảm với con trẻ nơi... bàn ăn
(Dân trí) - Chiếc bàn ăn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và tập hợp các thành viên gia đình. Trong khi đó, một thực tế là chiếc bàn ăn trong các gia đình đang dần biến mất với tốc độ nhanh chóng….
Theo chuyên gia tâm lý người Mỹ, Tiến sỹ Gary Chapman, bàn ăn là một trong những nơi tốt nhất để xây dựng tình cảm với con trẻ. Những bữa ăn gia đình là dịp để tạo ra khoảng thời gian chất lượng cho tất cả các thành viên. Đây là một trong những hoạt động kết nối tình cảm hiệu quả nhất mà các bậc cha mẹ có thể tạo dựng.
Các tác giả cuốn sách “Nghệ thuật xoay chuyển tình thế” (NXB Lao động - Xã hội) cũng khẳng định, chiếc bàn ăn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và tập hợp các thành viên. Không có chiếc bàn, các thành viên sẽ mất đi phần lớn thời gian dành cho nhau. Đáng chú ý, các tác giả dẫn ra một nghiên cứu chỉ ra rằng trong các gia đình, chiếc bàn ăn đang dần biến mất với tốc độ nhanh chóng. Sự đoàn kết trong gia đình cũng đang xuống dốc với tốc độ tương tự.
Có sự liên quan nào giữa hai điều đó không?
Các tác giả cuốn sách nói trên chỉ ra một nhân tố góp phần khiến các thành viên gia đình không ăn cùng nhau, đó là chiếc lò vi sóng. Với thiết bị này, ta có thể dễ dàng chuẩn bị khẩu phần ăn cho từng người ở bất kỳ thời điểm nào. Và lúc đó, nhu cầu chuẩn bị một bữa ăn lớn không còn nữa. Sự biến mất của chiếc bàn ăn dẫn đến sự biến mất của một hoạt động thường xuyên giúp con người giao tiếp trực tiếp với nhau.
Một nhân tố khác làm ảnh hưởng đến sự gắn kết của các thành viên trong bữa cơm gia đình là các thiết bị điện tử (điện thoại di động, tivi). Dù chiếc bàn ăn có vai trò quan trọng trong xây dựng tình cảm gia đình, nhưng nếu bị “xâm lấn” bởi các thiết bị điện tử thì nó không làm được vai trò thiết yếu của nó nữa. Các thành viên gia đình ở bên nhau nơi bàn ăn nhưng nếu mỗi người đều bận rộn với các thiết bị điện tử trong bữa ăn thì họ không có sự giao tiếp chất lượng với nhau.
Tiến sỹ Gary Chapman chỉ ra rằng, không phải bao giờ sự có mặt của cha mẹ cũng tạo ra được sự gắn kết với trẻ. Lý do là quan hệ tình cảm luôn đòi hỏi sự giao tiếp. Bạn có thể thường xuyên ở nhà nhưng vẫn không có sự kết nối với con mình nếu như cả hai ít giao tiếp với nhau.
Để tăng cường sự gắn kết giữa bố mẹ và con, chuyên gia tâm lý Gary Chapman khuyến khích các gia đình nên tạo lập thói quen dùng bữa cùng nhau và chia sẻ về những chuyện trong ngày. Các bậc cha mẹ cần sắp xếp thời gian biểu phù hợp để cả gia đình có được một bữa tối thật ấm cúng và hạnh phúc, không bị chi phối bởi các hoạt động khác.
Michael Heppell - chuyên gia phát triển kỹ năng cá nhân hàng đầu của vương quốc Anh cũng cho rằng việc các thành viên trong gia đình cùng nhau dùng bữa (và tắt tivi trong suốt bữa ăn) là một ý tưởng quan trọng giúp bố mẹ dành thêm thời gian cho con.
Nguyên Chi