Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ kiến nghị đổi giờ ca chiều phù hợp

(Dân trí) - “Trong quá trình kiểm tra cơ sở, những bất cập trong việc đổi giờ học cũng đã được các trường phản ánh nhưng trước mắt cần thực hiện nghiêm túc quy định. Chúng tôi sẽ có đánh giá để từ đó kiến nghị UBND thành phố đưa ra hướng giải quyết phù hợp”.

Chia sẻ với Dân trí sau vài ngày các trường của 12 quận huyện thuộc địa bàn thủ đô thực hiện khung giờ học mới, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đã nhấn mạnh như vậy.

Đổi giờ: Phát sinh thêm nhiều khoản phí

Theo khung giờ học mới, giờ học ca chiều THPT kết thúc lúc 19h khiến các trường lâm vào cảnh phát sinh hàng loạt chi phí đi kèm như tiền điện, tiền nước, đầu tư trang thiết bị chiếu sáng... Mặc dù đây là hệ lụy của việc đổi giờ học nhưng các trường lại chưa được nhận thêm tiền để thực hiện nên đành tạm thời trích từ ngân sách của năm 2012. Trong khi đó, số tiền ngân sách được cấp phải chi 70% cho lương giáo viên (GV). Bởi vậy, các trường phải tính toán lại với những dự định thực hiện trong năm.

Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ kiến nghị đổi giờ ca chiều phù hợp - 1

Đổi giờ khiến các trường học phát sinh thêm hàng loạt khoản phải chi như điện, nước, thiết bị thắp sáng...

Nếu như các trường công thì việc GV phải tuân thủ theo quy định của ngành dù khung giờ dạy học có như thế nào thì ở khối tư thục lại “rối” hơn rất nhiều. Đặc thù là các trường tư đều phải thuê GV (chủ yếu là GV từ các trường công - PV) nên với khung giờ cứng như vậy, việc tìm được người đảm nhận dạy đến 19h tối là rất gian nan vì phần lớn GV đều từ chối hoặc nếu có đồng ý thì tiền công phải ở mức cao hơn.

Chiều mai 6/2, Sở GTVT TP Hà Nội sẽ có cuộc họp với toàn bộ các trường học trên địa bàn 12 quận, huyện để lắng nghe các phản hồi. Hiện tại Sở GD-ĐT Hà Nội đang tập hợp đầy đủ các ý kiến của các trường để báo cáo tại cuộc họp này.

“Do tăng thêm các khoản chi phí phát sinh nên chắc chắn thời gian tới chúng tôi phải thu thêm tiền của HS. Với trường công thì được tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ, còn chúng tôi là trường tư nên phải tự cân đối thu chi. Trong khi đó nguồn thu duy nhất của trường chính là học phí” - cô Kim Anh, hiệu phó Trường THPT Lương Thế Vinh tâm sự.

Mặc dù không chịu tác động lớn từ việc đổi giờ nhưng cả các cấp THCS, tiểu học và mầm non cũng phát sinh tăng giờ cho cán bộ, GV. Chẳng hạn như ở Trường tiểu học Kim Liên, mặc dù tan học lúc 17h nhưng việc phụ huynh đến tận 18h thậm chí là 19h mới đến đón không phải là điều hiếm gặp trong những ngày đầu thực hiện khung giờ mới. Để tránh cảnh HS lang thang trước cổng, trường phải tổ chức trông coi hoặc bố trí các hoạt động ngoại khóa cho các em tham gia trong khi chờ người nhà đến đón.

Cô Phạm Thị Yến - hiệu trưởng Trường tiểu học Thành công B bộc bạch: “Việc điều chỉnh giờ dẫn đến giáo viên phải làm thêm giờ so với bình thường, vấn đề này GV trường tôi chưa ai đòi hỏi nhưng mình phải nghiêm túc thực hiện vì không có cách nào khác. Tôi cũng không hiểu sẽ có chế độ làm thêm giờ đối với GV hay không?”.

Nghiêm cấm thu thêm tiền của HS

Trước việc các trường tư và công “lách luật” để không “giam” HS đến 19h, thậm chí đang “ngấm ngầm” lên phương án thu thêm tiền, chiều ngày 4/2, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có thông báo chỉ đạo yêu cầu  các đơn vị thực hiện nghiêm túc quy định của UBND thành phố. Bên cạnh đó tuyệt đối không được thu thêm khoản kinh phí nào để phục vụ cho công tác liên quan đến việc đổi giờ (việc này áp dụng cả trường công lẫn trường tư - PV).

Trao đổi với Dân trí, ông Mai Sỹ Nhật - Trưởng phòng công tác HS-SV (Sở GD-ĐT Hà Nội) nhấn mạnh: “Các trường học không được phép tự đặt ra giờ làm việc và học tập của riêng mình và chủ động tìm các giải pháp khắc phục khó khăn của trường trong quá trình thực hiện”.

Ông Nhật chia sẻ thêm, việc đổi giờ học là nhằm mục đích tránh ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Nếu các trường không thực hiện nghiêm túc thì coi như không có tác dụng. Quan điểm chỉ đạo là các trường tổ chức học ca chiều phải bố trí thời khóa biểu làm sao để kết thúc buổi học sau 19h. Chẳng hạn như nếu buổi học có 4 tiết thì phải lùi thời gian vào học tiết đầu xuống.
 
Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ kiến nghị đổi giờ ca chiều phù hợp - 2

Trường THPT tổ chức học ca chiều kể cả trường công và tư phải nghiêm túc thực hiện đúng quy định.

“Ở đây cũng phải lưu ý là quy định áp dụng các trường tổ chức học chính khóa ca chiều hoặc học 2 buổi/ngày. Còn đối trường tổ chức lớp phụ đạo cho HS, các lớp kỹ năng... thì lại không thuộc phạm vi chịu ảnh hưởng của quy định” - ông Nhật giải thích.

Để tránh cảnh các trường “ấm ức”, phụ huynh “bức xúc”, trong thông báo chỉ đạo gửi các trường, Sở GD-ĐT cũng nhấn mạnh: “Trong quá trình thực hiện, các trường tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cán bộ GV, HS và cha mẹ HS về những khó khăn, thuận lợi, những giải pháp kiến nghị để tháo gỡ, đồng thời chủ động tính toán kỹ các chi phí phát sinh chi cho hoạt động (điện thắp sáng, nước sạch, công tác bảo vệ, làm thêm giờ…) để báo cáo sau một tháng thực hiện điều chỉnh giờ học tập và làm việc trong hội nghị của ngành”.

Theo nguồn tin mà Dân trí mới nhận được, hội nghị đánh giá về việc đổi giờ học sẽ được tổ chức vào cuối tháng 2/2012 chứ không phải sau hai tuần thực hiện như một số báo chí đã thông tin trước đó. Nguyên nhân là do khoảng thời gian này sinh viên ĐH, CĐ, TCCN chưa đến trường. Ngoài ra thì lực lượng lao động ở các tỉnh ngoài quay trở lại làm việc hoặc nhập cư mới vẫn chưa đủ. Nếu đánh giá sớm sẽ thiếu tính khách quan và không chuẩn xác.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm