Thêm nỗi lo lắng khi con vào khung giờ học mới

(Dân trí) - “Theo lịch, 19h gia đình mới đến đón con, trời nhá nhem tối, cháu là con gái mới lớn biết bao nhiêu nguy cơ tâm sinh lý có thể xảy ra. Tôi cảm thấy lo âu khung giờ học mới”, một phụ huynh có con đang theo học tại trường THPT Lương Thế Vinh nói.

“Điểm” những bất cập

 

Nếu như trước kia thời gian vào học của THCS và THPT là giống nhau thì giờ đây với khung giờ mới lại lệch 1 tiếng đồng hồ. Trong khi HS bậc THPT vào học lúc 7h sáng thì HS bậc THCS 8h mới bắt đầu. Lệch về thời gian nên ở các trường THPT có nhiều cấp học (liên cấp có thể bao gồm tiểu học, THCS và THPT), những đơn vị lâu nay tạo điều kiện tổ chức xe đưa đón học sinh (HS) rơi vào tình huống “dở khóc, dở cười”.

 

Với việc chi phí mỗi chuyến xe chở HS đi và về rơi vào khoảng từ 800.000 đến 1 triệu đồng, và số tiền này sẽ được chia đều cho số HS. Khung giờ thay đổi nên muốn phục vụ cả cấp THCS và THPT đòi hỏi phải tăng thêm một lượt đi và về. Trong khi đó lâu nay, HS cả hai cấp đều có thể hành trình chung trên một chuyến xe thì nay lại tách ra, dẫn đến việc cấp THPT phải chịu một chi phí khá lớn khi hưởng dịch vụ này.
 
Thêm nỗi lo lắng khi con vào khung giờ học mới - 1

Đang được hưởng dịch vụ xe đưa đón nhưng vì khung giờ học mới nên HS THPT phải tự túc phương tiện đi lại. (Ảnh: Nguyễn Hùng)

 

“Thường thì số lượng HS THPT đi dịch vụ xe đưa đón của trường chỉ chiếm một tỷ lệ rất ít mà phần lớn là cấp THCS. Nếu tổ chức chuyến đưa đón cho các em cấp học này, bắt buộc chi phí phải tăng lên đến mức khó có thể chấp nhận được. Chính vì thế, với việc thay đổi khung giờ như vậy, chúng tôi đành phải cắt dịch vụ này đối với THPT mà chỉ phục vụ THCS. Cũng biết đi lại sẽ rất vất vả nhưng đành để các em tự túc phương tiện đi lại” - cô Đào Kim Anh, phó hiệu trường Trường dân lập THPT Lương Thế Vinh phụ trách cơ sở ở Mỹ Đình chia sẻ.

 

Nếu như ca sáng có không ít học sinh vất vả khi phải đi từ rất sớm vì nhà xa thì đối với HS ca chiều lại gặp tình huống là ăn trưa từ lúc 11h30-12h nhưng mãi đến 2h30, các em mới bắt đầu học tiết đầu tiên. Với khoảng thời gian trống 2-3 tiếng như vậy, theo sự suy đoán của nhiều người thì thì việc HS chọn giải pháp ngủ trưa hay lang thang phố sá, thậm chí là ghé vào các quán game cũng là điều rất dễ xảy ra.
 
Thêm nỗi lo lắng khi con vào khung giờ học mới - 2

HS ca chiều vào học tiết đầu quá muộn (lúc 14h30-PV) khiến nhiều phụ huynh lo lắng các em sẽ lại lao vào các trò game online. (Ảnh minh họa)

 

Chị Hà, có con học ca chiều ở Trường THPT Việt Đức bộc bạch: “Bọn mình làm ở cơ quan nhà nước nên giờ làm ca chiều sớm hơn cháu cả tiếng đồng hồ. Bố mẹ đi sớm hơn nên con sẽ ở nhà một mình để chờ đến giờ đi học. Đối với những cháu ngoan thì không nói làm gì còn với những cháu chưa ngoan khi mà bố mẹ rời nhà thì các cháu cũng đi luôn. Thử hỏi ai sẽ quản lý các cháu?”.

 

Về phía nhà trường, khi khung giờ thay đổi đòi hỏi cũng phải bố trí thời khóa biểu linh động hơn. Tuy nhiên, để sắp xếp một cách khoa học không đơn giản. Khó khăn nên mới có tình trạng HS học môn Thể dục vào tiết 4 khi mà trời đã tối mịt, bụng đói cồn cào. “Chúng tôi cũng phải cố gắng sắp xếp môn Thể dục vào tiết 2 và 3 để đảm bảo cho việc học tập tránh rơi vào những tiết cuối. Tuy nhiên để xếp được như vậy cũng rất là khó khăn bởi phải đảm bảo số tiết cho giáo viên theo quy định của ngành” - cô Quỳnh, hiệu phó Trường THPT Việt Đức chia sẻ.
 
Thêm nỗi lo lắng khi con vào khung giờ học mới - 3
Đi sớm, về muộn cũng thêm nỗi lo cho nhiều bậc phụ huynh về các con. (Ảnh: Nguyễn Hùng)

 

Những lo lắng khó tránh khỏi

 

Việc điều chỉnh khung giờ học mới, có một số ý kiến cho rằng, ngoài việc để giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô, thì đối với các trường, đặc biệt với học sinh rất có thể còn ẩn chứa những điều chưa thật hợp lý. Cô Kim Anh - phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ: “Trường chúng tôi tan học từ lúc 17h15 nhưng chấp hành quy định đành phải “giam” HS đến 19h. Bảo các em mở sách ra học thì không được bởi trường học hai buổi/ngày đã quá tải rồi, còn bảo HS tham gia vào các hoạt động CLB thì cũng bất ổn vì vừa mệt, vừa đói nên chẳng em nào thiết tha. Bên cạnh đó vì là trường DL nên phải thuê giáo viên, khi tan học cũng chỉ một số thầy cô tham gia quản các em còn phần lớn là ra về. Với tuổi mới lớn nên việc HS nam và nữ được “rong chơi” tự do trong trường mà GV thì lại không thể giám sát hết, chắc chắn sẽ ẩn chứa những chuyện không hay”.

 

“Theo lịch của con thì 19h gia đình mới đến đón trong khi đó có hôm cháu chỉ học có 3-4 tiết nhưng vẫn phải ở trường để đợi. Trời thì lại nhá nhem tối, cháu là con gái mới lớn biết bao nhiêu tâm sinh lý có thể xảy ra. Thật sự tôi cảm thấy lo âu khung giờ học mới”, chị Quỳnh Hoa ở quận Hai Bà Trưng - một phụ huynh có con đang theo học tại trường THPT Lương Thế Vinh nói.

 

Đó cũng là sự lo lắng mà không ít phụ huynh khi được hỏi đã chia sẻ cùng chúng tôi.


Từ 1/2/2012, theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, các trường học thực hiện việc điều chỉnh giờ học, trong đó học ca chiều đến 19h. Theo bạn, buổi học ca chiều kết thúc lúc mấy giờ thì hợp lý:
19h
18h30
18h
17h30
17h15 như trước đây
  


 

 

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm