Sao bắt con trẻ phải đi sớm về khuya?

(Dân trí) - Con tôi 16 tuổi học lớp 11, phải ra khỏi nhà lúc 6 giờ sáng, mà lúc này là 21h30' vẫn chưa thấy về. Tất cả các cháu ở lứa tuổi con tôi đều phải vất vả như vậy. Sao chúng ta nỡ bắt con trẻ phải đi sớm về khuya?

          
  Sao bắt con trẻ phải đi sớm về khuya? - 1

            Cả học sinh và phụ huynh đều vất vả hơn (ảnh: Nguyễn Hùng)
Thời tiết Hà Nội những ngày này lại rất khắc nghiệt, rét cộng với mưa không ngừng. Vậy mà những đứa trẻ phải đi ngoài đường suốt từ sáng tinh mơ đến đêm trong tình trạng “bụng đói cật rét”, phải làm việc (học tập và đi lại) một ngày 15, 16 tiếng.
Chúng tôi không nói quá chút nào, dù buổi sáng là học "phụ" các cháu vẫn phải vào lớp cùng giờ với khối sáng là 7h. Về đến nhà là hơn 11h, ăn trưa xong khoảng 12h, chuẩn bị bài cho buổi chiều học chính. Không dám ngủ trưa và cũng mất thói quen ngủ trưa từ lâu rồi cũng vì chuyện học hành quá căng thẳng. Nếu theo giờ học cũ thì buổi chiều, 18h cháu có thể về qua nhà ăn tạm món gì đó mẹ làm sẵn và nghỉ chừng nửa tiếng rồi tiếp tục lên đường đi học thêm đến 21h về.
Còn bây giờ, buổi học chiều sẽ kéo dài thêm một tiếng rưỡi, đồng nghĩa với việc các cháu sẽ vào lớp học thêm muộn hơn và kết thúc buổi học thêm muộn hơn nữa. Một vấn đề khác nữa nảy sinh, bữa trưa thường kết thúc lúc 12h, các cháu phải dùng số calo ấy cho ít nhất là bảy giờ lao động trí óc vô cùng vất vả vào việc tiếp thu bài học và hoạt động thể chất ở trường liệu có hợp lý không? (Có lẽ phương án đổi giờ học kiểu này thích hợp nhất với cháu nào đang muốn "ép cân" mà chưa có thời gian?). Còn nếu giữa buổi học cần tiếp thêm chút năng lượng cho ấm bụng thì có lẽ căng tin của trường nên mở thêm quầy "bún - phở - cơm bình dân" nữa mới đảm bảo cho các cháu có sức để học đến đêm như thế!
Sẽ có người phản bác lại: "ai bắt đi học thêm?", nhưng thử hỏi ở Hà Nội này, học sinh THPT có cháu nào dám không đi học thêm? Học thêm tự chọn đã đành, có chỗ không chọn nhưng vẫn phải học vì không muốn mất lòng thầy cô, không muốn thầy cô bị trừ thi đua(?).
Trong khi đó, đổi giờ làm cho công chức thì lại "đi muộn hơn, về sớm hơn".
Sau hai ngày đổi giờ học, phía người lớn thì có vẻ thoải mái vì không bị tắc đường, giảm áp lực, nhưng về phía học sinh và giáo viên thì quả thật là căng thẳng và vô cùng mệt mỏi. Các cháu đang tuổi lớn cần sinh hoạt ăn ngủ đầy đủ, hợp lý và vừa sức mới có thể có được một sức khoẻ tốt, vậy mà nay, dù chưa đổi giờ các cháu cũng đã quá căng thẳng rồi? Sao các vị không nghĩ tới bọn trẻ nhỉ, các vị thử bươn trải ngoài đường mười mấy tiếng một ngày như chúng xem? Chưa kể, chuyện đến trường ngày nay là nghĩa vụ hơn là niềm vui thích đối với chúng.
Chúng tôi đề nghị với Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng như lãnh đạo thành phố Hà Nội:
Học sinh PTTH đã vào học buổi sáng sớm nửa tiếng thì buổi chiều  hãy cho các cháu vào sớm và tan học sớm thì mới hợp lý và công bằng.
Công chức đi làm sáng muộn hơn thì cũng phải về muộn hơn mới là hợp lẽ.
Không có lý gì người lớn giành hưởng phần thuận lợi hơn, còn con trẻ phải gánh chịu khó khăn hơn, hay tại trẻ con không (chưa) dám nói nên các vị có quyền lực trong tay bắt sao cũng phải chịu?
Chưa kể những hệ luỵ kéo theo của việc đổi giờ bất hợp lý này: các cháu sẽ suy giảm sức khoẻ, gia đình tốn thêm tiền chi tiêu cho ăn uống, đi lại, và thêm lo lắng bất an vì con đi sớm về khuya nữa.
Về phía nhà trường sẽ phải tốn thêm tiền điện cho buổi sáng sớm và tối muộn nữa. Giáo viên theo đó cũng đi sớm về khuya hoặc con cái không có người đón, hoặc tranh thủ đi đón rồi lại đưa về trường của bố (mẹ) mà lang thang, vật vờ... Và như vậy, không hiểu những gia đình bị xáo trộn như thế thì "hàng ngày ăn gì?" chứ không phải chỉ có " bữa sáng ăn gì?" thôi đâu.
Chúng tôi rất mong ý kiến này được ông Bộ trưởng GTVT cũng như lãnh đạo TP Hà Nội xem xét và điều chỉnh lại giờ học của các cháu cho hợp lý trên nguyên tắc cần ưu tiên cho con trẻ, và nếu phải gánh chịu khó khăn trong việc chống ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm thì người lớn phải  chịu sự hy sinh đó.
Hồ Nhật

 LTS Dân trí -  Quả thật việc điều chỉnh giờ học ở Hà Nội không những đã gây nên sự xáo trộn nền nếp sinh hoạt của nhiều gia đình mà còn gây ra sự mệt mỏi căng thẳng đối với con trẻ, nhất là các em học THPT như bài viết trên đây đã phản ánh.

     Mong rằng thành phố Hà Nội rút kinh nghiệm của việc thay đổi giờ làm việc và giờ học vừa qua để điều chỉnh những điểm còn chưa hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho trẻ em, không để ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như việc học tập của các em.

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm