Sinh viên sợ nghe điện thoại, nhà trường phải mở lớp dạy kỹ năng
(Dân trí) - Đại học Nottingham (Anh) đang mở khóa dạy kỹ năng nghe điện thoại dành cho sinh viên. Đối tượng được khuyến khích tham gia lớp học này là những sinh viên sợ nghe điện thoại.
Cô Liz Baxter, chuyên viên tư vấn hướng nghiệp tại Đại học Nottingham, cho biết nhiều thanh niên hiện nay không cảm thấy tự tin khi nghe điện thoại, đặc biệt là những cuộc điện thoại đòi hỏi kỹ năng giao tiếp tốt từ nhà tuyển dụng lao động.
Vì vậy, nhà trường đã mở ra các lớp học dạy kỹ năng nghe điện thoại, để giúp các bạn sinh viên có tương tác hiệu quả hơn khi thực hiện cuộc gọi. Điều này rất cần thiết cho sinh viên bởi các bạn sẽ trải qua các đợt kiến tập, thực tập, thử việc tại các công ty.
Nếu sinh viên không có kỹ năng tương tác tốt trong các cuộc gọi điện thoại phục vụ mục đích công việc, điều này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả công việc của họ.
Trong những lớp học dạy cách nghe điện thoại do Đại học Nottingham mở ra, cô Baxter sẽ đưa ra những kiến thức cơ bản. Sau đó, sinh viên sẽ thay nhau nhập vai người tuyển dụng lao động để thực hiện các cuộc gọi, đưa ra nhiều thể loại câu hỏi trong các tình huống giả định.
Sinh viên cũng được khuyến khích thực hiện các cuộc gọi tới các cửa hiệu, nhà hàng để hỏi về thời gian hoạt động, hoặc hỏi thông tin một số sản phẩm, dịch vụ mà họ thực sự quan tâm.
Chia sẻ về lớp học đang thu hút sự quan tâm này, cô Liz Baxter cho biết: "Việc căng thẳng trước những cuộc gọi điện thoại là điều mà mỗi chúng ta đều từng trải qua. Có người thậm chí còn cảm thấy ngại ngần và cố trì hoãn thời điểm thực hiện cuộc gọi, họ cảm thấy lo lắng, căng thẳng trước, trong và sau cuộc gọi.
Nhiều người lo lắng không biết nên nói gì, nói như thế nào cho phù hợp. Hiện tượng này đang xuất hiện nhiều ở các bạn sinh viên thuộc thế hệ Z (những bạn trẻ sinh từ năm 1997 tới năm 2012). Biểu hiện của họ thậm chí còn có phần nặng nề hơn. Một số bạn cho biết họ cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, tim đập nhanh, thở gấp... khi phải thực hiện hoặc phải nhận những cuộc gọi không thể tránh".
Nhiều sinh viên tham gia lớp học này cho biết họ cảm thấy lo lắng mỗi khi tiếng chuông điện thoại vang lên, bởi họ vốn chỉ quen với việc trao đổi thông tin qua tin nhắn. Tiếng chuông điện thoại và việc phải trao đổi trực tiếp bằng lời nói khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy lo lắng. Khi nhắn tin, họ cảm thấy bản thân có nhiều sự kiểm soát hơn, bởi họ có thêm thời gian để suy nghĩ về cách sử dụng ngôn từ.
Có những bạn sinh viên thậm chí hạn chế nhận cuộc gọi, ngoại trừ những cuộc gọi từ người thân.
Bà Victoria Bari - một chuyên gia tuyển dụng lao động tại Anh - thừa nhận rằng nhiều người trẻ hiện nay dù đã đến tuổi tham gia thị trường lao động, nhưng lại không có kỹ năng giao tiếp tốt qua điện thoại. Nhiều bạn chỉ muốn trao đổi thông tin qua email hoặc tin nhắn.
Dù vậy, bà Bari khẳng định những cuộc gọi điện thoại vẫn là cách thức giao tiếp hiệu quả nhất, khi các bên không thể gặp nhau trực tiếp. Thông qua cuộc gọi điện thoại, các bên tiếp nhận được thông tin nhanh hơn, nhiều hơn, chính xác hơn so với việc nhắn tin.
Bà Bari khuyến khích người lao động trẻ nên học cách giao tiếp hiệu quả qua điện thoại để đạt được hiệu quả tốt nhất trong công việc.
Việc công nghệ ngày càng phát triển khiến chúng ta giảm bớt các cuộc gọi điện thoại, nhưng bà Bari khẳng định các cuộc gọi vẫn là cách lý tưởng nhất để chúng ta tương tác trong công việc, đặc biệt là trong lĩnh vực bán hàng.
"Đối thoại qua điện thoại vẫn là phương pháp hiệu quả nhất để xây dựng các mối quan hệ, đây là nền tảng cơ bản trong hoạt động bán hàng. Việc tìm được đúng đối tượng khách hàng và số điện thoại của họ là một kỹ năng mà nhiều công ty chú trọng đào tạo cho những nhân sự mới trong lĩnh vực bán hàng.
Nhiều khi, phương pháp truyền thống vẫn phát huy hiệu quả mạnh mẽ hơn cả. Những người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, bán hàng hoặc tuyển dụng luôn biết cách thực hiện những cuộc gọi điện thoại rất hiệu quả và chuyên nghiệp. Nhân sự trẻ rất nên lắng nghe để học hỏi", bà Bari cho hay.