"Sinh viên chỉ kêu ca, làm anh hùng bàn phím có bớt đói nghèo không?"

Mỹ Hà

(Dân trí) - "Tác động của thời cuộc sẽ dội vào tâm tư các em, có thể bào mòn niềm tin trong sáng nhưng nếu chỉ ngồi kêu ca, làm anh hùng bàn phím liệu các em có bớt đói nghèo được không?", GS Nguyễn Văn Minh nói.

Trong lễ khai giảng năm học mới vừa diễn ra chiều 11/10, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã chia sẻ như vậy.

Bài phát biểu kéo dài 25 phút, GS Minh nhắc nhiều bài học về sự trung thực, bình đẳng, sự tử tế, tình yêu thương và lòng trắc ẩn.

Ông mong muốn các em sinh viên hãy giữ vững niềm tin, bắt đầu cách nghĩ mới để đối diện với những thách thức của thời đại.

Sinh viên chỉ kêu ca, làm anh hùng bàn phím có bớt đói nghèo không? - 1

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Ảnh: D. Tâm).

Tuổi 18 đôi mươi chỉ ngồi kêu ca có bớt đói nghèo không?

Theo GS Nguyễn Văn Minh, những tác động của thời cuộc sẽ dội vào tâm tư, bào mòn niềm tin trong sáng của các em.

Nhưng thử hỏi nếu các em chỉ ngồi kêu ca, làm anh hùng bàn phím thì sẽ được gì hơn, có bớt đói nghèo được chút nào không?

"Sao không nghĩ và làm một việc tốt hơn, chí ít cũng có ích cho chính mình. Tuổi 18 đôi mươi mà chỉ ngồi ủ dột, chỉ ngồi than nghèo, than khó thì chán quá chừng.

Sự mục ruỗng trong tâm hồn không đơn thuần do xâm thực của ngoại cảnh mà chính vì bản lĩnh mỗi người. Đừng đánh mất niềm tin, mất niềm tin là tiêu tan động lực", GS Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

Tại lễ khai giảng, nhà trường tuyên dương 28 em xuất sắc trong kỳ xét tuyển và tuyển sinh Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2023. 

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong cuộc sống hiện có không ít điều bất cập.

Điều đáng nói, các em có nên từ góc nhìn nhỏ bé đó để nhìn mọi thứ ảm đạm? 

"Ngồi phán thôi dễ lắm, sao các em không nghĩ cách làm? Rồi các em đem những u uất, bi quan đó đi gieo vào trong lòng người khác, khiến họ vơi bớt niềm tin.

Thầy mong rằng mỗi em, trước hết tạo cho chính mình niềm tin chân chính. Để làm cho nụ cười chớm nở trên môi trẻ thơ, trên môi chúng ta không thể là nụ cười gượng gạo.

Để giữ cho sự trong vắt, thánh thiện trong tâm hồn và ánh mắt trẻ thơ, trong lòng chúng ta không thể chứa chất những điều sầu muộn, u uất và đầy tràn bão tố. Đừng để những tổn thương làm rạn nứt những tâm hồn.

Các em đừng để thái cực đói nghèo níu kéo, ảo tưởng giàu có trong mơ che lấp và ngồi than vãn với cuộc đời, không làm gì cả, liệu có ích gì không"? GS Minh đặt câu hỏi.

Thầy giáo này cũng cho rằng, các em không thể chối bỏ thực tại, nhưng cũng đừng ngồi chờ ba điều ước trong chuyện cổ tích, hãy nghĩ cách làm thông minh và hành động. Ông kỳ vọng ở sinh viên.

"Niềm tin chân chính luôn đồng hành với bản lĩnh với sự chính trực. Sự cám dỗ luôn bên cạnh ta và ngay cả trong ta, sự ngọt ngào và du dương sẽ dễ làm lòng ta dao động, sự thô ráp của cuộc đời có thể làm ta dễ phải rụt tay.

Sự giằng xé giữa cái phải mất và cái an toàn của lợi ích, không dễ dàng để các em chiến thắng chính mình.

Với những người đầy tình yêu thương, thông thái, giàu đức hy sinh như các em, thầy tin rằng, các em sẽ đủ minh mẫn để lựa chọn và quyết định, xác định được cái đúng, cái sai, cái nên làm và không nên làm", GS Minh đưa ra lời khuyên.

Sinh viên chỉ kêu ca, làm anh hùng bàn phím có bớt đói nghèo không? - 2

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đánh trống khai giảng (Ảnh: D. Tâm).

Học không đến nơi đến chốn, hệ lụy sẽ khôn lường

Trong lễ khai giảng, đón tân sinh viên năm học mới, GS Nguyễn Văn Minh cũng cho rằng, chúng ta đã làm rất nhiều trong giáo dục.

Giáo dục nhiều nước rất hay nhưng không thể nào nhập khẩu, bởi nó phải gắn với điều kiện văn hóa, kinh tế của mỗi đất nước.

Nếu người học không đến nơi đến chốn, không đắm mình trong thực tại của đất nước mình, cứ thế làm, hệ lụy sẽ khôn lường, hậu quả là con cháu chúng ta lãnh đủ.

Học thật, nói dễ nhưng làm được mới quan trọng và chỉ khi nó trở thành mệnh lệnh của trái tim, danh dự của một con người tự trọng thì mới làm được.

Chúng ta đã nói nhiều về điều này, nhưng mỗi người hãy tự soi lại chính mình, nếu còn dấu diếm thì làm sao dạy trẻ học thật?

"Không xa đâu, đồng nghiệp chúng ta đang ngày đêm đánh cược cuộc đời vì trẻ thơ nơi non cao trong những túp lều trống trải, những trẻ vùng biên chân trần đến lớp, những bữa ăn may còn có bát cơm…

Không xa đâu, chúng ta thường nói nhiều về mùa vàng thóc lúa, nhưng không ít nơi đang chờ cơn mưa bất chợt của trời.

Khi dám đối diện với sự thật thì chúng ta mới dám thay đổi. Có khi nào các em nghĩ mình sẽ là người đi hoàn thành những mảnh ghép cuối cùng để bức tranh sáng hơn không?

Một thế hệ mới, hãy nghĩ tươi mới hơn và để rồi tương lai sẽ làm tốt hơn", GS Nguyễn Văn Minh nói.