Sau khai giảng 2019: Học sinh phải ký cam kết "nói không với đồ uống có cồn"
(Dân trí) - Ngay sau khai giảng năm học mới 2019-2020, các trường học phải tổ chức cho học sinh ký cam kết với nhà trường về "nói không với đồ uống có cồn".
Sáng ngày 24/8/2019, tại Trường THPT Nguyễn Văn Huyên, Tỉnh Tuyên Quang, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tổ chức lễ phát động Chương trình “Học sinh nói không với đồ uống có cồn” cho học sinh trung học phổ thông.
Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, lãnh đạo Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV - Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn TNCSHCM, Ban ATGT, Công an tỉnh, giáo viên các trường THPT và hơn 1.000 học sinh của tỉnh Tuyên Quang.
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên – Bộ GD&ĐT cho biết, phát động Chương trình “Học sinh nói không với đồ uống có cồn” cho học sinh trung học phổ thông là một trong nhiều các nhiệm vụ được cụ thể hóa hành động thực hiện triệt để, quyết liệt các chủ trương, định hướng và các nhiệm vụ trọng tâm về đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên trong năm học 2019 - 2020.
Mục tiêu của chương trình là nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn ở tuổi vị thành niên với thông điệp “Học sinh nói không với đồ uống có cồn, từ đó, với vai trò là những công dân nhỏ tuổi, các em sẽ lan tỏa thông điệp tới gia đình, bạn bè, cộng đồng, và hình thành hành vi đúng mực, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ.
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên – Bộ GD&ĐT
Ông Bùi Văn Linh thông tin, tai nạn giao thông (TNGT) vẫn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, hằng năm cả nước có trên 8.000 người tử vong, hàng ngàn người bị thương tật vĩnh viễn do TNGT, mà không ít trong số đó có trẻ em, thanh niên, học sinh bị tai nạn liên quan đến việc sử dụng, lạm dụng rượu, bia, đã để lại hậu quả đau xót cho bản thân, gia đình và xã hội.
Ngành Giáo dục đang thực hiện công tác giáo dục toàn diện đối với trên 22 triệu HSSV, đây là lực lượng quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo đó, đối với học sinh, tuyệt đối không được sử dụng rượu, bia; Nhắc nhở cộng đồng không sử dụng rượu, bia khi chưa đủ 18 tuổi. Đối với CBQL-GV-NV, đã uống rượu, bia không lái xe; không sử dụng trong trường học, trong giờ hành chính.
Các trường học phổ thông tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không cung cấp rượu bia trong nhà trường.
Ông Bùi Văn Linh cho biết, trong thời gian tới, Bộ GDĐT đề nghị Sở GDĐT tỉnh Tuyên Quang, các Sở GD&ĐT trong toàn quốc, các trường THPT, các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh tập trung thực hiện tốt chương trình tuyên truyền, giáo dục cho học sinh “Nói không với đồ uống có cồn” năm 2019.
Cụ thể: Nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai chương trình tuyên truyền, giáo dục pháp luật về nồng độ cồn cho học sinh THPT, với chủ đề “Học sinh nói không với đồ uống có cồn”.
Bố trí thời gian, thời lượng hợp lý tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho pháp luật về nồng độ cồn cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục của nhà trường.
Tổ chức cho học sinh ký cam kết với nhà trường về nói không với đồ uống có cồn, ngay sau khai giảng năm học mới 2019-2020.
Các đơn vị ký cam kết tham gia lan tỏa thông điệp
Tại lễ phát động, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Ủy ban An toàn giao thông, và các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành ký cam kết tham gia lan tỏa thông điệp trong nhà trường, gia đình và cộng đồng.
Cũng trong dịp này, các đơn vị đã có buổi tổ chức tập huấn trực tiếp kiến thức liên quan đến tác hại của sử dụng đồ uống có cồn ở trẻ vị thành niên cho giáo viên nòng cốt của các trường THPT.
Hồng Hạnh