Sao con bạn lại mê sách đến thế?

(Dân trí) - Trong một lần đưa con gái đi siêu thị, tôi gặp một đồng nghiệp cùng gia đình đi mua sắm. Trong lúc mẹ con tôi đang miệt mài bên trang sách ở khu vực chọn sách thì tiếng của người bạn cứ xuýt xoa: “Sao con bạn lại mê sách đến thế?”.

Hai bé gái hơn kém nhau một tuổi lại hoàn toàn khác nhau khi đứng trước một thế giới sách phong phú. Trong khi con gái tôi say sưa lựa lựa chọn chọn, tập tành đánh vần từng con chữ và nì nèo mẹ kể từng câu chuyện thì bé gái kia khá thờ ơ.

Bạn tôi cứ chỉ tay về phía giá sách và bảo: “Con thích quyển nào cứ chọn, mẹ mua về nhà đọc”. Bé con lắc đầu nguầy nguậy tỏ vẻ không thích, đòi kéo tay mẹ tới các gian hàng khác. Bạn tôi lắc đầu bảo: “Con bé chỉ mê xem phim hoạt hình và chơi các trò chơi trên di động của mẹ. Ước gì con mình cũng mê sách giống con gái bạn!”.

Tôi bật cười hỏi lại: “Thế hồi nhỏ đến giờ bạn có đọc sách cùng con không?” thì nhận được câu trả lời trong tiếng tặc lưỡi: “Mình cũng ít đọc sách với nó nhưng thỉnh thoảng vẫn mua sách cho con mà nó có chịu đọc đâu?”. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao con trẻ lười đọc sách. Bởi chính người cha, người mẹ đã bỏ qua thời điểm vàng để bồi đắp tình yêu sách cho con.

Kiên trì từng chút một, chúng ta sẽ vun xới tình yêu sách trong con trẻ lớn dần lên. (Ảnh minh họa: Nguyên Chi)
Kiên trì từng chút một, chúng ta sẽ vun xới tình yêu sách trong con trẻ lớn dần lên. (Ảnh minh họa: Nguyên Chi)

Không phải cứ đợi đến khi trẻ biết đọc biết viết mới cho con tiếp xúc với sách. Những trang sách qua lời kể của mẹ cha sẽ làm thế giới tri thức trong con trẻ vun đầy dần lên. Trí tưởng tượng với những gam màu ngộ nghĩnh của tuổi thơ phớt tô lên sắc màu tươi thắm mỗi ngày. Và kiên trì từng chút một, chúng ta sẽ vun xới tình yêu sách trong con trẻ lớn dần lên.

Tuổi thơ của chúng ta hoàn toàn khan hiếm sách vở nhưng chúng ta vẫn trưởng thành với niềm khao khát mãnh liệt về sách. Thế giới sách trong xã hội hiện đại hôm nay đủ đầy và phong phú vô cùng. Vậy thì tại sao chúng ta không tận dụng để làm giàu tâm hồn trẻ?

Trẻ hai, ba tuổi sẽ say mê những mẩu chuyện cổ tích, sách dán hình phát triển IQ, EQ… Trẻ bốn, năm tuổi lại thích truyện tranh giáo dục kỹ năng sống, sách đố vui cho trẻ thơ. Đối với trẻ sáu, bảy tuổi trở lên, đã có sách giải mã mê cung, những trang truyện với số lượng chữ tăng dần.

Cả xã hội vẫn trăn trở về xếp hạng đầy khiêm tốn của người Việt liên quan đến sách và đang hô hào nâng cao văn hóa đọc. Vậy nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi: Gia đình đã dành thời gian cho sách chưa? Bố mẹ đã đọc sách cùng con chưa? Và mỗi người đã chú ý đến việc hun đúc thói quen đọc sách trong con trẻ ngay từ tấm bé chưa?

Tôi bắt gặp rất nhiều gia đình cuối tuần sẵn sàng hội họp trong quán cà phê và lê la đến hết buổi. Bố mẹ mải mê chuyện trò với bạn bè, bọn trẻ tiu nghỉu ngồi cùng điện thoại, iPad… Giá như buổi sáng cuối tuần ấy chuyển địa điểm vào nhà sách, có lẽ bọn trẻ đã có một niềm vui riêng cho mình bên những trang sách.

Một vài người thân của tôi sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua các loại đồ chơi đắt tiền về chất đống nhưng tuyệt nhiên lại chẳng đá động gì đến việc mua sách cho bọn trẻ. Mỗi khi góp ý, tôi đều bất lực với câu trả lời: “Nó chẳng đọc, mua về ít hôm lại xé mất, mua làm gì cho phí”.

Vậy nhưng, mỗi dịp lễ tết hoặc mừng sinh nhật, khi tôi tặng các cháu vài quyển sách phù hợp với lứa tuổi là các con lại mừng vui hớn hở và quây quần bên nhau dán hình IQ, tìm đường thoát ra mê cung hoặc là đứa lớn đọc truyện cho cả nhóm cùng nghe.

Nhìn vẻ mặt say mê của các con bên trang sách, sao bảo bọn trẻ không mê sách? Các con không mê sách phải chăng vì người lớn không chọn đúng loại sách phù hợp với lứa tuổi?

Hoặc là chính chúng ta đã quá bận rộn, hoặc ích kỷ mỗi khi con trẻ nhờ cha nhờ mẹ đọc cho trang này, quyển kia. Có bao giờ bạn trả lời nhát gừng rằng: “Con tự đọc đi!”, “Mẹ đang bận”, “Đừng làm phiền bố!”… trong sự hụt hẫng, thất vọng của bọn trẻ? Để rồi tình yêu sách chưa kịp khơi mào đã tắt ngúm trong trẻ thơ!

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!