1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Bạn đọc viết:

Rối bời xếp hạng giáo viên

Hồng Đào

(Dân trí) - Chuyện bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên theo chùm thông tư mới mỗi nơi làm mỗi kiểu. Nơi bám vào nhiệm vụ thì giáo viên tụt hạng, nơi dựa theo tình hình thực tế thì giáo viên được nhờ.

Thời gian gần đây, hơn 1,2 triệu giáo viên cả nước hồ hởi đón nhận tin vui về việc xếp hạng giáo viên theo các thông tư 01, 02, 03, 04/2021 của Bộ GD-ĐT bởi theo chiều hướng có lợi cho giáo viên.

Đây là các thông tư về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường tiểu học, THCS, THPT công lập. Thế nhưng, việc thực hiện ở mỗi trường làm mỗi cách, mỗi nơi làm mỗi kiểu, nơi thực hiện đúng, nơi lại sai khiến giáo viên bối rối, lo lắng và cảm thấy hoang mang khi quyền lợi của mình bị thiệt thòi.

Rối bời xếp hạng giáo viên - 1

Nhiều giáo viên hoang mang vì quyền lợi khi xếp hạng giáo viên (Ảnh minh họa, VNN).

 Giáo viên băn khoăn khi bị tụt hạng

 Các thông tư của Bộ GD-ĐT rất rõ ràng với các quy định cụ thể về nhiệm vụ, tiêu chuẩn về đạo đức, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của từng hạng.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT cũng đã có văn bản hướng dẫn về thực hiện thông tư. Thế nhưng, khi chuyển xếp hạng hiệu trưởng nhiều trường lại làm sai dẫn đến thắc mắc, bức xúc của không ít giáo viên.

Đa số các trường khi dựa vào tiêu chuẩn nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng II thì giáo viên khó có thể giữ hạng. Theo khoản 1, điều 4 thông tư 02 thì:

Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng III, giáo viên tiểu học hạng II phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

  1. Là báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên tiểu học hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp mới từ cấp trường trở lên;
  2.  Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên;
  3. Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp trường trở lên; thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học;
  4. Tham gia các hoạt động chuyên môn khác như kiểm định chất lượng giáo dục, thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm từ cấp trường trở lên; tham gia hướng dẫn, đánh giá thực tập sư phạm của sinh viên (nếu có).

Thầy giáo V.T.B, một giáo viên tiểu học cho biết: "Tôi đang là giáo viên hạng II. Tôi đã đạt giáo viên dạy giỏi các cấp, chiến sỹ thi đua cơ sở nhiều năm liền, có bằng đại học, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II, theo tiêu chuẩn của thông tư mới thì đủ điều kiện để xếp vào hạng giáo viên tiểu học hạng II. Song tôi và nhiều giáo viên khác bị trường đẩy xuống hạng III. Việc nhà trường xếp xuống hạng III đã làm cho tôi sẽ bị nhiều thiệt thòi về lương và các chế độ sau này".

 Ở trường thầy thì Ban giám hiệu và các tổ trưởng chuyên môn là được giữ nguyên hạng II. Hiệu trưởng lí giải là các tiêu chuẩn về nhiệm vụ của thầy không đạt. Theo thầy giáo này, nếu trường đã bám vào cả những nhiệm vụ của giáo viên để xếp hạng như tiêu chuẩn sau thì tổ trưởng cũng không đạt: "Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp trường trở lên; thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học".

 Theo vị giáo viên này, nếu chuyển xếp hạng giáo viên theo một trong những nhiệm vụ của giáo viên hạng II như trên thì giáo viên rất khó khi được bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên tiểu học hạng II. Thầy lý giải: "Chỉ mỗi nhiệm vụ là giáo viên cốt cán thôi ít ai đạt được bởi mỗi trường chỉ có 1, 2 giáo viên là giáo viên cốt cán".

Không riêng gì thầy giáo V.T.B, nhiều giáo viên cũng tỏ ra băn khoăn khi gọi điện hay trao đổi trực tiếp với người viết về vấn đề này. Anh bạn tôi đang là giáo viên dạy tiểu học cho biết, anh đang ở chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II, nhưng mới đây khi chuyển xếp hạng theo thông tư mới (Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT ngày 02-02-2021 của Bộ GD-ĐT về Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập) bị nhà trường xếp xuống hạng III.

Trường chỉ có hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, các tổ trưởng chuyên môn là được xếp hạng II còn lại là hạng III, trong số đó có nhiều giáo viên trước đó đang giữ hạng II. Mặc dù anh đạt đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định của thông tư 02. Hơn nữa, anh cũng đã từng làm tổ trưởng chuyên môn.

Giáo viên H.G dạy THCS ở Đà Nẵng thì tâm tư: Trường căn cứ vào điểm d, khoản 1, điều 4 thông tư 03 (d.Tham gia đoàn đánh giá ngoài; hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp trường trở lên) và cô đã "vướng" nên bị tụt xuống hạng III.

Cô giáo là khối trưởng tại một trường tiểu học gặp tôi băn khoăn vì trường vừa chuyển xếp hạng giáo viên theo thông tư mới chỉ có vài người được giữ lại hạng II. Cô giáo chia sẻ: "Nhiều giáo viên của trường đang hạng II nhưng khi chuyển xếp theo thông tư mới lại tụt xuống... hạng III.

Theo nhà trường, những giáo viên này trong 3 năm trở lại đây không đạt giáo viên giỏi cấp trường và không đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở?!. Ở đây nhà trường đã dựa vào  điểm h, khoản 4, điều 4 thông tư 02: "Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; hoặc được nhận bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi từ cấp trường trở lên, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên".

Tìm mãi không có văn bản nào quy định giáo viên phải đạt trong mấy năm trở lại, góp ý với nhà trường cũng không được đành ngậm ngùi bị tụt hạng" - Cô giáo buồn bã cho biết.

Để quyền lợi của giáo viên không bị thiệt thòi

Chuyện bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên theo chùm thông tư mới mỗi nơi làm mỗi kiểu. Nơi bám vào nhiệm vụ thì giáo viên tụt hạng, nơi dựa theo tình hình thực tế thì giáo viên được nhờ. Trường công nhận tất cả thành tích giáo viên từ lúc vào nghề đến thời điểm xét hạng thì giáo viên được đảm bảo quyền lợi. Trường đưa ra quy định 3 năm hay 6 năm thì thiệt thòi cho giáo viên. Đúng là cái kiểu xếp hạng giáo viên "may nhờ rủi chịu".

Một cán bộ quản lý trường tiểu học cho hay: Thông tư  02/2021/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 02 năm 2021 của Bộ GD-ĐT đã được giáo viên rất vui khi nghe tin. Các hướng dẫn bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập cụ thể, chi tiết. Có rất nhiều trường làm tốt công tác chuyển xếp hạng đúng theo quy định.

Tuy nhiên, ở nơi này nơi kia việc thực hiện có rất nhiều bất cập, bất nhất. Nhiều người hiểu sai nên dẫn đến làm sai. Nếu cứ lấy các nhiệm vụ như trong thông tư thì khó có ai đạt hạng II chứ chưa nói đến hạng I, bởi đó chỉ là các nhiệm vụ mà chúng ta phải thực hiện.

Nhà giáo này đưa ra ví dụ: Cụ thể như 1 nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng II của thông tư quy định: c) Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp trường trở lên; thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học".

Chỉ có tổ trường chuyên môn là tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường còn giáo viên sẽ khó đạt. Nhưng ngay tổ trưởng chuyên môn cũng không thể là giáo viên cốt cán được. Làm như thế là quá thiệt thòi cho giáo viên.

 Trả lời báo chí, Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục thuộc Bộ GD&ĐT cho rằng:  "Việc chuyển các quy định từ chùm thông tư cũ sang chùm thông tư mới sẽ đảm bảo chuyển hạng tương ứng. Cũng như vậy, các quyền lợi của giáo viên, cũng như các yêu cầu về thực hiện nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực sẽ được giữ nguyên hoặc theo chiều hướng có lợi cho giáo viên, chứ không có chuyện giáo viên bị giảm đi quyền lợi của mình".

Trước thực tế đó, Bộ GD-ĐT đã có văn bản 791/BGDĐT-NGCBQLGD về vấn đề này, theo đó yêu cầu triển khai thực hiện bổ nhiệm, xếp lương giáo viên phải phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ giáo viên. Điều các thầy cô phản ánh là tâm tư của không ít giáo viên tôi đã gặp.

Mong rằng, các cơ sở giáo dục cần nghiên cứu kĩ lưỡng thông tư, các hướng dẫn, chuyển xếp hạng một cách linh hoạt để tránh tình trạng "trống đánh xuôi kèn thổi ngược", tránh thiệt thòi về quyền lợi cho giáo viên.