Quẳng gánh lo bằng... lớp học mỹ thuật

Ngày càng có nhiều người tìm đến các lớp học thêu, làm gốm, vẽ tranh, dệt thảm... với mong muốn giảm áp lực từ cuộc sống bận rộn.

9 giờ sáng chủ nhật, một nhóm khoảng chục người có mặt ở quán cà phê Khúc Giao Mùa (quận Phú Nhuận, TPHCM) để học làm gốm. Anh Nguyễn Hoàng Huy (giám sát bán hàng của một doanh nghiệp nước ngoài) thổ lộ: “Hằng ngày, đối diện với doanh số bán hàng, có những lúc tôi như người tâm thần, nhắm mắt lại cũng thấy quay cuồng với những con số”.

Tâm sự với một nhóm bạn, nhận thấy ai cũng gặp căng thẳng trong công việc, thế là cả nhóm bạn của anh Huy rủ nhau tham gia một lớp học thiên về nghệ thuật để cân bằng cuộc sống

Những nghệ nhân nghiệp dư

“Để làm được một bình gốm đơn giản, lớp học kéo dài hai tháng và chỉ hoạt động vào ngày cuối tuần vì mục đích là phục vụ những người đi làm muốn tìm đến giá trị tinh thần thông qua lớp học này” - bà Trương Thị Thùy Vân, phụ trách bộ phận tổ chức sự kiện, Công ty Cách Việt (quận 10, TPHCM) chia sẻ. Tùy theo nhu cầu của từng nhóm mà có các khóa học khác nhau như: làm gốm, vẽ tranh, nặn tượng...

Chị Trần Thanh Bình (nhân viên Công ty TNHH An Phong), kể: Có tham gia lớp học mới thấy được giá trị của những khóa học này. Tay mân mê xoay theo đế gốm từ lúc chỉ là một cục đất đến khi thành hình một bình gốm nghĩa là bạn đã thả tâm hồn mình vào trong đó, không bận tậm đến những sự việc xung quanh. Chưa kể bạn cũng rèn luyện được tính kiên trì, dẹp bỏ tư duy mau chán nản mà cuộc sống thường ngày hay gặp phải. |

Còn chị Hà Liên (phóng viên một tạp chí), lại cho rằng cái mà chị nhận được từ những lớp học này là sự chia sẻ những vướng mắc để thấy rằng cuộc sống không đơn điệu.

Cũng theo bà Trương Thị Thùy Vân: “Không chỉ có người lớn mới tham gia những lớp học này mà trẻ con cũng rất thích”. Đã có một nhóm khoảng 10 em ở độ tuổi từ 6 đến 10, tham gia học làm gốm, trồng rau. Trên một khoảng sân nhỏ, các em được hướng dẫn cách cuốc đất, gieo hạt, tưới cây... để về áp dụng trồng tại nhà.

“Đừng tưởng trẻ nhỏ không bị stress, với áp lực học tập, các em cũng phải được giải trí từ những hoạt động bổ ích thay vì cuối tuần cứ nằm ở nhà xem phim, chơi game. Sau khi tham gia các lớp này, tôi thấy cháu có chuyển biến rõ rệt, mỗi sáng thứ bảy đều thức dậy sớm để ra vườn chăm sóc cây cối. Cả nhà gọi cháu là nghệ nhân nghiệp dư” - một phụ huynh kể lại.

Giảm stress bằng thêu

“Chào các bạn, mình mới biết một sân chơi đầy thú vị cho bạn gái chúng mình, đó là thêu chữ thập. Những lúc rảnh rỗi hay stress, mình sẽ giải khuây bằng cách tự tay thêu một tác phẩm nào đấy để làm mặt gối, đồng hồ, túi xách... trang trí cho các phòng, tặng người thân yêu, thật ý nghĩa”. Đó là tâm sự của tieuquynh trên trang web www.matnauhoctro.com. Đây là trào lưu đã thịnh hành tại nhiều nước phát triển và du nhập Việt Nam khoảng hơn một năm nay cũng với mục đích là tiêu khiển, quẳng gánh lo sau những giờ làm việc căng thẳng.

Hiện cũng có trang web www.hoitheuthua.net thu hút hơn 1.000 thành viên với những hoạt động liên quan đến thêu chữ thập từ việc dạy thêu, cung cấp mẫu thêu... Trên diễn đàn này, các thành viên có thể tâm sự hoàn cảnh riêng và nhận được những lời động viên, chia sẻ để vượt qua stress bằng lời khuyên “hãy trải lòng với thêu chữ thập, bạn sẽ quên muộn phiền”. Không chỉ thu hút giới trẻ mà thêu chữ thập còn thu hút cả giới trung niên và những người hưu trí.

Chị Thảo Quyên, quản lý cửa hàng Mari Queen (đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, TPHCM), chuyên bán nguyên phụ liệu thêu chữ thập cho biết: Thêu chữ thập dành cho những người không biết thêu. Chỉ cần ngồi tại cửa hàng khoảng 30 phút là có thể thêu được. Khách đến đây có cả những người trên 60 tuổi. Họ cho rằng cứ cầm đến mẫu thêu là họ quên hết những muộn phiền. Tại đây còn dạy cả cách cắt ghép tranh 3D và dệt thảm, may, trang trí túi xách... thu hút nhiều người.

Tham gia để xả stress

Học nấu ăn tại các trung tâm là chuyện bình thường. Ngày nay rất nhiều người tìm đến các chùa để học chế biến những món ăn chay. Chị Nguyễn Thị Vị, một Việt kiều, cho biết: “Từ lời giới thiệu của một người bạn, tôi đã về Việt Nam để trốn đời sống đầy áp lực và tham gia lớp học nấu món chay do các ni cô dạy. Được sống và hòa mình vào những công việc nhẹ nhàng, tôi như thấy mình trẻ lại”.

Theo tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, gần đây, rất nhiều người tìm đến những lớp học hay các chương trình thử nghiệm khám phá bản thân để vượt qua chính mình. Chẳng hạn như cách nay vài tháng, trong một chương trình học các trò chơi mạo hiểm với tên gọi “Không thử sao biết” do Coca - Cola tổ chức đã thu hút rất nhiều người tham gia. Họ đến đây chỉ với mong muốn đơn giản: Tham gia để xả... stress.

 
Theo Mai Vân
Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm