Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: “Là giáo viên Toán, tôi còn thấy đề khó!”
(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng đề thi năm nay khó, các trường phổ thông chắc chắn sẽ phải có sự chuẩn bị từ sớm trong việc tổ chức ôn thi cho học sinh cho kỳ thi năm sau sẽ đưa cả kiến thức lớp 10 vào đề.
Ngay sau buổi thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào sáng nay, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức họp báo cập nhật các thông tin xoay quanh kỳ thi. Vấn đề được nhiều phóng viên mảng Giáo dục đặt ra với ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM, Phó Chủ tịch cụm thi số 2 TPHCM xoay quanh chuyện đề thi năm nay.
Trước câu hỏi, nhiều học sinh tại TPHCM rời phòng thi bày tỏ, nhiều câu các em không làm được, đọc đề không hiểu, ông Hiếu cho hay, về số câu hỏi khó, trong cấu trúc Bộ GD-ĐT cũng đã thông tin ngay từ rất sớm.
Khoảng 60% dành cho việc xét tuyển tốt nghiệp, còn lại sẽ theo mức độ khó và rất khó phục vụ việc phân hóa cho thí sinh xét tuyển đại học. Mức độ khó dễ sẽ tùy thuộc từng học sinh nhưng khó sẽ là khó chung cho tất cả, điều mỗi thí sinh phải biết là làm hết khả năng của mình.
Phóng viên Dân trí đặt ra môn thi cụ thể như môn Toán, với 50 câu với mức độ đề khó với thời gian làm bài là 90 phút, nhiều giáo viên dạy Toán cũng thừa nhận mình không thể giải quyết được đề thi này.
Ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ: "Tôi cũng là một giáo viên dạy Toán và cũng phải thừa nhận rằng rõ ràng đề Toán rất khó. Một số câu rất khó và dài, đòi hỏi phải giải như một bài tự luận thì mới có kết quả để đối chiếu, để chọn đáp án đúng. Tuy nhiên, chỉ tập trung ở một số câu trong đề chứ không nhiều. Còn đa số là các câu các em có thể nhận biết, suy luận để chọn đáp án đúng. Các em sẽ phải có một quá trình rèn luyện tốt để làm được bài thi".
Theo đánh giá của ông Hiếu, nhìn chung năm nay đề thi khó, chắc chắn sẽ không có nhiều điểm 10 như năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết thêm, với đề thi minh họa và đề thi chính thức như năm nay, các trường phổ thông sẽ phải rút kinh nghiệm trong việc ôn thi, phân loại thí sinh. Việc định hướng học tập, mục tiêu cho học sinh sẽ khác nhau, với những học sinh xác định vào các trường top đầu phải có sự chuẩn bị ngay từ sớm.
Nhất là theo quy định của Bộ GD-ĐT, năm 2019-2020 đề thi sẽ nằm ở toàn bậc THPT, kiến thức sẽ bao trùm các lớp 10, 11 và 12. Điều này đòi hỏi việc dạy và học phải lên kế hoạch ôn tập sớm, vừa học chương trình mới ở lớp 12, vừa phải thu xếp thời gian củng cố kiến thức lớp cũ để đáp được yêu cầu của kỳ thi.
Giám thị điểm danh thí sinh tại phòng thi. (Ảnh: Lê Phương)
Theo báo cáo Sở GD-ĐT TPHCM, chuẩn bị cho kỳ thi, ngành GD-ĐT Thành phố chuẩn bị nhân lực gần 70 người cho công tác in sao trong vòng 10 ngày. Về việc vận chuyển đề thi, bài thi luôn bảo đảm an toàn, đúng thời gian.
Trong quá trình thi, một số điểm thi có trường hợp bị mờ đề, trùng mã đề nhưng các hội đồng đã xử lý kịp thời, không gây ảnh hưởng đến thời gian làm bài của thí sinh.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, tại mỗi điểm thi đều có hai cán bộ thanh tra trực thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó còn có 22 cán bộ thanh tra lưu động, tổ chức thanh tra trên các điểm thi. Qua các ngày thi, trên địa bàn thành phố cơ bản nghiêm túc, bảo đảm an toàn.
Một số trường hợp thí sinh bị tai nạn, thí sinh đặc biệt đều được bố trí thi đúng quy định, quy chế của Bộ GD-ĐT. Thành phố có 1 thí sinh vi phạm quy chế thi trong môn Ngữ văn do mang điện thoại di động vào phòng thi, đã xử lý theo đúng quy chế.
Từ chiều ngày 27/6, Hội đồng chấm thi của thành phố tiến hành các công tác chuẩn bị cho việc chấm thi về phân loại bài, làm phách… Sáng 30-6 sẽ khai mạc Hội đồng chấm thi và dự kiến hoàn thành việc chấm thi trong một tuần. Thành phố đã huy động đội ngũ cán bộ chấm thi là hơn 700 giáo viên bậc THPT có tham gia giảng dạy lớp 12. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, ngày 11-7 sẽ công bố kết quả thi THPT Quốc gia 2018.
Hoài Nam - Lê Phương