Phát hiện trường đại học "xé rào", tuyển vượt 737% chỉ tiêu
(Dân trí) - Năm 2022, ở hệ vừa làm vừa học, Trường Đại học Trưng Vương (Vĩnh Phúc) tuyển vượt 472 chỉ tiêu, tương đương vượt 737,5%. Theo Thanh tra Bộ GD&ĐT, trường đã vi phạm quy định trong lĩnh vực giáo dục.
Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa có kết luận thanh tra công tác tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo của Trường ĐH Trưng Vương.
Theo Thanh tra Bộ GD&ĐT, để xảy ra các sai sót, trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách và các khoa của trường.
Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ lập biên bản vi phạm hành chính đối với các vi phạm của Trường ĐH Trưng Vương, tham mưu Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT ban hành quyết định xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật (kể cả các hành vi vi phạm đã hết thời hiệu xử phạt).
Cụ thể về tổ chức tuyển sinh, thông báo tuyển sinh đại học chính quy năm 2020, 2021 của Trường Đại học Trưng Vương thông tin về phương thức chưa đúng theo đề án đã công bố.
Khi kiểm tra xác suất hồ sơ sinh viên ngành điều dưỡng, có 1 hồ sơ sinh viên chính quy năm 2021 chưa có bằng tốt nghiệp THPT theo quy định; 3 sinh viên hệ vừa làm vừa học chưa đúng quy định (trong đó sinh viên trình độ trung cấp có bằng Trung cấp loại trung bình hoặc trung bình khá; 1 sinh viên trình độ THPT đạt loại trung bình).
Hành vi thông báo tuyển sinh không đầy đủ của Trường ĐH Trưng Vương vi phạm quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Về thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh đại học, năm 2020, trường không tuyển được sinh viên đại học chính quy; hệ vừa làm vừa học tuyển được 816 sinh viên, trong đó khối ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật tuyển vượt 647 chỉ tiêu (theo thông báo là 100), tương đương vượt 647%; khối ngành sức khỏe tuyển vượt 4 chỉ tiêu (theo thông báo là 30), tương đương vượt 13,3%.
Năm 2021, ở hệ vừa làm vừa học, Trường Đại học (ĐH) Trưng Vương cũng tuyển vượt 54 chỉ tiêu (theo thông báo là 108), tương đương vượt 100%.
Năm 2022, ở hệ vừa làm vừa học, trường tiếp tục tuyển vượt 472 chỉ tiêu (theo thông báo là 64), tương đương vượt 737,5%.
Theo thanh tra Bộ GD&ĐT, hành vi tuyển sinh không đúng đề án đã công bố của Trường ĐH Trưng Vương vi phạm quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Đối với trình độ thạc sĩ, năm 2021, ở ngành luật kinh tế, Trường Đại học Trưng Vương cũng tuyển sinh vượt chỉ tiêu 163%.
Trường Đại học Trưng Vương được thành lập năm 2010, đặt trụ sở tại thị trấn Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo 8 ngành trình độ đại học.
Về chương trình đào tạo, kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT cho thấy, các chương trình đào tạo của trường này chưa đảm bảo chất lượng.
Đặc biệt, chương trình đào tạo ngành điều dưỡng chưa đảm bảo theo quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong khối ngành sức khỏe.
Đến thời điểm thanh tra, Trường ĐH Trưng Vương chưa thực hiện biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học theo quy định.
Về quản lý hoạt động đào tạo, kiểm tra xác suất hồ sơ cho thấy, có lớp ngành điều dưỡng chính quy, trong một năm học có giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm giảng dạy 31 tín chỉ (91%), giảng viên cơ hữu giảng dạy 3 tín chỉ (9%). Điều này chưa đảm bảo quy định.
Tương tự, với chương trình vừa làm vừa học, đoàn thanh tra kiểm tra xác suất hồ sơ đào tạo lớp điều dưỡng, một số lớp giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm giảng dạy vượt quá quy định về tỷ lệ giảng dạy theo quy định về tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng theo quy định.
Thống kê của Bộ GD&ĐT, từ năm 2022 đến tháng 8/2023, có 94 quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành chủ yếu liên quan đến công tác tuyển sinh, mở ngành đào tạo, duy trì điều kiện đã được mở ngành.
Thống kê cho thấy trong 6 năm thực hiện tự chủ đại học đã có 1.194 ngành được mở mới.
Đáng chú ý, có những trường trong vòng 3 năm mở mới 27 ngành. Từ đó, cũng nảy sinh nhiều sai phạm trong chấp hành các quy định.
Một số khác sai phạm trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh các trình độ chưa đúng quy định; chưa đảm bảo các điều kiện mở ngành, duy trì ngành đào tạo.
Thanh tra của Bộ đã xử phạt những trường mở ngành nhưng không đảm bảo chất lượng.