Phân tầng cần kèm theo khống chế chất lượng đầu vào

(Dân trí) - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã nêu về vấn đề phân tầng đại học. Theo đó, yêu cầu thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng, thực hành.

Tán thành và ủng hộ vấn đề phân tầng giáo dục đại học (GDÐH), nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhận định, phân tầng GDÐH là một ý tưởng hay đã được đưa vào Luật GDÐH.

Nguyên Phó Chủ tịch nước chia sẻ một kinh nghiệm phân tầng GDÐH tốt mà thế giới thường nhắc đến là phân tầng GDÐH của bang California (Mỹ), được đề xuất cách đây nửa thế kỷ mà cho đến nay vẫn còn tác dụng. Cụ thể, GDÐH công lập ở California chia ba tầng. Tầng trên cùng gồm 10 trường ÐH đẳng cấp cao nhất, nặng về nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ, tuyển tốp 1/8 (12,5%) SV giỏi nhất của số học sinh tốt nghiệp THPT. Tầng giữa gồm 23 trường ÐH tầm trung, chỉ có quyền đào tạo đến bằng thạc sĩ, tuyển nhóm 1/3 (33,3%) số học sinh tốt nghiệp THPT kế tiếp.Tầng dưới bao gồm khoảng 110 trường cao đẳng cộng đồng nhận bất cứ học sinh nào muốn được học ÐH và học nghề. Hiện nay hệ thống phân tầng này mở rộng ra cả các trường tư và các trường đào tạo nghề, là một hệ thống phân tầng khá hiệu quả mà cả thế giới học tập. Ở đây cần lưu ý là Nhà nước quy định cho các tầng GDÐH cả chức năng đào tạo và cả chất lượng tuyển sinh, không có chuyện các ÐH tầng trên tuyển sinh lấn sân của các trường ÐH tầng dưới.

“Khi điều hành hệ thống GDÐH theo đúng các ý tưởng nêu trên hy vọng chúng ta sẽ có một hệ thống GDÐH phát triển ổn định, các trường tầng cao tập trung vào chức năng đào tạo trình độ cao, các trường tầng thấp thực hiện chức năng đào tạo nhân lực thực hành đa dạng theo nhu cầu của nền kinh tế thị trường” - nguyên Phó Chủ tịch nước nhận định.

 

Còn vấn đề tuyển sinh ÐH ở nước ta, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, cũng cần thay đổi, vì đã 12 năm thực hiện "ba chung" mà kỳ thi chưa áp dụng được công nghệ đánh giá hiện đại như Nghị quyết 14 nêu ra. Một số chuyên gia về đánh giá GD cho biết nếu sử dụng công nghệ đánh giá hiện đại, ngoài việc đo lường chính xác hơn năng lực thí sinh, còn có thể điều khiển sự phân bố phổ điểm thi sao cho từng tầng trường ÐH có thể tuyển sinh theo yêu cầu của mình. Cách tuyển sinh cũng cần đa dạng, có những hệ thống mở rộng đầu vào và thắt chặt đầu ra, như hệ thống đại học mở, nhằm tạo cơ hội cho mọi học sinh tốt nghiệp phổ thông nếu muốn đều có thể học ÐH.


Phân tầng đại học đáp ứng như cầu người học.

Phân tầng đại học đáp ứng nhu cầu người học.

Chấp nhận phân tầng để chờ quyết định đầu tư của nhà nước

 

GS Đặng Ứng Vận -  Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình nêu rõ quan điểm: Chấp nhận sự phân tầng về nhiệm vụ đào tạo dựa trên một hệ thống được đa dạng hóa để thích ứng với một nền giáo dục cho số đông và tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập có cơ hội phát triển. Cần có quan điểm quốc gia về chất lượng.

 

Đặt câu hỏi, vậy chất lượng ở đây là gì? GS Vận cho rằng: Là sự đáp ứng nhu cầu. Nhu cầu nhân lực và nhân tài cho quốc gia, nhu cầu có nghề nghiệp và nhu cầu học tập. Chấp nhận đa dạng hóa. Chấp nhận phân tầng để quyết định đầu tư của nhà nước, tập trung kinh phí nghiên cứu, chí phí đào tạo... Phân tầng đại học theo mục tiêu: nhân tài nhân lực và tố chất người lao động (dân trí), đi vào chi tiết có thể là nhân lực sáng tạo công nghệ và giải pháp công nghệ, nhân lực khai thác công nghệ, nhân lực áp dụng công nghệ...

Theo GS Vận,  lựa chọn nhiệm vụ cho phù hợp với năng lực của từng trường trong quá trình phát triển là giải pháp tối ưu hiện nay. Không làm quá sức mình nhưng cũng không làm việc dưới sức (không bắt voi đi cầy) để tránh lãng phí nhân lực chất lượng cao cũng như tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục tầng thấp có thể phát triển được.

Phân tầng cần kèm theo khống chế chất lượng đầu vào để đảm bảo mục tiêu tránh tình trạng các trường công, trường trọng điểm cũng tuyển thí sinh đến điểm sàn thì mọi cố gắng của các trường dân lập đều trở nên vô ích, cũng như đầu tư trọng điểm của nhà nước cũng trở thành lãng phí. Các trường tư được tự lựa chọn mục tiêu. Các trường công theo quy hoạch của nhà nước” - GS Vận đề xuất.

Hồng Hạnh