Ông bố từ chối chi nhiều tiền cho con học thêm, để con làm toàn bộ việc nhà
(Dân trí) - Anh Trần Đức Giang, một ông bố tại Hà Nội, nêu quan điểm về chuyện học thêm và cách gia đình anh rèn con kỹ năng tự học.
"Bố có thể chi nhiều tiền cho con học thêm, thi đỗ trường chuyên lớp chọn, nhưng bố không làm"
Tham gia một diễn đàn lớn của cộng đồng phụ huynh Hà Nội, anh Trần Đức Giang là thành viên nổi bật vì những quan điểm khác với số đông, trong đó có quan điểm về chuyện học thêm.
Anh Giang chủ trương trẻ cần được học những gì chúng thích khi còn nhỏ, chơi thể thao, làm việc nhà, không nên dành hết thời gian cho việc học giỏi kiến thức ở trường.
Ông bố phản đối việc học thêm tràn lan hiện tại, cho rằng cuộc đua học hành, điểm số, thi cử hiện nay đang lấy đi quá nhiều sức khỏe, năng lượng, thời gian của con trẻ và tiền bạc của bố mẹ.
Mới đây, anh Giang chia sẻ lá thư viết cho con trai, nêu rõ lý do vì sao anh không khuyến khích cho con đi học thêm hay ôn luyện tối ngày để vào trường chuyên, lớp chọn, đi du học ngay cả khi gia đình có đầy đủ điều kiện.
Những dòng tâm sự gửi con của anh Giang được nhiều phụ huynh đồng tình.
"Có áp lực không con?
- Khi các bạn được bố mẹ đưa đón thì con phải đạp xe đi học.
- Khi các buổi chiều, buổi tối các bạn vào lò luyện thi ganh đua vào chuyên chọn, bố lại bắt con học chơi thể thao, yêu cầu con phải tập thể dục, chơi thể thao hàng ngày.
Vì bố thấy con có năng khiếu thể thao giống bố. Bố nghiệm thấy chơi thể thao giúp bố nhiều hơn là học văn mẫu, toán mẫu chỉ để thi lấy điểm. Chơi thể thao giỏi sẽ có sức khỏe, tự tin, phản xạ nhanh nhẹn, mạnh dạn trong giao tiếp, và đi đến đâu cũng có thể kết bạn rất dễ dàng.
- Khi các bạn đang được thầy cầm tay hướng dẫn, luyện các dạng bài để thi điểm cao thì con đang phải lên mạng tìm kiếm các bài giảng, tài liệu để tự học.
- Khi các bạn được bố mẹ ưu tiên hết thời gian cho học thật giỏi, bố yêu cầu con phải làm toàn bộ việc nhà, vì bố đã làm toàn bộ việc nhà từ khi 6 tuổi. Việc nhà bây giờ nhẹ hơn xưa rất nhiều. Việc nhẹ như vậy mà còn không làm nổi, còn lười thì sau này tự lập cuộc sống như thế nào đây?
Và dần dần tự con cũng nhận ra chân lý:
- Con nói với bố học thêm nhiều không hiệu quả. Nhiều bạn ở lớp học thêm nhiều, điểm cao nhưng thực ra chả hiểu gì.
- Năng lực tư duy, tự học của con ngày một tiến bộ. Con nhận ra có những môn tự học nhanh hơn là ngồi trên lớp nghe giảng. Ở trường nhiều tiết không tập trung, thỉnh thoảng con nhờ bố xin cô cho nghỉ một số tiết để ở nhà tự học.
- Con cảm thấy hạnh phúc, tự tin vào năng lực bản thân.
- Con có thêm thời gian cho sở thích cá nhân, tự học những thứ con thấy có giá trị.
- Hôm qua con bảo bố dẫn ra hiệu sách để mua mấy quyển sách về đọc. Con bảo đọc trên điện thoại hại mắt. Bố rất vui vì điều này. Con đã hiểu cuộc sống có rất nhiều thứ phải học và những kiến thức học ở trường chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong hành trang vào đời.
Bố muốn nói với con rằng, bố có thể thuê người làm hết việc nhà, đưa đón con, có thể chi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để cho con học thêm, để thi đỗ chuyên chọn hay du học như các bạn.
Nhưng bố không làm vì bố thấy những điều đó không có nhiều giá trị bằng những điều con nhận ra trong quá trình nỗ lực tự học, lao động. Đó mới thực sự là hành trang cần thiết cho con suốt cả cuộc đời. Bố cũng trưởng thành từ khi nhận ra những điều đó.
Cố gắng lên con trai nhé, tự đi trên đôi chân của mình không khó lắm đâu", anh Giang viết.
Một ngày một giờ tự học
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Trần Đức Giang khẳng định, muốn trẻ có kỹ năng tự học không khó. Tự học là một thói quen cần được rèn luyện từ nhỏ.
Bố mẹ nên tổ chức giờ tự học cho con. Ví dụ giao cho con một chương sách, yêu cầu con ngồi tập trung trong khoảng 1 giờ, đọc và viết tổng hợp lại kiến thức. Mỗi ngày cố gắng 1 giờ như vậy, dần dần trẻ sẽ hình thành thói quen tự học.
Tuy nhiên, trước đó, bố mẹ cần tìm ra thứ con ham thích. Trẻ cần học thứ chúng thích trước và học thứ phải học sau. Được học thứ mình thích, trẻ mới thoải mái, hứng thú, dần hình thành năng lực tập trung và thói quen đào sâu, tìm hiểu bản chất vấn đề. Đừng để trẻ có áp lực sợ hãi việc học khi còn nhỏ.
"Khi trẻ đã có hứng thú với việc học, bố mẹ mới hướng dần con vào học cái không thích nhưng vẫn phải học, giải thích cho con tại sao cần học những cái đó.
Nếu bố mẹ có kiến thức, nên đồng hành cùng con trong thời gian đầu, giải thích thật kỹ và ghi nhớ các khái niệm mới trừu tượng, dùng các sự vật, hiện tượng quen thuộc làm ví dụ liên hệ thay vì ngôn ngữ viết trong sách giáo khoa, hướng dẫn từng bước, khuyến khích con tự đọc, đặt các câu hỏi để thảo luận, giúp con hiểu ra bản chất vấn đề.
Nếu bố mẹ không có kiến thức hoặc thiếu thời gian thì có thể thuê gia sư 1-1 cho con. Mục đích là giúp con nắm chắc kiến thức, có lộ trình học tập của môn học để từ đó nâng cao năng lực tự học.
Kinh nghiệm của gia đình tôi là học gia sư online thường hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn học trung tâm. Vào giai đoạn thi cử thì cho con đi học trung tâm để quen với dạng đề, luyện đề, luyện một số kỹ năng để có kết quả thi tốt hơn", anh Giang chia sẻ.
"Đừng coi thường việc nhà, nó mang lại nhiều lợi ích hơn chúng ta tưởng"
Theo anh Giang, cuộc đua học thêm hiện nay có nhiều hệ lụy. Mặc dù học thêm là nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh để vào được trường tốt, nhưng khi tất cả đều đi học thêm thì tất cả như nhau.
Học thêm nhiều để có thành tích cao còn có thể gây ra rất nhiều ngộ nhận về năng lực cho con trẻ, đánh giá sai năng lực, năng khiếu của trẻ, gây bất bình đẳng trong môi trường giáo dục.
Vì áp lực của các kỳ thi chuyển cấp, phụ huynh đi làm về là đưa đón con đi học thêm. Trẻ đi học chính khóa cả ngày về lại đến các lớp học thêm gây mệt mỏi, tắc đường, ô nhiễm, lãng phí rất lớn cho xã hội.
Có rất nhiều yếu tố quan trọng cấu thành nên giá trị của con người như hình dáng, sức khỏe, nhận thức bản thân, con người, xã hội, các kỹ năng mềm, kiến thức chuyên ngành chuyên sâu và kỹ năng nghề nghiệp.
Kiến thức phổ thông dạy ở trường với số đông chỉ cần đạt yêu cầu cơ bản để rèn tư duy và chỉ là nền tảng để học kiến thức chuyên ngành nghề nghiệp sau này, không nên quá quan trọng hóa và học quá nhiều.
Nhưng hiện nay nhiều trẻ đang phải dành hầu hết thời gian 12 năm cho cuộc đua học giỏi những kiến thức đó. Điều này gây tốn kém, lãng phí rất nhiều về tiền bạc, sức khỏe, thời gian cho gia đình và xã hội, lại không hiệu quả.
Thời gian học thêm đi lại, đưa đón nên dành cho trẻ và bố mẹ cùng chơi thể thao, rèn thể lực, và làm việc nhà.
Làm việc nhà giúp trẻ hình thành ý thức chia sẻ, ý thức trách nhiệm, có thêm rất nhiều kỹ năng, đầu óc linh hoạt, sáng tạo hơn. Thông qua lao động, những ưu nhược điểm trong tính cách con trẻ sẽ bộc lộ để bố mẹ có thể uốn nắn cũng như định hướng nghề nghiệp tốt hơn cho trẻ sau này.
Từ trải nghiệm của bản thân và kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý trong doanh nghiệp, anh Giang khẳng định những người từ nhỏ được rèn luyện qua lao động sẽ sống có kỷ luật hơn, không bê tha khi sống xa gia đình, có trách nhiệm hơn, kỹ năng quán xuyến, quản lý tổ chức sắp xếp thời gian, công việc tốt hơn khi được giao nhiều việc cùng lúc, có khả năng phát triển làm quản lý, lãnh đạo cao hơn.
"Bản chất việc nhà không tạo ra giá trị mà quá trình làm việc nhà sẽ giúp đầu óc sáng tạo hơn, hình thành thói quen chăm chỉ lao động, thói quen sắp xếp tổ chức, sắp xếp công việc khoa học, tạo lối sống ngăn nắp, kỷ luật và rèn sự khéo léo cho đôi bàn tay.
Bên cạnh đó, làm việc nhà cũng giúp thư giãn đầu óc, giải tỏa căng thẳng trong học tập. Việc gây áp lực học tập triền miên còn làm cho nhiều trẻ mệt mỏi, tâm lý sợ học, không còn cảm thấy hạnh phúc khi học tập, sự học sẽ kết thúc khi con trẻ rời ghế nhà trường.
Những gì chúng ta đang được hưởng là thành quả của hai thứ: bộ óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của con người. Học nhồi nhét áp lực liên tục sẽ làm chột cái thứ nhất, không lao động sẽ làm chột cái thứ hai. Giáo dục và đào tạo cần tập trung phát triển hai nhân tố này.
Các bố mẹ nên hướng dẫn con biết tự đặt ra mục tiêu để nỗ lực hàng ngày, tập trung vào các yếu tố tạo ra giá trị lâu dài cho con trẻ. Còn cuộc đua ngoài kia chưa chắc mang lại hiệu quả vì đó là cuộc đua của người khác tạo ra, đôi khi vì mục tiêu khác với chúng ta", anh Giang bày tỏ.