Ông bố ở Hà Nội: "Muốn con học giỏi mà không cần học thêm là ảo tưởng"

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Anh Hoàng Văn Thắng (Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng: Chỉ một số ít học sinh có khả năng tự học. Số còn lại muốn đạt tiêu chuẩn "giỏi" cần học nhiều hơn bình thường với sự hướng dẫn của giáo viên.

"Chỉ số ít trẻ không cần học thêm vẫn học giỏi"?

Trước làn sóng dư luận chỉ trích việc dạy thêm, học thêm, anh Hoàng Văn Thắng (43 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) nêu quan điểm: "Không thể vì một bộ phận giáo viên dạy thêm kém chất lượng và một bộ phận phụ huynh cho con học thêm do bị ép buộc mà dẹp bỏ hoạt động có ý nghĩa này.

Các bậc cha mẹ cũng cần thẳng thắn với nhau rằng, muốn con học giỏi mà không cần học thêm là ảo tưởng. Chỉ một số ít đứa trẻ có tư chất đặc biệt mới làm được điều đó".

Ông bố ở Hà Nội: Muốn con học giỏi mà không cần học thêm là ảo tưởng - 1

Một lớp học thêm ôn thi vào lớp 10 năm 2023 tại Hà Nội (Ảnh: HH).

Anh Thắng phân tích, việc học thêm được chia làm nhiều nhóm tương ứng với mục đích khác nhau.

Nhóm học thêm để nâng cao kiến thức dành cho học sinh giỏi, học sinh thi vào trường chuyên, lớp chọn và các kỳ thi tài năng. Nhóm học thêm để củng cố kiến thức dành cho học sinh đại trà khi cha mẹ hoặc chính học sinh không yên tâm vào kiến thức được tiếp nhận ở giờ học chính khóa. Nhóm học thêm để phục vụ thi chuyển cấp lên THPT và thi đại học. 

Anh Thắng khẳng định việc học thêm đã có từ thế hệ 7x, 8x song không phổ biến do bối cảnh xã hội chứ không phải do chất lượng giáo dục những năm 90 tốt hơn hiện nay.

"Thời đó, một số ít bạn bè tôi đi học thêm do gia đình có điều kiện. Giáo viên ngày đó không dạy thêm đại trà mà thường kèm một nhóm nhỏ, thường là những học sinh khá, giỏi. 

Từ giữa thập niên 90 trở lại đây, việc học thêm đại trà mới trở nên phổ biến. Nguyên do là kinh tế tốt lên, các gia đình quan tâm tới việc học hành của con cái hơn.

Cũng vì không đi học thêm, không có điều kiện học thêm, thế hệ tôi một xã chỉ có 1-2 người đỗ đại học. 

Đỗ vào trường cấp 3 chuyên của tỉnh cũng đại đa số là học sinh các trường trọng điểm của các huyện, thị xã. Huyện, thị nào càng phát triển càng có đông học sinh đỗ trường chuyên. Vì sao? Vì đó là những học sinh được đầu tư cho học hành, được học thêm thầy giỏi, cô giỏi. 

Học sinh trường làng chỉ học ở trường nửa buổi, nửa buổi về nhà đi cày đi cấy hoặc tự làm bài tập trong sách giáo khoa thì vào trường chuyên như thế nào?", anh Thắng chia sẻ.

Anh Thắng thừa nhận, có những học sinh không đi học thêm ở đâu, chỉ tự mày mò qua sách vở, tài liệu vẫn xuất sắc. Nhưng đó là thiểu số, rất ít gặp. 

"Do đó, bố mẹ muốn con không phải đi học thêm thì cũng cần chấp nhận một kết quả học tập bình thường. Không phải thời nay mới thế mà thời xưa cũng thế. Trừ khi chính bố mẹ là giáo viên dạy thêm của con", ông Thắng nêu quan điểm.

Ông bố ở Hà Nội: Muốn con học giỏi mà không cần học thêm là ảo tưởng - 2

Học sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2023 (Ảnh: Mạnh Quân)

Anh Thắng khẳng định, nhu cầu học tập của các gia đình ngày nay cao hơn so với 30 năm trước. Ở bậc tiểu học và THCS, cha mẹ mong con vào được lớp chọn, trường điểm. Vào lớp chọn, trường điểm rồi, cha mẹ lại mong con vào được tốp đầu. Kỳ thi vào lớp 10 căng thẳng cũng do cuộc đua trường tốp đầu.

"Chính tâm lý đó đẩy việc học thêm trở thành một vấn nạn", anh Thắng nhận định.

Giải quyết "vấn nạn" dạy thêm, học thêm cần điều chỉnh hành vi của cả giáo viên lẫn phụ huynh

Một vị hiệu trưởng cho rằng, việc dư luận bức xúc với dạy thêm, học thêm là có nguyên nhân chính đáng.

"Qua phản ánh dư luận, có hiện tượng nhiều giáo viên tổ chức lớp học thêm với thành phần học sinh gần như nguyên vẹn lớp học mà cô phụ trách ở trường.

Có hiện tượng giáo viên cho học sinh của lớp học thêm biết trước dạng đề, đề cương ôn thi, thậm chí không dạy hết bài trên lớp để mang về lớp học thêm dạy tiếp, phân biệt đối xử với học sinh không đi học thêm… 

Tôi tin phụ huynh không tự nghĩ ra những hiện tượng đó để phản ánh, phê phán", vị hiệu trưởng chia sẻ.

Tuy nhiên, ông khẳng định, các trường hợp nêu trên là phổ biến nhưng không phải đa số. Rất nhiều giáo viên dạy thêm từ nhu cầu thực của phụ huynh, học sinh.

Do thiếu cơ chế quản lý phù hợp, việc dạy thêm, học thêm hiện tại rơi vào tình trạng nửa trong tối nửa ngoài sáng. Giáo viên dạy thêm bị dư luận nghi kỵ, phán xét tiêu cực.

Vị hiệu trưởng cho rằng, cần cấp thiết đưa dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện để các giáo viên được kiếm tiền bằng nghề một cách đàng hoàng, cũng như đào thải dần những hành vi thiếu chuẩn mực, thiếu đạo đức nghề nghiệp trong việc dạy thêm. 

Bên cạnh đó, theo vị hiệu trưởng, điều chỉnh hành vi của giáo viên là chưa đủ, cần điều chỉnh cả hành vi, tâm lý của phụ huynh trong hoạt động dạy thêm, học thêm.

Ông bố ở Hà Nội: Muốn con học giỏi mà không cần học thêm là ảo tưởng - 3

Học sinh thi lớp 10 tại Hà Nội năm 2023 (Ảnh: Mạnh Quân)

"Bố mẹ đẩy con vào cuộc đua học thêm một phần vì tâm lý không muốn con thua kém bạn bè. Nhưng học hành không phải một cuộc đua.

Cạnh tranh trong học tập là cuộc cạnh tranh vô nghĩa nhất. Bởi trường học là nơi để mỗi đứa trẻ phát triển tốt nhất khả năng của mình chứ không phải để phát triển hơn những đứa trẻ khác. 

Khi tôi nói điều này, có thể nhiều vị phụ huynh cho rằng tôi thiếu thực tế. Nhưng tôi lại cho rằng, cạnh tranh học hành mới là thiếu thực tế. Không ai có thể toàn diện mọi kỹ năng, hiểu biết mọi lĩnh vực. Mỗi người có lợi thế nhất định và nên tập trung phát triển lợi thế của mình.

Ngược lại, khi lao vào cạnh tranh học hành, những đứa trẻ không được phát triển lợi thế bản thân mà bị đẽo gọt để đạt một thứ chuẩn như nhau. 

Khi cho con đi học thêm, bố mẹ cần xác định rõ mục đích, mục tiêu là gì. Nếu con không phải người có tư chất nổi trội, có nên cho con "luyện lò" để vào trường chuyên lớp chọn hay không? 

Hoặc nếu chỉ cần con đạt điểm 8, 9 trên lớp, cha mẹ nên cho con học thêm hay nên sắp xếp thời gian dành cho con 1 tiếng mỗi tối để cùng con ôn tập bài vở?

Việc học tập có trở thành gánh nặng với con trẻ hay không một phần lớn đến từ kỳ vọng của bố mẹ vào con cái. Việc học tập có trở nên nhẹ nhàng với trẻ hay không một phần lớn đến từ sự đồng hành của bố mẹ với con cái.

Khi nào bố mẹ đồng hành với con nhiều hơn, giảm bớt tâm lý chạy đua, cạnh tranh trong giáo dục, khi đó việc học thêm, dạy thêm sẽ trở nên đúng đắn, lành mạnh", vị hiệu trưởng nêu quan điểm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm