Con học thêm mất 8,4 triệu/tháng, phụ huynh nói: "Thế là ít"
(Dân trí) - Chị Phạm Thị Thúy (Đống Đa, Hà Nội) chi 1/3 thu nhập cho việc học thêm của con. Trong đó, riêng tiền học thêm là gần 10 triệu/tháng.
"10 triệu/tháng chỉ là học thêm cơ bản"
Chị Phạm Thị Thúy có hai con học lớp 12 và lớp 7. Năm học này, chi phí học thêm của hai con chị Thúy giảm do con gái lớp 12 đã hoàn thành chứng chỉ IELTS. Tuy nhiên, tổng chi phí vẫn lên đến gần 10 triệu/tháng, chiếm 1/3 tổng chi tiêu của gia đình.
Lịch học thêm hàng tuần của con gái lớn chị Thúy như sau: 2 ca toán, 1 ca vật lý, 4 ca học ôn thi đánh giá năng lực. Các buổi học này phục vụ cho mục đích xét tuyển đại học sớm và thi tốt nghiệp THPT. Tổng học phí là 1,1 triệu đồng/tuần và 4,4 triệu đồng/tháng.
Với con trai lớp 7, chị Thúy cho học thêm để nắm chắc kiến thức phổ thông và tăng cường ngoại ngữ. Theo đó, con chị học 2 buổi ngữ pháp tiếng Anh, 2 buổi nghe nói tiếng Anh trực tiếp với giáo viên nước ngoài, 2 buổi toán và 2 buổi văn học theo hình thức trực tuyến. Tổng học phí là 1 triệu đồng/tuần, 4 triệu đồng/tháng.
Trước đó, chị Thúy cho con trai học lập trình với mức chi 500.000/tuần, 2 triệu đồng/tháng. Nhưng hiện chị cho con nghỉ vì lịch học thêm đang dày.
Với mức chi 8,4 triệu đồng/tháng cho việc học thêm của con, chị Thúy khẳng định: "Thế là ít".
Theo lời chị, nhiều bạn bè, đồng nghiệp đang phải chi cao hơn nhiều. "Nhiều người tôi quen cho con học thêm mỗi môn hai lớp khác nhau. Một lớp của cô giáo chủ nhiệm, một lớp ở các trung tâm ngoài. Lịch học của con tôi vẫn đang ở mức cơ bản", chị Thúy chia sẻ.
Chị Nguyễn Phương Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) có hai con đều học trường tư thục, song chi phí học thêm gấp 2 lần chị Phạm Thị Thúy.
Không tiết lộ con số cụ thể, chị Mai cho biết hai con chị đi học thêm ba môn văn hóa là văn, toán, ngoại ngữ. Chị Mai khẳng định, nếu không đi học thêm, các con sẽ không có khả năng cạnh tranh được với các bạn trong lớp cũng như không thể đỗ được vào các trường điểm khi chuyển cấp.
"Ở trường, các con chỉ học kiến thức cơ bản. Nếu không luyện tập nhiều, các con sẽ quên rất nhanh. Con cần học thêm để củng cố kiến thức cơ bản và nâng cao thêm để tăng sức cạnh tranh. Muốn con học giỏi mà không cần đi học thêm là thiếu thực tế.
Điều đó chỉ đúng với số ít gia đình may mắn có con cái tư chất tốt, bố mẹ đều có trình độ văn hóa cao, có kiến thức lẫn thời gian để đồng hành, kèm cặp con cái", chị Mai chia sẻ.
Chị Hoàng Lan Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có hai con đang học bậc tiểu học. Hiện tại, chị Phương cho con học thêm ngoại ngữ ở trung tâm và học thêm hai môn toán, tiếng Việt của giáo viên chủ nhiệm. Theo lời chị Phương, gần như cả lớp hai con đều đi học thêm cô.
"Bố mẹ nào cũng lo lắng con sẽ không nắm được kiến thức nếu không đi học thêm. Ngoài ra, tâm lý chung là thấy nhiều phụ huynh cho con đi học thêm cô thì mình cũng không muốn con mình trở nên khác biệt", chị Phương tâm sự.
Học thêm mà không hiệu quả là do phụ huynh?
Chị Nguyễn Phương Mai nêu quan điểm: "Nếu phụ huynh cho con đi học thêm mà không có hiệu quả, học thêm vì mục đích khác như chiều lòng cô, sợ bị trù dập… thì lỗi đầu tiên là ở phụ huynh".
Chị Mai cho biết, người thân, bạn bè từng gặp trường hợp con bị cô giáo phân biệt đối xử vì không đi học thêm. Tuy nhiên, đó không phải tình trạng phổ biến.
"Hầu như giáo viên nào cũng tổ chức lớp học thêm. Nhưng không phải giáo viên nào cũng phân biệt đối xử với học sinh không đi học thêm. Nhiều giáo viên dạy dỗ rất tâm huyết và cũng có giáo viên không thực sự hết lòng với học trò. Tôi xem đó là điều bình thường trong xã hội.
Điều quan trọng là các bố mẹ phải tỉnh táo, kiên định với những lựa chọn của mình. Không nên cho con đi học thêm cho xong chuyện rồi trách móc rằng tốn tiền mà không có hiệu quả gì.
Chưa kể, nhiều bố mẹ thường trực tâm lý nghi ngờ sự công bằng của giáo viên. Chỉ cần cô tổ chức lớp học thêm là sẽ nghĩ rằng cô sẽ thiên vị học sinh đi học thêm với cô. Cứ nghi ngờ như vậy nên việc học thêm luôn bị gắn mác xấu", chị Mai bày tỏ ý kiến cá nhân.
Cô N.T.V., giáo viên dạy văn ở Hà Nội, bày tỏ nỗi niềm khi dư luận xã hội nghi kỵ thầy cô trong việc dạy thêm, học thêm.
"Khi phụ huynh tìm tới tôi để xin cho con học thêm, họ đều thể hiện sự chân thành, mong muốn con học được kiến thức vững chắc, đồng thời phục vụ thi cử, đặc biệt thi chuyển cấp. Học thêm là nhu cầu thật của phụ huynh, học sinh.
Tại các đô thị lớn như Hà Nội, áp lực thi cử rất cao. Để vào được các trường điểm, lớp điểm, học sinh phải có năng lực cạnh tranh tốt. Điều này làm nảy sinh nhu cầu cho con học thêm của các gia đình.
Bên cạnh đó, với sĩ số trên 45 học sinh/lớp, giáo viên rất khó kèm cặp từng học sinh. Nhận thức của mỗi học sinh khác nhau. Nhiều em phải đi học thêm để đạt được các mục tiêu trong học tập.
Tôi không phủ nhận có những trường hợp tiêu cực trong việc dạy thêm. Nhưng điều đó không có nghĩa là việc dạy thêm, học thêm không có ý nghĩa gì ngoài việc làm giàu cho giáo viên.
Mỗi lần đọc được những ý kiến như vậy trên mạng xã hội, tôi cảm thấy danh dự nghề nghiệp của mình bị chà đạp", cô N.T.V. chia sẻ.
Sáng 20/11, trong phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) phản ánh tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học.
Ông Huy nêu tình trạng nhiều giáo viên mở lớp dạy thêm bên ngoài đã dạy trước bài học, hoặc bỏ lửng bài học trên lớp để dạy nối tiếp ở lớp học thêm khiến những học sinh không đi học thêm không nắm được hết bài. Bên cạnh đó, giáo viên còn hé lộ bài kiểm tra trước cho lớp học thêm.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn giãi bày từng có người chất vấn "đến ngày nào bộ trưởng có thể quét sạch được việc dạy thêm, học thêm trên toàn cõi Việt Nam?".
Ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dạy thêm, học thêm là một nhu cầu thực tế. "Có người đưa con đến nài nỉ cô vừa dạy, vừa trông giúp. Hay cha mẹ thấy con đi học một ca chưa yên tâm nên sau giờ học cứ nghe thấy đâu có thầy tốt là đưa đến ngay, dẫn đến một tối 3-5 ca, việc này tác động đến sự căng thẳng của việc học với trẻ em ", Bộ trưởng Sơn nêu thực tế.
Trong quá trình đáp ứng các nhu cầu rất đa dạng của người học, hoạt động học thêm và dạy thêm cũng rất đa dạng. Bộ GD&ĐT đã có nhiều quy định về hoạt động này, song còn thiếu cơ sở pháp lý để quản lý, giám sát, điều tiết và xử lý hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD&ĐT từng có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, để đề xuất trong quá trình sửa Luật Đầu tư sẽ bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên đề xuất này hiện chưa được thông qua.